Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kiến trúc đô thị và nông thôn Việt Nam(02/03/2018)
Bài 1: Đánh giá thực trạng quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị và nông thôn Việt Nam
Thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng năm 2017, Viện Nhà ở và công trình công cộng đã rà soát hệ thống văn bản Quy phạm pháp luật về quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị và nông thôn Việt Nam. Trên cơ sở rà soát toàn bộ hệ thống văn bản Quy phạm pháp luật liên quan đến quy hoạch, kiến trúc và khảo sát đánh giá thực trạng tại các địa phương, Nhóm nghiên cứu đã đánh giá, nhận định như sau:
1. Kết quả đạt được trong việc quản lý, phát triển Kiến trúc Việt Nam
Trong những năm gần đây, bộ mặt kiến trúc đô thị và nông thôn Việt Nam đã có nhiều thay đổi đáng kể. Nhiều công trình lớn, đường phố, khu đô thị và các khu nhà ở mới đã được xây dựng. Tại các khu vực nội thành các đô thị, nhiều khu nhà lụp xụp, kém chất lượng đã được cải tạo, xây mới. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động xây dựng, công tác quản lý kiến trúc đô thị cũng đã đạt được những bước tiến nhất định. Sự thay đổi này không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và cải thiện môi trường sống cho nhân dân mà còn tạo ra diện mạo kiến trúc mới.
Hệ thống các văn bản quản lý quy phạm pháp luật về quản lý kiến trúc đô thị bước đầu đã được xây dựng, ban hành, tạo tiền đề cho việc thiết lập trật tự xây dựng và phát triển kiến trúc đô thị. Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 112/2002/QĐ – TTg ngày 03/9/2002 là cơ sở về phát triển kiến trúc tại các địa phương trên cả nước. Các địa phương đã và đang ban hành các Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc để quản lý.
Tổ chức bộ máy và cải cách hành chính trong quản lý quy hoạch xây dựng ngày một đổi mới. Việc phân công, phân cấp trong quản lý kiến trúc đã được nâng cao nhất là trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch và pháp luật, giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng. Công tác, quy hoạch xây dựng đô thị được thành phố tập trung thực hiện trong thời gian qua là tiền đề cho công tác quản lý và phát triển kiến trúc.
Nhiều lĩnh vực như tượng đài, cửa ngõ thành phố, trang trí đường phố, trồng cây xanh vỉa hè, các chương trình bảo tồn… thiết kế đô thị các trục đường, các khu vực quan trọng bắt đầu được chính quyền thành phố quan tâm, triển khai thực hiện.
Sự giao lưu thông tin thuận lợi trong quá trình hội nhập – các thông tin mới trên thế giới được nhanh chóng cập nhật, tham khảo dễ dàng thông qua mạng internet, các lớp tập huấn và hợp tác với chuyên gia nước ngoài.
Nhiều công trình kiến trúc trọng điểm, điểm nhất được xây dựng. Việc thi tuyển phương án kiến trúc công trình được áp dụng rộng rãi đối với các công trình trọng điểm.
Lực lượng chuyên môn được đào tạo, bổ sung nhanh chóng, được tiếp cận với các công nghệ mới.
Bên cạnh đó việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới đã làm cho bộ mặt kiến trúc của nông thôn được nâng cao. Kết cấu hạ tầng, không gian kiến trúc cảnh quan nông thôn được quan tâm.
2. Những vấn đề tồn tại, bất cập trong việc quản lý, phát triển kiến trúc đô thị và nông thôn Việt Nam
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý, phát triển kiến trúc Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại, bất cập như:
a)Về quy hoạch
– Các văn bản pháp lý còn chồng chéo, thay đổi liên tục gây khó khăn cho việc thực hiện và quản lý do khung pháp luật chưa đồng bộ, thiếu các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết việc quản lý kiến trúc, thiếu cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kiến trúc đô thị, nông thôn.
– Ý thức chấp hành quy hoạch và pháp luật cùng với nhận thức về quản lý và phát triển kiến trúc chưa cao; Năng lực của cán bộ và công chức về quản lý đô thị một số còn hạn chế. Thiếu kinh nghiệm quản lý trong tình hình phát triển hiện nay.
