Thiết kế điển hình trường tiểu học kết hợp điểm tránh trú bão lụt(12/01/2024)

Với mục tiêu khảo sát hiện trạng, thu thập thông tin, tạo điều kiện cho các cán bộ trực tiếp tham gia dự án Thiết kế điển hình trường tiểu học kết hợp điểm tránh trú bão lụt, tiếp cận nắm bắt trên thực tế các vấn đề về quy hoạch-xây dựng, hiện trạng-công năng công trình. Qua đó trang bị kiến thức thực tế cho các cán bộ thiết kế, lấy cơ sở lập mẫu thiết kế điển hình phục vụ việc quy hoạch xây dựng trường tiểu học kết hợp điểm tránh trú bão lụt tại vùng bị thiên tai ở khu vực miền Trung.

Các mẫu thiết kế điển hình dưới đây do Viện Kiến trúc Quốc gia (VIAR) nghiên cứu làm cơ sở cho việc hướng dẫn thiết kế mới và cải tạo các công trình công cộng hiện có tại địa phương.

VIAR chủ trì thực hiện đề tài: “Thiết kế điển hình công trình công cộng vùng nông thôn đảm bảo yêu cầu về thích ứng biến đổi khí hẩu và phòng chống thiên tai” với “Hạng mục trường tiểu học kết hợp điểm tránh trú bão lụt”; Chủ nhiệm: Ths.KTS Nguyễn Quốc Hoàng; Nhóm nghiên cứu: Phòng Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học công nghệ Kiến trúc (Phòng NCUD KHCNKT); Năm thực hiện: 2021-2022.

TÓM TẮT:

1. Mục tiêu:

Khảo sát hiện trạng, thu thập thông tin, tạo điều kiện cho các cán bộ trực tiếp tham gia dự án Thiết kế điển hình trường tiểu học kết hợp điểm tránh trú bão lụt, tiếp cận nắm bắt trên thực tế các vấn đề về quy hoạch-xây dựng, hiện trạng-công năng công trình. Qua đó trang bị kiến thức thực tế cho các cán bộ thiết kế, lấy cơ sở lập mẫu thiết kế điển hình phục vụ việc quy hoạch xây dựng trường tiểu học kết hợp điểm tránh trú bão lụt tại vùng bị thiên tai ở khu vực miền Trung.

Chỉnh trang và hoàn thiện hệ thống các công trình công cộng ở nông thôn, nhằm cải thiện từng bước và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân giảm dần khoảng cách giữa nông thôn với đô thị.

Lồng ghép hệ thống các công trình công cộng ở nông thôn với phòng chống, khắc phục thảm họa khi có các sự cố về thiên tai, Biến đổi khí hậu.

Đảm bảo điều kiện sống ổn định, hài hòa với thiên nhiên và môi trường. Bên cạnh đó các mẫu áp dụng linh hoạt dễ dàng vào thực tế cuộc sống, phù hợp với văn hóa vùng miền.

Các mẫu thiết kế điển hình làm cơ sở cho việc hướng dẫn thiết kế mới và cải tạo các công trình công cộng hiện có tại địa phương.

2. Các yêu cầu vận dụng:

Các phương án thiết kế điển hình được thiết kế cho các khu đất giả định. Người sử dụng thiết kế điển hình vận dụng trên cơ sở khu đất cụ thể và quy hoạch của khu vực, lựa chọn mẫu thiết kế phù hợp với điều kiện kinh tế và nhu cầu sử dụng.

Thiết kế điển hình được vận dụng trong thực tế thông qua thiết kế cơ sở và bản vẽ thiết kế thi công.

3. Nội dung nghiên cứu: Bao gồm thuyết minh chung, phần nghiên cứu cơ bản và các mẫu TKĐH.

a. Phần nghiên cứu cơ bản:

– Phần NCCB giới thiệu đặc điểm tự nhiên – xã hội hai vùng miền Trung và Tây Nam Bộ, đặc điểm kiến trúc các trường tiểu học của một số tỉnh hay gặp thiên tai mà nhóm nghiên cứu đi khảo sát thực tế thu thập được về: quy hoạch mạng lưới trường, quy mô trường lớp học, hiện trạng xây dựng, kết cấu, vật liệu… Các kết luận này kết hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành làm tiền đề cho việc đề xuất các quy mô, xây dựng nhiệm vụ trường tiểu học vùng thiên tai phù hợp với điều kiện xã hội, điều kiện tự nhiên, địa hình, khí hậu khắc nghiệt – điều làm nên sự khác biệt với các thể loại trường ở các vùng khác.

