Hội thảo: Quy hoạch đô thị Hà Nội, định hướng phát triển kiến trúc, quy hoạch khu vực phía Bắc sông Hồng(27/12/2017)

Sau Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ, TP. Hà Nội đã lập và phê duyệt nhiều đồ án quy hoạch xây dựng quan trọng nhằm phát triển đô thị khu vực phía Bắc sông Hồng và huyện Đông Anh theo hướng trở thành một Trung tâm đô thị mới hiện đại, đồng bộ, là “cực trung tâm đô thị” mới thu hút dân cư và góp phần giảm áp lực về dân số cho khu vực nội đô hiện hữu. Nhằm có được nhận định, cơ sở và kết quả khoa học chuẩn xác, ngày 27/12/2017, Viện Kiến trúc Quốc gia ( Bộ Xây dựng)  phối hợp với UBND huyện Đông Anh tổ chức Hội thảo “Quy hoạch đô thị Hà Nội định hướng phát triển kiến trúc – Quy hoạch khu vực phía Bắc sông Hồng”.

Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn nhấn mạnh, vị trí, vai trò của huyện Đông Anh đối với TP Hà Nội

Hội thảo hướng tới mục tiêu: Tạo môi trường để tham vấn ý kiến các chuyên gia đa ngành, trao đổi kinh nghiệm, thực thi các đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt; Giúp các cơ quan quản lý nghiên cứu xây dựng các kế hoạch, chương trình, giải pháp để phát triển đô thị phía Bắc sông Hồng tương xứng với vai trò và tiềm năng vốn có.

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Xây dựng – Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn, lãnh đạo huyện Đông Anh, nhiều chuyên gia, khách mời đại diện cho các cục, vụ Bộ Xây dựng, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội bất động sản Việt Nam, các đơn vị làm công tác tư vấn thiết kế và quy hoạch…

Tại Hội thảo, các chuyên gia đều thống nhất, Đông Anh là khu vực có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, đồng thời giữ vai trò thu hút dân cư và giảm áp lực dân số cho khu vực nội đô Hà Nội hiện hữu. Đông Anh hoàn toàn có thể phát triển thành một khu vực nội đô mới hiện đại, tạo cực hút mạnh mẽ của đô thị Hà Nội. Các chuyên gia đã tập trung đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm các vấn đề về quy hoạch và đầu tư phát triển Đông Anh: Xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại;  Kinh nghiệm về quản lý đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; Kinh nghiệm và giải pháp kiểm soát quá trình đô thị hóa tại khu vực ven đô; Kinh nghiệm huy động nguồn lực đầu tư phát triển đô thị; Kinh nghiệm quốc tế về mô hình phát triển đô thị theo định hướng TOD.

Đông Anh vào thời điểm này cấp thiết cần được vạch rõ một hướng đi, một chủ thuyết phát triển tối ưu, hiệu quả nhất cho mình. Với vai trò và vị thế của Đông Anh hiện nay đối với sự phát triển chung của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đã tham dự hội thảo, phát biểu quan điểm và nêu ý kiến đóng góp của mình đối với sự phát triển của Đông Anh trong thời gian tới đây.

Đông Anh là một huyện ngoại thành, ở vị trí cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, nằm trong vùng quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ và du lịch đã được Chính phủ và TP phê duyệt, là đầu mối giao thông quan trọng nối Thủ Đô Hà Nội với các tỉnh phía Bắc. Vì vậy, trong những năm qua, việc định hướng, quy hoạch, phát triển huyện Đông Anh luôn là vấn đề được lãnh đạo các cấp quan tâm.

Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia phát biểu tại Hội thảo

Theo Thứ trưởng, Đông Anh được hoạch định phát triển là khu vực nội đô mới. Đông Anh có quỹ đất phát triển rộng rãi, địa hình thuận lợi cho phát triển. Bài toán phát triển Đông Anh sẽ như thế nào? Mục tiêu đưa huyện Đông Anh trở thành nội đô mới mở rộng đến nay phát triển còn chậm. Trong đồ án quy hoạch giãn dân, Hà Nội dự kiến sẽ giảm từ 1.2 triệu người xuống còn 800 nghìn trong nội đô và khu vực ngoại thành như huyện Đông Anh đóng vai trò quan trọng trong công tác giãn dân, tái định cư. Gần đây chúng ta thấy nói nhiều đến phát triển nhà cao tầng trong nội đô với áp lực tăng thêm dân số cho nội đô nhưng không thấy có một giải pháp dãn dân cụ thể nào. Giải pháp và chính sách dãn dân của Hà Nội chưa thật rõ ràng, nhưng một đều thấy rõ là Hà Nội đang tăng mạnh dân số vào nội đô.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn, Hà Nội có các cây cầu bắc qua sông Hồng sang khu vực Đông Anh, Cầu Nhật Tân nối với sân Bay Nội bài và tới đây có thêm Cầu Tứ Liên. Sự kết nối Đông Anh – Hồ Tây – Khu vực trung tâm Hà Nội trở nên gần gũi, không còn xa lạ. Do vậy, việc dãn dân sang phía Đông Anh là hoàn toàn khả thi. Kinh nghiệm cho thấy Đông Anh hoàn toàn có thể học cách làm của thủ đô Malina (Philippines). Thủ đô Malina được haochj định tahnfh 2 khu vực mới và cũ. Với Malina mới, việc hoạch định phát triển theo hướng hiện đại, nơi hội tụ những tinh hoa, công trình hiện đại trên thế giới. Khi đó người dân đổ dồn vào ở khu mới, giá đất khi đó tăng lên rất nhiều và lập tức đất ở khu vực cũ cũng giảm đi đang kể. Với chính sách này đã làm tốt việc dãn dân từ khu cũ chuyển sang khu mới. Mặt khác, trong một nguyên lý xã hội, người già không muốn di chuyển nhưng con cháu họ, những người trẻ họ di dời đi thì lập tức người già cũng sẽ di dời đi theo.

Ông Phạm Văn Châm – Chủ tịch Huyện Đông Anh phát biểu tại Hội thảo

Đông Anh muốn phát triển không chỉ công khai quy hoạch, công khai giá đất mà còn phải mở rộng cửa cho các nhà đầu tư vào. Singapore có cục quản lý đất đai và cục phụ trách công tác bán đất đai cho doanh nghiệp và người dân, có cơ chế đấu giá đất rõ ràng và hiệu quả. Đông Anh cũng cần tham khảo kinh nghiệm này.

Quỹ đất của Đông Anh hiện nay là quỹ đất vàng, là nguồn lực để xây dựng hạ tầng, Nếu không có chiến lược và quản lý hiệu quả đất đai sẽ gây lãng phí lớn. Mọi thông tin về giá đất, dự án… cần công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Đông Anh nếu không có một hoạch định và chiến lược phát triển tốt, nếu cấp đất manh mún, cho các chủ đầu tư nhỏ lẻ sẽ để mất cơ hội phát triển cho Hà Nội trong nay mai.

Buổi Hội thảo đã diễn ra với sự đồng nhất cao về quan điểm của các đại biểu tham dự, hứa hẹn sẽ giúp thay đổi diện mạo của huyện Đông Anh nói riêng góp phần làm đẹp cho Thủ đô Hà Nội nói chung.

PV

 

bình luận