– Cần chuẩn hóa các khái niệm cơ bản tránh sự hiểu nhầm gây khó khăn trong việc quản lý phát triển kiến trúc đô thị. Cụ thể: Tại Điều 3. Giải thích từ ngữ của Luật quy hoạch đô thị năm 2009 quy định: “Đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn dẫn đến có sự nhầm lẫn giữa đơn vị hành chính đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn) và đô thị (khu vực tập trung đông dân cư phi nông nghiệp). Từ đó ảnh hưởng lớn đến việc ban hành các văn bản QPPL để quản lý và phạm vi áp dụng.
– Về công bố thông tin Quy hoạch: Đối với một khu vực, hoặc một công trình chịu tác động bởi rất nhiều căn cứ pháp lý để quản lý kiến trúc đô thị như: Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu, Quy hoạch chi tiết; Thiết kế đô thị, Quy chế quản lý Quy hoạch kiến trúc,… Thậm chí trong đó có nhiều nội dung không thống nhất. Hiện nay việc công khai, công bố các chỉ tiêu đến người thiết kế, chủ đầu tư chưa được thực hiện cụ thể. Tại các nước trên thế giới hoặc một số đô thị Việt Nam đã triển khai công bố các thông tin về quy hoạch, kiến trúc cho từng lô đất (VD như TP. HCM). Đây là công cụ hữu hiệu để quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị. Do đó cần có cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển, nhân rộng mô hình quản lý này.
– Về quản lý mật độ xây dựng: Mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất cũng là những chỉ tiêu rất quan trọng của ngành Xây dựng trong quản lý quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, trong một thời gian dài các địa phương đã bỏ qua những quy định bắt buộc. QCXDVN: 01/2008 đã bỏ hệ số sử dụng đất so với QCXDVN: 1997. Bên cạnh đó hiện nay việc quản lý dự án chỉ quan tâm khống chế tổng số dân trong một khu vực đô thị phù hợp với quy hoạch, Tuy nhiên nhiều chủ đầu tư đã “lách luật” tăng số căn nhà trong dự án nhằm nâng hiệu quả của dự án (thậm chí có dự án 1-2 người/căn) và không tính toán đến dân số quy đổi, khách vãng lai… Dẫn đến tình trạng xây dựng các công trình quá tải hệ thống hạ tầng đô thị như hiện nay.
– Về quản lý nhà cao tầng: Hiện nay trong đô thị không có sự điều tiết về không gian cao tầng giữa các tòa nhà cạnh nhau. Nhiều khu vực chỉ quy định về tầng cao tối đa, do đó các công trình xây dựng trong cùng một lô đất thường xây dựng tối đa tầng cao để tăng hiệu quả thương mại, dẫn đến hình thành những tổ hợp công trình có khối tích rất lớn, ảnh hưởng đến kiến trúc cảnh quan đô thị và thiếu kiểm soát về hạ tầng đô thị.
– Về điều chỉnh quy hoạch: Tại nhiều địa phương, việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phá vỡ hoàn toàn đồ án quy hoạch lập, phê duyệt lần đầu. Do đó, cần phải có sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý về quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch.
– Việc lấy ý kiến người dân: Việc tham gia của cộng đồng trong các đồ án quy hoạch, kiến trúc đều được các chuyên gia đánh giá là cần thiết. Hiện nay việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư thông qua các cuộc báo cáo tại phường, xã chưa đạt hiệu quả cao. Do người dân không có điều kiện tiếp cận hồ sơ và ít có kiến thức chuyên môn. Để tăng cường hiệu quả công tác lấy ý kiến cần xây dựng các giải pháp lấy ý kiến người dân thông qua mạng internet trên các trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền.
b)Về định hướng phát triển, quản lý kiến trúc
– Việc phát triển kiến trúc tại các đô thị hiện nay chưa được định hướng lâu dài, thiếu bản sắc. Các định hướng phát triển kiến trúc còn chung chung, không xây dựng được lộ trình để tổ chức thực hiện. Kiến trúc phát triển còn thiếu trật tự, hình thức kiến trúc đa dạng nhưng thiếu tính thống nhất và chưa có bản sắc riêng. Nhiều công trình có hình thức kiến trúc chắp vá không phản ánh được trào lưu rõ ràng.