– Từ sơ đồ dây chuyền công năng, phần nghiên cứu đưa ra các nguyên tắc bố trí căn bản của từng khối chức năng. Thiết kế không gian cụ thể cho các phòng chức năng trên căn cứ nhu cầu đặc thù và số liệu nhân trắc học. Thiết kế điển hình được lập theo phương pháp điển hình hóa mặt bằng phòng học. Tổ hợp các phòng học với các hạng mục khác của từng môn theo dây chuyền sử dụng chặt chẽ, hài hòa tạo thành công trình trường học. Lưu ý tới các giải pháp tổ hợp mặt bằng và không gian để tính đến khả năng phát triển và mở rộng trong tương lai. Nghiên cứu thiết kế trên cơ sở điều hợp modul theo TCVN 5568-1991 “Điều hợp kích thước theo modul trong xây dựng. Nguyên tắc cơ bản”

b. Phần thiết kế mẫu:

– Tổng số đưa ra 04 mẫu minh họa, trong đó 02 mẫu cho vùng Duyên hải miền Trung, và 02 mẫu cho vùng Tây Nam Bộ.

KẾT QUẢ:

Đề xuất mẫu thiết kế điển hình: 04  thiết kế mẫu

a. Mẫu 01: TH-MT.01-22: Áp dụng cho khu vực Duyên hải miền Trung

– Diện tích khu đất: 5.950m²

– Diện tích xây dựng: 2.250m2

– Mật độ xây dựng: 38%

– Số tầng cao: 3 tầng

– Quy mô: 10 lớp (350 học sinh)

* Giải pháp Quy hoạch tổng mặt bằng:

– Phương án sử dụng giải pháp tổ hợp bố cục mặt bằng tập trung cao, các khối chức năng được liên kết với nhau bằng hành lang, sảnh, hiên, giúp giao thông giữa các bộ phận đi lại thuận lợi gắn bó chặt chẽ và thường xuyên.

– Giải pháp quy hoạch của phương án có ưu điểm: mặt bằng gọn, giao thông ngắn, rõ ràng mạch lạc, không chồng chéo, khối công trình được đặt trung tâm khu đất, giao thông được bố trí bao quanh, đảm bảo dễ dàng, thuận tiện cho học sinh tiếp cận, đồng thời cũng đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tốt nhất…

– Khu vực để xe được bố trí ngay phía dưới không gian trống tầng, chia làm các khu vực đỗ xe riêng biệt cho giáo viên, và học sinh, tiết kiệm được diện tích xây dựng, cũng như tận dụng được không gian trống tầng.

– Ngoài ra tổng mặt bằng bố trí sân vườn xen kẽ giữa các khối chức năng, tạo cảnh quan, không gian thư giãn, nghỉ ngơi. Đồng thời giúp cải thiện vi khí hậu, chiếu sáng thông gió hiệu quả. Xung quanh tường rào trồng cây xanh cách ly để hạn chế tối đa tiếng ồn cho công trình.

– Giải pháp bố cục tổng mặt bằng của phương án phù hợp cho trường tiểu học có quỹ đất vừa phải, tiết kiệm được diện tích xây dựng, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hóa, dân số ngày càng tăng nhanh.

* Giải pháp Kiến trúc:

– Phương án lựa chọn kiểu dáng, kiến trúc đơn giản, hiện đại, các khối liên kết với nhau bằng hành lang, hiên, không gian chung. Với tỷ lệ hình khối hợp lý, tăng hiệu quả thẩm mỹ, sử dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong quá trình xây dựng, và vận hành sử dụng.

– Hình thức mái đơn giản, hiện đại, hạn chế đua mái ra rộng, phòng tránh tốc mái khi có bão. Các khối nhà được thiết kế 3 tầng, để trống tầng 1, là tổ hợp các khối chức năng tạo thành một khối thống nhất dạng chữ L, đồng thời kết hợp các không gian đóng mở đa dạng, thoáng đãng.

– Hình thức kiến trúc hiện đại kết hợp những mảng đặc rỗng hài hòa, làm tăng yếu tố thẩm mỹ. Sử dụng những mảng màu xen kẽ chạy dọc theo từng khối, làm điểm nhấn cho công trình, giúp tăng tính nhận biết, đồng thời là đặc điểm nhận diện mang đặc trưng cho các các trường tiểu học.

