Tiếp tục lấy ý kiến dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)(10/09/2014)

Ngày 10/9, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Thảo luận tại phiên họp, đa số đại biểu quốc hội tán thành với nhiều nội dung được Ban soạn thảo tiếp thu và chỉnh lý trong dự thảo Luật.

Trong đó, có 5 vấn đề còn có ý kiến khác nhau được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đưa ra tại Hội nghị đó là: Thời điểm chuyển quyền sở hữu; chính sách nhà ở công vụ; chính sách nhà ở xã hội (NƠXH); quản lý sử dụng nhà chung cư; quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Về thời điểm chuyển quyền sở hữu, UBTVQH nhận thấy, quy định về việc phân định thời điểm chuyển quyền sở hữu như nêu trong dự thảo Luật nhằm bảo đảm cho các chủ sở hữu thực hiện được đầy đủ các quyền của mình đối với nhà ở; đồng thời hạn chế được các rủi ro cho chủ sở hữu khi tham gia từng loại giao dịch về nhà ở.

Mặt khác, bản chất của quyền sở hữu được hình thành trong các giao dịch nhà ở là kể từ khi các bên hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng như bên mua đã thanh toán tiền và bên bán đã bàn giao nhà ở, không phụ thuộc vào việc đăng ký quyền sở hữu; thời điểm chuyển quyền sở hữu là thời điểm xác lập quyền sở hữu theo pháp luật dân sự… Vì vậy, UBTVQH đề nghị giữ quy định như trong dự thảo Luật.

Về chính sách nhà ở công vụ, UBTVQH cho rằng, việc quy định tạo lập quỹ nhà ở công vụ để cho các đối tượng được điều động, luân chuyển công tác, các đối tượng là giáo viên, bác sỹ… làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thuê là một trong những chính sách cán bộ của Đảng và Nhà nước đang được triển khai trên thực tế theo quy định của Luật Nhà ở hiện hành.

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện chính sách về nhà ở công vụ như Luật Nhà ở hiện hành thì phải quy định rõ quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức khi thuê nhà ở công vụ, đồng thời bổ sung chặt chẽ về đối tượng, việc quản lý, sử dụng nhà công vụ trong dự thảo Luật…

Mục tiêu phát triển NƠXH là nhằm hỗ trợ cho các đối tượng có khó khăn mua, thuê, thuê mua nhà ở thì nhiều nước trên thế giới đã xác định đây là trách nhiệm chính của Nhà nước. Để bảo đảm thực hiện mục đích này, tiếp thu ý kiến đại biểu quốc hội, UBTVQH đề nghị: Ngoài các quy định cụ thể về ưu đãi chủ đầu tư xây dựng NƠXH thì cần bổ sung các quy định về cơ chế ưu đãi, khuyến khích các chủ đầu tư xây dựng NƠXH để cho thuê, cụ thể là được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp hơn, giảm thuế nhiều hơn so với xây dựng NƠXH để bán, cho thuê mua…, nhằm đáp ứng yêu cầu về nhà ở đối với hộ gia đình, cá nhân thực sự có khó khăn về nhà ở nhưng không đủ khả năng về tài chính để cải thiện nhà ở…

Về quản lý sử dụng nhà chung cư, UBTVQH đề nghị không nên quy định cụ thể thời hạn sử dụng nhà chung cư mà chỉ quy định các nguyên tắc cơ bản để xác định thời hạn sử dụng nhà chung cư và giao Chính phủ tiếp tục quy định cụ thể về nội dung này để bảo đảm tính khả thi.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần bổ sung quy định nếu chủ đầu tư quyết định giữ chỗ để xe ô tô thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư thì không được hạch toán vào giá bán căn hộ chung cư và phải công khai, minh bạch nội dung này trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư…

Về quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài, để bảo đảm quản lý chặt chẽ hơn, dự thảo Luật đã bổ sung rõ về điều kiện mua nhà ở, đó là đối với cá nhân nước ngoài thì phải đang học tập, làm việc, sinh sống tại Việt Nam và giao Chính phủ quy định về số lượng căn hộ chung cư cụ thể trong trường hợp một khu vực dân cư có nhiều tòa nhà chung cư để bảo đảm tính linh hoạt cũng như về vấn đề an ninh quốc phòng; đồng thời, quy định chặt chẽ phương thức thanh toán để phòng, chống việc đầu cơ, rửa tiền. Việc thanh toán tiền mua nhà ở phải được thực hiện thông qua các ngân hàng, tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam…

Liên quan đến các nội dung trên, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần làm rõ mối quan hệ với các luật liên quan như Luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS xem có trùng nhau và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ hay không…

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần thiết kế có sự thống nhất giữa quy định chính sách NƠXH với hình thức thực hiện chính sách NƠXH; quy định thời hạn nhà ở chung cư gắn với việc thiết kế và xây dựng.

Ngoài ra, Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng cần làm rõ về thực trạng quản lý và sử dụng nhà công vụ thời gian qua, hướng sửa đổi như thế nào để phù hợp với thực tế (ai quản lý nhà công vụ, nên quản lý tập trung, thu hẹp đối tượng ở nhà công vụ…); quy định rõ hơn về mô hình hoạt động của quỹ phát triển NƠXH…

Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới.

 

Theo Báo Xây dựng

 

bình luận