– Trong sáng tác, thiết kế kiến trúc còn ít các công trình do kiến trúc sư Việt Nam thiết kế đạt chất lượng cao, có uy tín trên thế giới. Nhiều công trình lớn, trọng điểm của Việt Nam thuê các kiến trúc sư nước ngoài thiết kế, thiếu nét đặc trưng của kiến trúc Việt Nam.
– Tại các đô thị, trật tự kiến trúc của toàn đô thị nói chung và từng đường phố, khu phố nói riêng chưa được thiết lập. Sự phát triển thiếu một định hướng thống nhất và sự thiếu kiểm soát chặt chẽ đã làm bộ mặt kiến trúc công trình được tạo lập riêng lẻ theo yêu cầu của chủ đầu tư hoặc theo sở thích riêng của người thiết kế, của người quản lý đã làm cho mỹ quan kiến trúc đô thị bị xuống cấp. Kiến trúc của từng đô thị, từng khu dân cư nhìn chung chưa có được bản sắc riêng.
– Kiến trúc phát triển còn thiếu trật tự, hình thức kiến trúc đa dạng nhưng thiếu tính thống nhất và chưa có bản sắc riêng. Nhiều công trình có hình thức kiến trúc chắp vá không phản ánh được trào lưu rõ ràng. Việc lập, phê duyệt các Quy chế, Quy định quản lý, thiết kế đô thị cho các khu vực đặc thù, các tuyến phố, trục giao thông quan trọng, làm cơ sở cho việc quản lý quy hoạch kiến trúc còn chậm.
– Tư vấn thiết kế và sáng tác kiến trúc chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới. Hình thức kiến trúc nhà ở còn bị lệ thuộc quá nhiều vào sở thích của chủ đầu tư. Kiến trúc công cộng thiếu bản sắc, đặc biệt là thiếu sự tiếp thu có sáng tạo truyền thống của kiến trúc Việt Nam và các xu hướng kiến trúc thế giới. Trong những năm gần đây, hình thức kiến trúc các công trình bị lai tạp, đặc biệt là kiến trúc nhà ở và công sở.
– Lĩnh vực lý luận phê bình sáng tác kiến trúc thiếu định hướng, yếu lý luận và thiếu thông tin trong lĩnh vực lý luận phê bình kiến trúc đã có ảnh hưởng đến chất lượng sáng tác kiến trúc.
– Công tác phê bình lý luận kiến trúc chủ yếu mới tập trung vào các công trình lớn, số lượng ít trong khi đó chưa tập trung nhiều vào các công trình quy mô nhỏ, nhà dân (chiếm số lượng lớn) những công trình này mới gây ảnh hưởng xấu đến đô thị.
– Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 112/2002/QĐ – TTg ngày 03/9/2002. Đến nay đã được 15 năm, nhiều nội dung cần chỉnh sửa, cập nhật các xu hướng phát triển kiến trúc trên thế giới như: Kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu,… Tại mục 5, điều 1 Những chính sách và giải pháp lớn thực hiện định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đã xác định: “Xây dựng chương trình khung và kế hoạch hành động chi tiết đến năm 2005 và 2010 để tổ chức thực hiện Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020”. Tuy nhiên nội dung này chưa được triển khai thực hiện do đó chưa được triển khai Định hướng rõ nét tại các địa phương.
– Các đô thị của Việt Nam hiện nay chủ yếu là bám đọc các tuyến đường. Các hộ gia đình xây dựng các công trình theo các mục đích khác nhau, tại các thời điểm khác nhau do đó rất khó kiểm soát kiến trúc của cả tuyến phố. Do đó, đối với các khu vực đô thị mới cần có những nghiên cứu xây dựng những mô hình phát triển kiến trúc đô thị mới nhằm thay đổi bộ mặt kiến trúc đô thị. Ví dụ: cần phân biệt khu vực ở và khu vực kinh doanh thương mại, đưa các chức năng ở vào trong khu vực lõi của ô phố và bổ sung các dải cây xanh, lam chắn, đường đi bộ trên cao,… che bớt một phần kiến trúc công trình.