-Với quan điểm thiết kế phù hợp với xu hướng kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, công trình thiết kế các không gian xanh trên mái, giúp cách nhiệt, chống nóng, cải thiện vi khí hậu, tạo môi trường học tiện nghi, hòa mình vào thiên nhiên, phù hợp với xu hướng thiết kế hiện đại.

* Giải pháp phòng chống thiên tai:

– Kết cấu móng vững chắc nhằm hạn chế xói lở khi xảy ra lũ lụt

– Tầng 1 để trống, với cốt sàn cao +2.700, phù hợp với mực nước lũ có thể lên cao nhất tại khu vực.

– Với đặc điểm khu vực có bão lụt bất thường, mặt bằng có bố trí KG linh hoạt, KG học tập, đa năng có thể biến đổi thành KG ở, sinh hoạt dài ngày cho 600-700 người trú ẩn với đầy đủ tiện nghi tối thiểu như bếp, kho, vệ sinh, phòng y tế; đồng thời có thiết kế lối đi riêng tiếp cận trực tiếp với khu vực này đảm bảo cứu trợ kịp thời khi có thiên tai kéo dài.

– Phương án bố trí cầu thang, lối thoát hiểm bảo đảm thoát người, đáp ứng quy chuẩn PCCC, đồng thời di chuyển tài sản khi cần thiết. Ngoài ra phương án có bố trí thang lên mái; trên mái bố trí nhiều bồn nước lớn, có thể thu nước mưa từ mái, nhằm lưu trữ nước sạch khi xảy ra bão lụt.

b. Mẫu 02: TH-MT.02-22: Áp dụng cho khu vực Duyên hải miền Trung

– Diện tích khu đất: 2.190m²

– Diện tích xây dựng: 620m2

– Mật độ xây dựng: 28,3%

– Số tầng cao: 02 tầng

– Quy mô: 05 lớp (175 học sinh)

* Giải pháp Quy hoạch tổng mặt bằng:

– Phương án sử dụng giải pháp tổ hợp bố cục mặt bằng tập trung trải dài, các khối lớp học được đặt cạnh nhau liên kết bằng hành lang, sảnh, hiên, giúp giao thông giữa các bộ phận đi lại thuận lợi gắn bó chặt chẽ và thường xuyên.

– Giải pháp quy hoạch của phương án có ưu điểm: mặt bằng nhỏ gọn, rõ ràng mạch lạc, không chồng chéo, khối công trình được đặt trung tâm khu đất, giao thông được bố trí bao quanh , đảm bảo dễ dàng, thuận tiện cho học sinh tiếp cận, đồng thời cũng đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tốt nhất…

– Khu vực để xe được bố trí ngay phía trước khối học, chia làm các khu vực đỗ xe riêng biệt cho giáo viên, và học sinh, tiết kiệm được diện tích xây dựng, cũng như tận dụng được không gian trống tầng.

– Ngoài ra tổng mặt bằng bố trí sân vườn xen kẽ giúp tạo cảnh quan. Đồng thời giúp cải thiện vi khí hậu, chiếu sáng thông gió hiệu quả. Xung quanh tường rào trồng cây xanh cách ly để hạn chế tối đa tiếng ồn cho công trình. Giải pháp bố cục tổng mặt bằng của phương án phù hợp cho trường tiểu học có quỹ đất nhỏ và hẹp , tiết kiệm được diện tích xây dựng, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hóa, dân số ngày càng tăng nhanh.

* Giải pháp Kiến trúc:

– Giải pháp kiến trúc nhấn mạnh: Hình khối đơn giản, chỉ gồm 1 dãy nhà 1,5 tầng, bao gồm các khối lớp học và sân cứu trợ cứu nạn.Các khối lớp có thể linh hoạt tổ hợp theo nhiều dạng mặt bằng khác nhau, tùy theo hình dạng khu đất thực tế.

– Khối nhà được thiết kế 2 tầng, khối đế cao để giảm thiểu mực nước ngập sâu khi có lũ, sàn bê tông cốt thép kết hợp mái lợp tôn xây tường thu hồi để tăng khả năng chống bức xạ và nắng nóng của của thời tiết khắc nghiệt mùa hè của khu vực, sân vườn trên mái cũng có thể biến thành nơi cứu trợ, tiếp tế khi có lũ lụt và mưa bão lớn. Phương án khối chức năng trải dài trên một mặt bằng đồng thời kết hợp các không gian đóng mở đa dạng, thoáng đãng.

