Xây dựng cơ sở dữ liệu về công trình xanh và đô thị xanh – kinh nghiệm của Nhật Bản về hệ thống đánh giá công trình xanh(14/12/2017)

Tóm tắt đề tài

Trong thời gian qua, các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với một tình hình chung, đó là các thách thức do hậu quả của các cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội xảy ra liên tiếp tại nhiều quốc gia. Đồng thời, bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt. Đứng trước những thách thức này, Tăng trưởng xanh được coi là một chương trình toàn diện, tạo ra hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, nuôi dưỡng cuộc sống của con người và giảm thiểu tác động của BĐKH. Chính vì vậy nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đang tiếp cận theo xu hướng mới này nhằm hướng tới phát triển bền vững. Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.

Tại Việt Nam, chương trình Tăng trưởng xanh được cụ thể hóa qua “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050” với mục tiêu tổng quát “Tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội”. Mục tiêu cụ thể của Chiến lược là Nghiên cứu, ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường thông qua tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng xanh … Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên là một trong những giải pháp hữu hiệu thực hiện Chiến lược.

Các hoạt động liên quan đến Tăng trưởng Xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu BĐKH nói chung và công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng, đô thị xanh nói riêng diễn ra khá sôi nổi trong thời gian vừa qua ở Việt Nam, trong đó Bộ Xây Dựng đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Xây Dựng chưa có một hệ thống CSDL chính thống được xây dựng bài bản và vận hành, cập nhật thường xuyên. Bản thân Viện Kiến trúc Quốc Gia trong quá trình thực hiện các đề tài, dự án và công tác tư vấn cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tài liệu đáng tin cậy.

Vì vậy, Phòng Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học Công nghệ Kiến trúc Xây dựng – Viện Kiến trúc Quốc Gia đã xây dựng một hệ thống CSDL với các tiêu chí sau:

– Xây dựng cấu trúc CSDL một cách bài bản, đầy đủ và dài hạn

– Là 1 hệ thống CSDL trực tuyến, dễ tra cứu, dễ dàng được tiếp cận bởi nhiều cá nhân và tổ chức. Có thể đứng độc lập hoặc dễ dàng khớp nối với website hay các CSDL khác của Bộ Xây Dựng.

– Là 1 hệ thống CSDL mở, có thể được phối hợp cập nhật, quản lý vận hành bởi nhiều bên.

– Có hệ thống phân quyền xét duyệt nội dung và quản lý vận hành.

– Cây dữ liệu có thể mở rộng, tái cấu trúc một cách linh hoạt.

– Xuất bản các bản tin điện tử định kỳ.

Việc xây dựng CSDL nhằm tập hợp, hệ thống hoá, lưu trữ dữ liệu các công trình xanh, hệ thống tiêu chí đánh giá, văn bản pháp quy, các đề tài nghiên cứu, các dự án đầu tư theo hướng Xanh, tiết kiệm năng lượng, và rất nhiều tài liệu liên quan khác sẽ giúp ích rất nhiều cho Bộ Xây Dựng trong công tác quản lý cũng như cho các đơn vị nghiên cứu, tư vấn, nhà đầu tư và các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này.

Mục tiêu:

– Xây dựng cơ sở dữ liệu về công trình xanh và đô thị xanh do Viện Kiến trúc Quốc gia cập nhật, quản lý và chia sẻ với tư cách là một đầu mối thông tin CTX ngành Xây dựng.

– Góp phần thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu 2014 – 2020 của Quốc gia nói chung và ngành xây dựng nói riêng; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020

– Tích hợp toàn diện mọi nguồn cơ sở dữ liệu xanh phục vụ cho lĩnh vực xây dựng và quy hoạch đô thị tại Việt Nam.

– Cung cấp thông tin hữu ích, đa dạng và chính xác cho các nhà chính sách, đầu tư, kỹ sư, kiến trúc sư, người dân quan tâm đến công trình xanh và kết nối các bên liên quan.

– Tạo động lực lan tỏa cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng và phát triển công trình xanh tại Việt Nam

– Xây dựng nền tảng chuyên môn vững chắc về kiến trúc xanh và công trình xanh cho Viện Kiến trúc Quốc  gia; dần dần khẳng định vai trò trụ cột tầm cỡ quốc gia về tư vấn, đánh giá thẩm định về công trình xanh;

– Làm cơ sở để Bộ Xây dựng hoàn thiện Chiến lược và kế hoạch hành động về phát triển công trình xanh, hoàn thiện tiêu chí đánh giá và xây dựng quy trình xét duyệt, cấp chứng chỉ công trình xanh; xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn và các hướng dẫn kỹ thuật về công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm.

