Thông tin luận án Tiến sĩ của NCS. Nguyễn Văn Phong(20/10/2023)

Thông tin tóm tắt về những kết luận mới của luận án Tiến sĩ như sau:

  1. Tên luận án: BIẾN ĐỔI KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC LÀNG DÂN TỘC CƠ TU TỈNH QUẢNG NAM

Chuyên ngành: Kiến trúc   Mã số: 9.58.01.01

Nghiên cứu sinh: NGUYỄN VĂN PHONG

Người hướng dẫn khoa học:

* TS. Trương Văn Quảng

* PGS. TS. Lương Tú Quyên

  1. Cơ sở đào tạo: Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng)

 

TÓM TẮT KẾT LUẬN MỚI CỦA LUẬN ÁN

  1. Nhận diện các đặc điểm biến đổi không gian kiến trúc làng

          – Xác lập cơ sở dữ liệu về không gian kiến trúc làng dân tộc Cơ Tu với hệ thống sơ đồ, dữ liệu phục vụ cho nghiên cứu không gian kiến trúc dựa trên các lý thuyết về hình thái học, lý thuyết về định cư và lý thuyết bảo tồn thích ứng trên cơ sở dữ liệu khảo sát 04 làng nghiên cứu sâu trong 40 làng nghiên cứu phần lõi làng.

          – Đề xuất khái niệm lõi làng truyền thống tạo cơ sở phân định không gian phục vụ đề xuất mô hình quy hoạch tiếp nối; nhận diện đặc điểm và giá trị lõi làng truyền thống gồm: ranh giới lõi làng (egde), không gian cộng đồng (community space), điểm nhấn (landmark).

          – Xác định các đặc điểm biến đổi ở 4 cấp độ không gian: biến đổi mạng lưới dân cư về vị trí định cư, KGKT gắn với kinh tế, quy mô làng; biến đổi không gian cư trú; biến đổi KGCĐ và lõi làng về ranh giới, chức năng và công trình điểm nhấn; biến đổi các công trình kiến trúc theo hướng bản địa, khôi phục, theo hướng thay thế.

  1. Dự báo biến đổi giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050

          – Xác định 6 yếu tố ảnh hưởng chính đến biến đổi không gian kiến trúc làng gồm: tài nguyên thiên nhiên; tài nguyên nhân văn; tổ chức sinh kế; tổ chức sống, quản trị; tổ chức cộng sinh; công nghệ, vật liệu.

          – Xác định 03 xu hướng biến đổi không gian kiến trúc làng gồm xu hướng bảo tồn, xu hướng tái thiết, phục dựng, xu hướng từ bỏ đặc trưng với các biểu hiện chính về mặt không gian ở giá trị cốt lõi là lõi làng truyền thống.

          – Dự báo có 3 kịch bản chính đối với các làng có lõi làng gồm biến đổi theo xu hướng bảo tồn, phát triển tiếp nối không gian; biến đổi theo xu hướng tái thiết, phục dựng các làng theo mô hình truyền thống và biến đổi để hình thành làng phi nông nghiệp tại các khu trung tâm, đô thị.

  1. Đề xuất mô hình phát triển theo hướng tiếp nối

          Luận án đề xuất mô hình quy hoạch tiếp nối dựa trên lõi làng truyền thống làng dân tộc Cơ Tu bao gồm 2 thành phần chính: Lõi làng truyền thống cố định được bảo tồn, phục dựng, tái thiết là nơi bảo tồn các giá trị truyền thống, đóng vai trò là không gian thực hành, nuôi dưỡng và trao truyền các giá trị văn hóa tộc người; Không gian phát triển tiếp nối linh hoạt bên ngoài bổ sung các điều kiện, tiêu chí để đảm bảo hình thành điểm định cư bền vững.

Đường Link tham khảo tại đây: https://vienkientrucquocgia.gov.vn/

bình luận