– Hình thức kiến trúc hiện đại kết hợp những mảng đặc rỗng hài hòa, kết hợp các nan trang trí tạo nên yếu tố thẩm mỹ. Sử dụng những mảng màu tươi sáng xen kẽ chạy dọc theo công trình, làm điểm nhấn cho công trình, giúp tăng tính nhận biết, đồng thời là đặc điểm nhận diện mang đặc trưng cho các các trường tiểu học.Công trình thiết kế phù hợp với xu hướng kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, công trình thiết kế các không gian xanh trên mái, giúp cách nhiệt, chống nóng, cải thiện vi khí hậu, tạo môi trường học tiện nghi, hòa mình vào thiên nhiên, phù hợp với xu hướng thiết kế hiện đại.

* Giải pháp phòng chống thiên tai:

– Tôn nền cốt cao tầng 1: Tránh lũ dâng cao bất thường.

– Không gian tầng 2 ngoài chức năng học tập, có thể linh hoạt sắp xếp thành không gian ở cho 200-250 người dân trong khu vực tránh trú bão lũ.

– Không thoát người, sân cứu trợ ,cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp.

– Giải pháp chống bão: Tiêu chí 3 cứng ( Móng – Thân – Mái); Seno bê tông chắn mái, hạn chế các kết cấu đua dài dễ bị phá hoại của gió bão.

c. Mẫu 03: TH-TNB.03-22: Áp dụng cho khu vực Tây Nam Bộ

– Diện tích khu đất: 5.715m²

– Diện tích xây dựng: 1.870m2

– Mật độ xây dựng: 32,7%

– Số tầng cao: 04 tầng

– Quy mô: 10 lớp (350 học sinh)

* Giải pháp Quy hoạch tổng mặt bằng:

– Phương án sử dụng giải pháp tổ hợp bố cục mặt bằng hình chữ C, các khối chức năng được liên kết với nhau bằng hành lang, giúp giao thông giữa các bộ phận đi lại thuận lợi.

– Giải pháp quy hoạch của phương án có ưu điểm: mặt bằng đơn giản, giao thông rõ ràng mạch lạc. Khối nhà chính được đặt tại trung tâm khu đất, giao thông được bố trí bao quanh , đảm bảo dễ dàng, thuận tiện cho học sinh tiếp cận, đồng thời cũng đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tốt nhất. Khối nhà đa năng và sân thể thao được bố trí phía sau nhà chính.

– Không gian trống tầng được tận dụng làm nơi để xe cho học sinh vào giáo viên. Tùy trường hợp cụ thể, không gian này có thể được sử dụng vào những mục đích khác như: sân chơi, không gian triển lãm… Sân tập trung được bố trí giữa hai khối lớp học, thuận tiện cho các hoạt động của học sinh.

– Giải pháp bố cục tổng mặt bằng của phương án phù hợp cho trường tiểu học có quỹ đất vừa phải, tiết kiệm được diện tích xây dựng, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hóa, dân số ngày càng tăng nhanh.

* Giải pháp Kiến trúc:

– Phương án lựa chọn kiểu dáng, kiến trúc đơn giản, hiện đại. Với tỷ lệ hình khối hợp lí, tăng hiệu quả thẩm mỹ, sử dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong quá trình xây dựng, và vận hành sử dụng.

– Các khối nhà được thiết kế 4 tầng, để trống tầng 1, tổ hợp các khối theo dạng chữ U, với sân tập trung ở giữa, đồng thời kết hợp các không gian đóng mở đa dạng, thoáng đãng.

– Hình thức kiến trúc hiện đại kết hợp gạch thông gió, làm tăng yếu tố thẩm mỹ. Sử dụng những màu sắc tươi sáng, giúp tăng tính nhận biết, đồng thời là đặc điểm nhận diện mang đặc trưng cho các trường tiểu học.

– Với quan điểm thiết kế phù hợp với xu hướng kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, công trình thiết kế các khu cây xanh cảnh quan xen kẽ, tạo môi trường học tiện nghi, hòa mình vào thiên nhiên, phù hợp với xu hướng thiết kế hiện đại.

* Giải pháp phòng chống thiên tai:

– Kết cấu móng vững chắc nhằm hạn chế sói lở khi xảy ra lũ lụt.

– Tầng 1 để trống, với cốt sàn cao +3.300, phù hợp với mực nước lũ có thể lên cao nhất tại khu vực.