– Tại các khu đô thị mới, nhiều khu vực đất trống chưa được xây dựng, hoặc nhiều công trình mới được xây dựng thô ảnh hưởng đến bộ mặt kiến trúc cảnh quan đô thị. Cần có quy định cụ thể về việc quản lý những trường hợp này. Đồng thời đối với những trường hợp xây dựng công trình tại mặt tiền các tuyến phố cần có các quy định về việc che chắn đảm bảo mỹ quan, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công.
– Việc quản lý các công trình siêu mỏng, siêu méo tại các đô thị hiện nay chủ yếu do các địa phương chủ động thực hiện. Thiếu các cơ chế chính sách các văn bản pháp lý quy định cụ thể về nội dung này.
– Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, việc từng bước thể chế hoác việc phát triển kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái, kiến trúc thích ứng, ứng phó với Biến đổi khí hậu là hết sức cần thiết.
c) Về thiết kế đô thị
– Trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là Nghị định 44/2015/NĐ-CP (quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng) và Thông tư 06/2013/TT-BXD (hướng dẫn thiết kế đô thị) đều có quy định cụ thể về thiết kế cảnh quan, kiến trúc đối với từng loại đồ án quy hoạch (đô thị và khu chức năng đặc thù) và từng cấp độ (quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu). Nếu thực hiện tất cả các bước, đủ cấp độ thì chất lượng định hướng của các đồ án thiết kế đô thị sẽ là công cụ hiệu quả để quản lý quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên, với tình hình ngân sách eo hẹp hiện nay, các đô thị gần như chỉ thực hiện đồ án quy hoạch chung và quy hoạch phân khu. Cần nghiên cứu giải pháp xây dựng các công cụ quản lý đô thị nhưng đảm bảo dễ lập, thẩm định, phê duyệt, ít kinh phí hoặc trong Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu cần quy định cụ thể về lộ trình ưu tiên lập thiết kế đô thị để quản lý.
– Điều 33 Luật Quy hoạch đô thị quy định nội dung đồ án thiết kế bao gồm việc xác định màu sắc, vật liệu, hình khối, chi tiết kiến trúc các công trình và các vật thể kiến trúc khác… Những yêu cầu quá chi tiết như thế này rất khó thực hiện tại các đô thị ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay nên quy định này chưa thật sự khả thi.
– Thực tế tại các đô thị Việt Nam, ranh giới hành chính các phường, quận thường nằm giữa các tuyến đường, do đó có nhiều tuyến đường do các cơ quan khác nhau quản lý dẫn đến thiếu đồng bộ giữa các đoạn đường và 2 bên trục đường.
d)Về cải tạo chỉnh trang đô thị
– Công tác quy hoạch cải tạo, chỉnh trang khu đô thị cũ chưa được quan tâm đúng mức. Việc cải tạo và xây dựng đô thị vẫn nặng về chắp vá không đồng bộ. Thiếu tính kết nối không gian giữa khu đô thị cũ và mới, không thống nhất về hình thái kiến trúc rất cần một định hướng trong quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị và quy định mới trong thiết kế kiến trúc. Cần tiến hành tổ chức các quy hoạch chi tiết từng phố, từng khu vực.
– Việc đền bù, giải phóng mặt bằng trong việc cải tạo đô thị còn gặp nhiều khó khăn, do đó chưa thu hút được nguồn vốn từ các doanh nghiệp.
– Hệ thống văn bản QPPL thiếu các quy định quy hoạch cải tạo chỉnh trang các khu đô thị cũ. Thiếu các hướng dẫn về phương pháp, trình tự thủ tục, phạm vi ranh giới, đơn giá định mức thiết kế cải tạo chỉnh trang một khu vực hoặc một tuyến phố dẫn đến nhiều khó khăn trong việc cải tạo chỉnh trang đô thị.
e) Quản lý kiến trúc cảnh quan một số công trình hạ tầng đô thị
– Về nghĩa trang: Một số khu vực nghĩa trang cũ nằm trong khu vực đô thị gây ảnh hưởng đến môi trường và kiến trúc cảnh quan đô thị. Việc di dời các nghĩa trang này gặp nhiều khó khăn. Do đó cần nghiên cứu giải pháp quản xây dựng về kiến trúc lý hướng dẫn các địa phương nhằm giảm thiểu ảnh hưởng xấu của nghĩa trang đến kiến trúc cảnh quan đô thị và các hộ dân xung quanh.
