Hạn chế xe máy tại các đô thị lớn: Giải pháp quy hoạch & quản lý nào cho bài toán giao thông đô thị?(15/06/2017)

Chiều 14/6, tại 389 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội, Viện Kiến trúc Quốc gia đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Hạn chế xe máy tại các đô thị lớn: “Giải pháp quy hoạch & quản lý nào cho bài toán giao thông đô thị?”. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên gia và các cơ quan thông tấn báo chí.

Viện trưởng Đỗ Thanh Tùng phát biểu tại hội thảo

Viện trưởng Đỗ Thanh Tùng phát biểu tại hội thảo

Tham dự hội thảo có sự hiện diện của ban lãnh đạo Viện Kiến trúc Quốc gia, Viện trưởng Đỗ Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Đặng Tiên Phong cùng các chuyên gia, các nhà quản lý, cán bộ nghiên cứu đến từ The World Bank, Viện Hạ tầng đô thị, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Ủy ban An toàn giao thông – Bộ Giao thông vận tải, trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, trường ĐH Việt Nhật… cùng toàn thể lãnh đạo đơn vị trực thuộc Viện Kiến trúc Quốc gia.

Nhiều năm nay, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, luôn là vấn đề nóng và làm đau đầu các nhà quản lý. Mặc dù hai thành phố đã có nhiều biện pháp như phân luồng, phân làn, mở rộng lòng đường và huy động cảnh sát giao thông điều tiết giao thông,… nhưng tình trạng không được cải thiện nhiều. Gần đây, một giải pháp được đề xuất là hạn chế phương tiện cá nhân song đã nhận được nhiều ý kiến phản biện khác nhau của các chuyên gia.

KTS Nguyễn Tuấn Minh – Viện Kiến trúc Quốc gia báo cáo tham luận

KTS Nguyễn Tuấn Minh – Viện Kiến trúc Quốc gia báo cáo tham luận

Báo cáo tham luận tại hội thảo, KTS Nguyễn Tuấn Minh – Viện Kiến trúc Quốc gia đã chỉ ra thực trạng gia tăng các phương tiện giao thông cá nhân tại các đô thị Việt Nam và các vấn đề đặt ra cho công tác quy hoạch & quản lý. KTS Nguyễn Tuấn Minh chỉ ra 3 nguyên nhân lớn, đó là: Những bất cập trong quy hoạch đô thị, xây dựng: dân số tăng, nhiều tòa nhà cao tầng, công sở tập trung ở khu vực trung tâm, nhiều đèn đỏ do nhiều đoạn giao cắt, quá ít chỗ đậu xe… hạ tầng giao thông không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại, sự thiếu liên thông kết nối các loại hình phương tiện cá nhân – công cộng…; Lĩnh vực quản lý giao thông chưa có sự đột phá, trong đó vấn đề giảm phương tiện xe máy chưa đạt được kết quả mong đợi; Các tồn tại về mặt xã hội liên quan đến sử dụng phương tiện cá nhân: thói quen sử dụng hàng ngày, công ăn việc làm gắn với sử dụng xe gắn máy, ứng xử văn hóa giao thông, chấp hành luật lệ giao thông của người dân… Do vậy, để giải quyết tận gốc rễ vấn đề trên cần tính đến giải pháp tổng thể: quy hoạch – quản lý giao thông – thay đổi thói quen của người dân…

Chuyên gia hạ tầng đô thị  – Jen Jungeun Oh

Chuyên gia hạ tầng đô thị – Jen Jungeun Oh

Đến từ The World Bank, chuyên gia hạ tầng đô thị  – Jen Jungeun Oh cũng đã có bài tham luận chia sẻ các kinh nghiệm phát triển giao thông tại các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Philipin… Trong đó, bà đã đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề khai thác dữ liệu thông qua các thiết bị thông minh nhằm phát triển hệ thống giao thông công cộng.

TS Phan Lê Bình – chuyên gia JiCa

TS Phan Lê Bình – chuyên gia JiCa

Chia sẻ về vấn đề quản lý giao thông đô thị, TS Phan Lê Bình – chuyên gia JiCa cũng đã đề xuất ba nhóm giải pháp chính để giảm ùn tắc, bao gồm: Xây dựng, tăng cường hạ tầng giao thông; Hạn chế nhu cầu giao thông (thu phí theo khu vực, theo giờ, ưu tiên xe có trên 2 người, thuế/phí với việc sở hữu phương tiện…); Quản lý giao thông (đèn tín hiệu, phân làn, cải tảo nút giao thông, quản lý đỗ xe, vỉa hè cho người đi bộ…)

Pgs.Ts.Kts Phạm Thúy Loan – Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia đã có bài tham luận giới thiệu nghiên cứu ứng dụng mô hình quy hoạch TOD, một mô hình tiên tiến của thế giới phát triển khu đô thị mới trên cơ sở quy hoạch tổ chức, sử dụng có hiệu quả hệ thống giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, mang lại nhiều lợi ích phát triển bền vững cho cộng đồng.

3

Hội thảo cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tích cực từ các chuyên gia, KTS đầu ngành trong lĩnh vực kiến trúc – quy hoạch các kết quả báo cáo khoa học của hội thảo sẽ là cơ sở để Viện Kiến trúc Quốc gia báo cáo lên Bộ Xây dựng trong thời gian tới. Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia Đỗ Thanh Tùng gia khẳng định giải quyết vấn đề giao thông đô thị trên địa bàn Hà Nội đã trở thành vấn đề cấp bách, không thể chậm trễ, cần có các giải pháp chiến lược để kiểm soát nhu cầu giao thông cũng như đưa ra những chính sách tổng thể đồng nhất về quản lý giao thông công cộng và hạn chế phương tiện cá nhân.

PV

 

bình luận