– Với đặc điểm bão lụt của khu vực, công trình có bố trí không gian tránh trú bão lụt trên tầng 4, bao gồm cả không gian bếp và phòng ăn, đảm bảo phục vụ tối đa cho 500-600 người trú ẩn khi có thiên tai. Ngoài ra, khi sảy ra lụt dài ngày, các phòng học sẽ được bố trí linh hoạt thành không gian trú ẩn, sinh hoạt cho người dân trong khu vực.

– Phương án bố trí cầu thang, lối thoát hiểm bảo đảm thoát người, đáp ứng quy chuẩn phòng cháy chữa cháy, đồng thời di chuyển tài sản khi cần thiết. Ngoài ra phương án có bố trí trên mái nhiều bồn nước lớn, có thể thu nước mưa từ mái, nhằm lưu trữ nước sạch khi xảy ra bão lụt dài ngày.

d. Mẫu 04: TH-TNB.04-22: Áp dụng cho khu vực Tây Nam Bộ

– Diện tích khu đất: 2.300m²

– Diện tích xây dựng: 530m2

– Mật độ xây dựng: 23%

– Số tầng cao: 03 tầng

– Quy mô: 05 lớp (175 học sinh)

* Giải pháp Quy hoạch tổng mặt bằng:

– Phương án sử dụng giải pháp tổ hợp bố cục mặt bằng tập trung, các khối chức năng được liên kết với nhau bằng hành lang, giúp giao thông giữa các bộ phận đi lại thuận lợi.

– Giải pháp quy hoạch của phương án có ưu điểm: mặt bằng đơn giản, giao thông rõ ràng mạch lạc. Khối nhà chính được đặt tại trung tâm khu đất, giao thông được bố trí bao quanh, đảm bảo dễ dàng, thuận tiện cho học sinh tiếp cận, đồng thời cũng đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tốt nhất. Khối nhà đa năng và sân thể thao được bố trí phía sau nhà chính.

– Tùy trường hợp cụ thể, không gian sinh hoạt chung kết hợp tránh trú bão lũ có thể được sử dụng vào những mục đích khác như: sân chơi, không gian triển lãm.

– Giải pháp bố cục tổng mặt bằng của phương án phù hợp cho trường tiểu học có quỹ đất nhỏ, tiết kiệm được diện tích xây dựng, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hóa, dân số ngày càng tăng nhanh.

* Giải pháp Kiến trúc:

– Phương án lựa chọn kiểu dáng, kiến trúc đơn giản, hiện đại. Với tỷ lệ hình khối hợp lý, tăng hiệu quả thẩm mỹ, sử dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong quá trình xây dựng, và vận hành sử dụng.

– Các khối nhà được thiết kế 3 tầng, toàn bộ công trình được đặt trên cao độ nền +1.050m, với sân tập trung ở giữa, đồng thời kết hợp các không gian đóng mở đa dạng, thoáng đãng.

– Hình thức kiến trúc hiện đại kết hợp gạch thông gió, làm tăng yếu tố thẩm mỹ. Sử dụng những màu sắc tươi sáng, giúp tăng tính nhận biết, đồng thời là đặc điểm nhận diện mang đặc trưng cho các trường tiểu học.

– Với quan điểm thiết kế phù hợp với xu hướng kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, công trình thiết kế các khu cây xanh cảnh quan xen kẽ, tạo môi trường học tiện nghi, hòa mình vào thiên nhiên, phù hợp với xu hướng thiết kế hiện đại.

* Giải pháp phòng chống thiên tai:

– Kết cấu móng vững chắc nhằm hạn chế sói lở khi xảy ra lũ lụt

– Toàn bộ công trình được đặt trên cao độ nền +1.050m, phù hợp với mực nước lũ có thể lên cao nhất tại khu vực.

– Với đặc điểm bão lụt của khu vực, công trình ngoài không gian học có thể biến đổi linh hoạt thành không gian ở, phương án còn bố trí không gian tránh trú bão lụt trên tầng 3, đảm bảo phục vụ tối đa cho 200-250

người trú ẩn, với đầy đủ tiện nghi tối thiểu như bếp, kho, vệ sinh, phòng y tế, đảm bảo nhu cầu khi có thiên tai.

– Phương án bố trí cầu thang, lối thoát hiểm bảo đảm thoát người, đáp ứng quy chuẩn phòng cháy chữa cháy, đồng thời di chuyển tài sản khi cần thiết. Ngoài ra phương án có bố trí trên mái nhiều bồn nước lớn, có thể thu nước mưa từ mái, nhằm lưu trữ nước sạch khi xảy ra bão lụt dài ngày.

ThS.KTS Nguyễn Quốc Hoàng

bình luận