– Về cầu vượt trong đô thị: Tại Điều 20, NĐ 38/2010/NĐ-CP về Quản lý không gian kiến trúc cảnh quan đã quy định đối với công trình giao thông trong đô thị:
“Các công trình giao thông và công trình phụ trợ giao thông trong đô thị phải được thiết kế đồng bộ bảo đảm thuận lợi cho người và phương tiện tham gia giao thông; có hình thức kiến trúc, màu sắc bảo đảm yêu cầu mỹ quan, dễ nhận biết và thể hiện được đặc thù của đô thị đó, phù hợp với các công trình khác có liên quan trong đô thị.
Công trình giao thông có quy mô lớn, vị trí quan trọng, ảnh hưởng mỹ quan đô thị (cầu qua sông, cầu vượt, cầu cho người đi bộ…) phải tổ chức thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc theo quy định trước khi lập dự án đầu tư xây dựng“
Tuy nhiên, thực trạng việc thiết kế cầu vượt mới chỉ nghĩ tới xây dựng một con đường, một công trình giao thông chứ chưa tính đến không gian. Không gian phía dưới gầm cầu vượt phần lớn bị bỏ quên và chưa được quan tâm đúng mức, không gian này chủ yếu tận dụng làm bãi đỗ xe, tập kết máy móc và các nguyên vật liệu xây dựng, nơi tập trung xe ôm, người lao động, tập kết rác thải…
Về hệ thống đường dây điện, thông tin liên lạc: Đối với những khu vực chưa có điều kiện hạ ngầm, cần có sự phối hợp đa ngành để quản lý đảm bảo kiến trúc cảnh quan đô thị.
f) Về bảo tồn kiến trúc đô thị và nông thôn
– Việc bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hoá lịch sử, cảnh quan thiên nhiên và các sáng tác kiến trúc có giá trị, bảo tồn cả một đô thị, hay cả một khu vực như: Khu phố cổ, Làng Đường Lâm, Sa Pa, Hội An, Đà Lạt… còn nhiều bất cập nhất là thiếu các chính sách về tài chính để tạo ra tính khả thi. Thiếu cách làm và các giải pháp phát huy các giá trị trong cuộc sống đương đại.
– Đối với việc bảo tồn kiến trúc công trình chưa đánh giá cụ thể giá trị những nội dung cần phải bảo tồn. Thiếu các cơ sở sản xuất các vật liệu truyền thống phục vụ cho công tác bảo tồn.
g)Về quản lý kiến trúc nông thôn
– Phần lớn các làng xã, đặc biệt là những làng xã ven đô đang mất dần những giá trị truyền thống. Các thị tứ, thị trấn, khu công nghiệp hình thành tự phát, bám vào hai bên trục đường chính gây cản trở giao thông. Hình thức kiến trúc tại các làng, bản vùng núi đang mất dần bản sắc riêng. Hầu hết các mẫu nhà sử dụng tại đây được du nhập từ các đô thị đồng bằng. Tình trạng xây dựng nhà ở vi phạm các hành lang an toàn giao thông, đê điều và chiếm dụng đất canh tác khá phổ biến trong khi những nghiên cứu thiết kế điển hình nhà ở nông thôn của các cơ quan tư vấn quy hoạch và kiến trúc hầu như vẫn không được dân cư tiếp nhận tự nguyện.
– Tại khu vực nông thôn, việc xây dựng khá tùy tiện, không có hướng dẫn định hướng cho kiến trúc trong xây dựng nhà ở nông thôn cho người dân. Vì vậy, cấu trúc làng xã đã biến dạng, kiến trúc pha tạp đang làm mất dần bản sắc Việt Nam.