Theo định hướng “Xây dựng cơ sở dữ liệu về công trình xanh và đô thị xanh”, Phòng Nghiên cứu Ứng dụng KHCN Kiến trúc, Xây dựng – Viện Kiến trúc Quốc gia đã xây dựng website congtrinhxanhviar.com với cấu trúc CSDL như sau:

image002

Kinh nghiệm của Nhật Bản về hệ thống đánh giá công trình xanh

Hệ thống tiêu chí đánh giá công trình xanh trên thế giới là mảng dữ liệu chúng tôi đặc biệt quan tâm nghiên cứu, đó là những công cụ chủ yếu để đánh giá, phân loại và so sánh các thiết kế kiến trúc, công trình xây dựng. Chúng cung cấp những cơ sở và cơ chế để xác định các yêu cầu cụ thể đối với quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành công trình xanh. Chúng không những chỉ đạo thực tiễn kiểm nghiệm tính ‘xanh,’ bền vững của công trình mà đồng thời cũng đưa ra thị trường những hạn chế và quy định, thúc đẩy nghiên cứu nhiều hơn các yếu tố môi trường, xã hội, kinh tế trong quá trình thiết kế, vận hành, quản lý và bảo vệ, hướng kiến trúc phát triển trên quỹ đạo tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, coi trọng hiệu quả kinh tế. Từ đó các nhà hoạch định chính sách sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc quản lý chất lượng cũng như định hướng tiến tới mục đích cuối cùng là bền vững xã hội.

Hệ thống đánh giá công trình xanh của Nhật là một case study được đánh giá là chặt chẽ bậc nhất trên thế giới, với tất cả các tiêu chí đều được định lượng hoá, không có các tiêu chí định tính (rất phổ biến trong các hệ thống đánh giá khác). Chúng tôi xin giới thiệu sau đây, để có thể nghiên cứu một Mô hình phát triển sáng tạo của CASBEE với nhiều điểm rất đáng học tập.

CASBEE – HỆ THỐNG ĐÁNH GIÁ CÔNG TRÌNH XANH CỦA NHẬT

image004

Tổng quan:

CASBEE (Comprehensive Assessment System for Building Environmental Efficiency) được phát triển tại Nhật Bản từ năm 2001. CASBEE được áp dụng tại Nhật Bản cho cả hai khối xây dựng tư nhân và nhà nước, với khá nhiều phiên bản dành khác nhau, bao gồm:

CASBEE cho Công trình xây dựng mới (New Construction); *

CASBEE cho Công trình xây dựng mới – bản rút gọn (New Construction  – Brief version);

CASBEE cho Công trình hiện hành (Existing Building);

CASBEE cho Công trình hiện hành – bản rút gọn (Existing Building – Brief version)

CASBEE cho Công trình cải tạo (Renovation);

CASBEE cho Công trình cải tạo – bản rút gọn (Renovation- Brief version);

CASBEE cho đảo nhiệt đô thị (Heat Island);

CASBEE cho Phát triển đô thị (Urban Development); *

CASBEE cho khu đô thị và công trình (Urban Area + Buildings); *

CASBEE cho các thành phố (Cities); *

CASBEE cho nhà ở (Detached House); *

CASBEE cho Phát triển thị trường (Market Promotion – bản thử nghiệm);*

CASBEE cho Đánh giá bất động sản (Property Appraisal). *

CASBEE chỉ được sử dụng hạn chế trong phạm vi Nhật Bản (chỉ có các phiên bản đánh dấu ‘*’ là đã được dịch ra tiếng Anh) và tầm ảnh hưởng cũng rất nhỏ so với các hệ thống đánh giá như BREEAM hay LEED (cho tới tháng 12 năm 2011 mới chỉ có 193 công trình được đánh giá bởi CASBEE). Thế nhưng CASBEE thường được đánh giá rất cao bởi các nhà phát triển hệ thống đánh giá bởi chất lượng của các tiêu chí cũng như những sáng tạo được đưa vào trong phương pháp đánh giá.

Tiêu chí đánh giá

Hệ thống tiêu chí của CASBEE bao gồm khoảng 90 tiêu chí (thay đổi tuỳ thuộc vào từng phiên bản) tập trung vào 4 mảng chính: (1) Tiết kiệm năng lượng; (2) Tiết kiệm tài nguyên; (3) Môi trường địa phương; và (4) Vi khí hậu công trình. Các tiêu chí này được chia làm hai nhóm chính, mỗi nhóm có ba mục (xem Hình 1 và Bảng 1):

image006

Hình 1: Sơ đồ hệ thống tiêu chí của CASBEE

Bảng 1: Tóm tắt hệ thống tiêu chí đánh giá của CASBEE

image008

Nguồn: (JSBC, 2010a)

Phương pháp đánh giá:

Quá trình đánh giá của CASBEE bỏ qua các yếu tố về thảm mỹ công trình và tính kinh tế ví dụ như giá cả và lợi nhuận, cũng như các yếu tố xã hội. CASBEE được phát triển dựa trên ba ý tưởng chủ đạo. Thứ nhất, nó dựa trên sự đánh giá công trình tương ứng với vòng đời của nó. Thứ hai, các tiêu chí đánh giá của CASBEE được chia thành hai nhóm chính: tác đông môi trường (environmental load – LR) và chất lượng công trình (quality of building performance – Q). Thứ ba, CASBEE dựa trên một hệ số duy nhất để xếp loại công trình – hệ số BEE (Building Environmental Efficiency) – dựa trên ý tưởng cân bằng sinh thái (Reed et al., 2009). Hệ số BEE là một trong những sáng tạo quan trọng của CASBEE, nhằm đánh giá sự cân bằng giữa chất lượng sống và môi trường bên trong phạm vi công trình và tác động tiêu cực của việc xây dựng công trình tới môi trường bên ngoài (xem Hình 2). Việc sắp xếp hệ thống tiêu chí của CASBEE thành 2 nhóm cũng để phục vụ cho việc tính toán hệ số BEE này. 

image010

Hình 2: Ý tưởng đằng sau hệ số BEE của CASBEE

Mỗi tiêu chí đánh giá của CASBEE có năm bậc: bậc 1 là những quy định tối thiểu còn bậc 5 là những tiêu chuẩn cao nhất. Một cuốn Hướng dẫn Kỹ thuật được sử dụng để chỉ dẫn cụ thể tiêu chí của mỗi bậc, cách tính điểm và các tài liệu cần thiết cho việc tính toán. Tổng điểm của mỗi mục trong một nhóm (ví dụ Q1, Q2, Q3 của nhóm Q) được tính toán, sau đó được nhân với quyền số của mỗi mục (tổng quyền số của cả nhóm là 1.0). Số điểm (sau khi nhân quyền số) của hai nhóm là Q và LR. Kết quả đánh giá của CASBEE dựa trên hệ số cân bằng sinh thái (BEE). BEE được tính toán bằng Q/LR. Kết quả tính toán được đưa lên một bảng biểu gồm hai trục: trục X (thể hiện giá trị L = 100% – LR) và trục Y (thể hiện giá trị Q). Khi giá trị Q càng cao và giá trị L càng thấp thì công trình càng bền vững (xem Hình 3). Công trình bền vững nhất sẽ có tác động môi trường thấp nhất và chất lượng công trình cao nhất.

image012

Hình 3: Biểu đồ tính toán hệ số BEE (ví dụ)

 

CASBEE phân loại kết quả đánh giá thành 5 cấp (JSBC, 2010a) (xem Bảng 2).

Bảng 2: Phân loại kết quả đánh giá của CASBEE

image014

image016

Hình 4 thể hiện một phiếu đánh giá (ví dụ) của CASBEE

Liên hệ:

Mô hình phát triển cùng những sáng tạo của CASBEE có nhiểu điểm rất đáng học tập. Thứ nhất đó là việc sử dụng thông minh hệ thống tiêu chí đánh giá. Cùng một hệ thống tiêu chí, nhưng do cách phân nhóm thông minh, có chủ đích, CASBEE có thể đưa ra nhiều cách trình bày kết quả rất trực quan (như hệ số BEE và các dạng biểu đồ thể hiện chất lượng của công trình trong từng nhóm chỉ tiêu). Kết quả đánh giá của CASBEE rất có ích trong việc trợ giúp người dùng định hướng những sự thay đổi cần thiết để nâng cao tính bền vững công trình, chứ không đơn thuần chỉ đưa ra những kết quả xếp loại như các hệ thống khác.

Thứ hai, CASBEE chú trọng xây dựng một hệ thống hạ tầng phục vụ cho người dùng cũng như làm nền tảng cho sự phát triển kế tiếp của chính nó. Ví dụ như hệ thống thư viện trực tuyến bao gồm các công trình đã qua đánh giá với đầy đủ các thống kê chi tiết, cung cấp cho người dùng một nguồn tham khảo rất bổ ích.

Thứ ba, hệ thống tiêu chí của CASBEE được đánh giá là chặt chẽ bậc nhất trên thế giới, với tất cả các tiêu chí đều được định lượng hoá, không có các tiêu chí định tính (rất phổ biến trong các hệ thống đánh giá khác). Quá trình đánh giá của CASBEE rất phức tạp và đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên môn chuyên sâu cũng như các đo đạc cụ thể được hướng dẫn rõ ràng, nhất là các yêu cầu về động đất, chất lượng vi khí hậu công trình và tiết kiệm năng lượng. CASBEE xây dựng rất nhiều các chỉ số của riêng mình nhằm định lượng hoá các yếu tố bền vững. CASBEE cũng rất quan tâm đến các vấn đề như độ bền vững cấu kiện và tính thích ứng của các thiết kế trong trường hợp thay đổi chức năng sử dụng công trình.

Nguồn: <http://www.ibec.or.jp/CASBEE/english/>

Lê Ngọc Quyên & Đào Thu Thủy (Viện KTQG)

 

 

 

 

 

 

 

 

bình luận