– Do điều kiện kinh tế xã hội phát triển, cơ cấu của các làng quê Việt Nam dần thay đổi (cấu trúc, sản xuất, nhà ở, sinh hoạt, cơ cấu hộ gia đình…). Việc phát triển kiến trúc nông thôn hiện nay chưa có sự định hướng cụ thể gắn với những thay đổi của khu vực nông thôn. Các nghiên cứu của các nhà khoa học và định hướng của các nhà quản lý chủ yếu hướng phát triển kiến trúc nông thôn theo mô hình truyền thống. Do đó chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của khu vực nông thôn Việt Nam.
– Hiện nay việc quản lý phát triển đô thị còn có sự chồng chéo giữa việc lập Quy hoạch đô thị và Quy hoạch nông thôn mới. Tại nhiều khu vực ven đô đã được xác định trong Quy hoạch chung xây dựng đô thị sẽ phát triển thành khu vực nội thị (đô thị). Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn tiến hành lập Quy hoạch nông thôn mới cho các xã này dẫn tới nhiều nội dung bị chồng chéo và mâu thuẫn lẫn nhau. Do đó cần có hướng dẫn cụ thể đối với việc quy hoạch nông thôn mới tại các khu vực ven đô đã được quy hoạch thành đô thị.
– Số lượng các xã nông thôn rất lớn trong khi đó các địa phương muốn phủ kín quy hoạch nông thôn mới. Chi phí cho các đồ án quy hoạch ít, việc điều tra hiện trạng không được triển khai bài bản do đó nhiều đồ án quy hoạch nông thôn mới có chất lượng thấp. Các tiêu chí về kiến trúc nhà ở nông thôn, công trình công cộng, bảo tồn di tích, văn hóa, dân tộc phù hợp với đặc điểm của từng vùng còn thiếu cụ thể, gây khó cho công tác lập quy hoạch, nhất là đối với các xã có đặc điểm khác nhau rất lớn: xã ven đô thậm chí trong nội đô, xã có làng nghề phát triển, xã thuần nông, xã vùng đồng bằng, xã vùng ven biển, xã vùng trung du, xã vùng núi cao… Từ đó đặt ra các yêu cầu quy hoạch rất khác nhau, cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến chất lượng quy hoạch nông thôn còn nhiều hạn chế.
– Một số văn bản quy phạm pháp luật có những điểm chồng chéo, mâu thuẫn chưa phù hợp thực tế cả về nội dung chuyên môn đến điều kiện nhân lực và kinh phí thực hiện.
Ví dụ: về tiêu chí giao thông không thống nhất giữa các cơ quan (Quyết định 315/QÐ – BGTVT ngày 23/2/2011 quy định đường AH là 3,5 m lề đường. Ðường liên xã mặt đường rộng 3 m nhỏ hơn. Sổ tay hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đường trục xã, làng rộng tối thiểu 5-6 m. Ðường trục nông thôn lòng đường tối thiểu 4-5 m. Trong Sổ tay hướng dẫn của Bộ Xây dựng thì đường trục xã và đường liên thôn bảo đảm mặt cắt đường 9-15 m)
Thông tư Liên tịch số 26/2011/TTLT – BNN&PTNT – BKHÐT – BTC, đề cập đến Quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã với những thuật ngữ, nội dung khác với quy định trong thông tư của Bộ Xây dựng như gọi “quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết cho khu dân cư và hạ tầng công cộng” trong khi Thông tư của Bộ Xây dựng gọi là “quy hoạch chung lưới điểm dân cư, quy hoạch chi tiết trung tâm xã và các điểm dân cư”.
– Những bất cập trong kiến trúc nông thôn chủ yếu tập trung tại các khu vực đô thị hóa cao, khu vực ven đô. Theo quy định tại Quy chuẩn 01:2008 Quy chuẩn xây dựng Việt Nam quy định: Đất ngoại thành, ngoại thị đã có quy hoạch và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để phát triển đô thị được quản lý như đất đô thị. Tuy nhiên, cần bổ sung các quy định về đầu tư xây dựng, quản lý kiến trúc cảnh quan các khu vực này tương ứng.
(Xin mời xem Bài 2: Đề xuất một số nội dung điều chỉnh, bổ sung trong hệ thống văn bản QPPL về kiến trúc đô thị và nông thôn)
Viện Nhà ở và Công trình công cộng
bình luận