CHỨC NĂNG
Viện Kiến trúc quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng, thực hiện chức năng: Nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ để phục vụ công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực kiến trúc, bảo tồn, bảo tàng và phát triển nền kiến trúc quốc gia; tổ chức nghiên cứu, phổ biến thông tin về tiêu chuẩn hoá, điển hình hóa, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hợp tác quốc tế; thông tin, lý luận và phê bình kiến trúc; kinh doanh và thực hiện các dịch vụ trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và môi trường
Viện Kiến trúc Quốc gia có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và ngân hàng, hoạt động theo cơ chế sự nghiệp có thu và từng bước chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật.
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
1. Lập kế hoạch 05 năm, hàng năm và tổ chức thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ công tác của Viện, thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch xây dựng và xây dựng tại đô thị và nông thôn.
2. Tổ chức nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực kiến trúc, bao gồm: lý luận và phê bình kiến trúc; lịch sử phát triển kiến trúc Việt Nam và thế giới; tu bổ, tôn tạo, bảo tồn kiến trúc truyền thống, kiến trúc cổ và các di sản văn hóa , di tích kiến trúc và các công trình kiến trúc có giá trị.
3. Thực hiện các nhiệm vụ phục vụ công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và môi trường xây dựng được Bộ trưởng Bộ Xây dựng giao hoặc cơ quan nhà nước đặt hàng, bao gồm:
3.1. Nghiên cứu định hướng, chiến lược, chính sách bảo tồn, quản lý phát triển kiến trúc Việt Nam trong lĩnh vực nhà ở và các loại công trình kiến trúc khác tại đô thị và nông thôn phù hợp với điều kiện đặc thù theo các vùng miền.
Thực hiện xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quản lý nhà nước trong lĩnh vực kiến trúc đô thị và nông thôn, quy hoạch xây dựng, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật và môi trường; nghiên cứu các nội dung liên quan đến phát triển nhà ở, công trình dân dụng, công nghiệp, hạ tầng. Nghiên cứu các giải pháp quản lý, bảo tồn phát huy giá trị các công trình di sản, công trình kiến trúc có giá trị;
3.2. Nghiên cứu phương pháp luận, hệ thống hóa tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quản lý trong lĩnh vực kiến trúc – quy hoạch trong nước và thế giới; tổ chức nghiên cứu biên soạn quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và thiết kế mẫu, thiết kế điển hình lĩnh vực xây dựng;
3.3 Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu kiến trúc Việt Nam, xây dựng và vận hành bảo tàng kiến trúc Việt Nam; điều tra, khảo sát, thu thập, tổng hợp, quản lý dữ liệu, lưu trữ và cung cấp thông tin, tư liệu trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch xây dựng;
3.4 Nghiên cứu định hướng, chiến lược, chính sách, kế hoạch cải tạo, tái thiết phát triển đô thị và nông thôn;
3.5 Triển khai thực hiện định hướng chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam; xây dựng kế hoạch quảng bá kiến trúc Việt Nam phát triển hội nhập thế giới. Nghiên cứu các nội dung liên quan tới giải pháp và lộ trình chuyển đổi số trong lĩnh vực kiến trúc. Xây dựng kế hoạc phát triển kiến trúc Việt Nam theo hướng bền vững, tiết kiệm năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, dịch bệnh;
4. Tổ chức nghiên cứu phát triển, nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch xây dựng, bao gồm: kiến trúc công trình; kiến trúc cảnh quan; trang trí nội, ngoại thất, môi trường trong kiến trúc quy hoạch, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị đảm bảo phát triển bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, kinh tế – xã hội, lịch sử, văn hoá của từng địa phương, từng vùng, miền trên phạm vi cả nước.
5. Xuất bản Tạp chí Kiến trúc Việt Nam theo hai loại hình Tạp chí in và Tạp chí điện tử và các ấn phẩm, sách được phép xuất bản trong lĩnh vực kiến trúc; tổ chức các sự kiện truyền thông, khảo sát, nghiên cứu, tổng kết các vấn đề chuyên môn phục vụ công tác khoa học quản lý ngành.
6. Tổ chức tọa đàm, hội thảo, hội nghị, triển lãm kiến trúc, giải thưởng kiến trúc Quốc gia, thi tuyển kiến trúc quy hoạch.
7. Tổ chức thực hiện công tác tư vấn và dịch vụ kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, quy hoạch xây dựng và hạ tầng kỹ thuật, thiết kế nội thất và cảnh quan, phát triển đô thị và nông thô, tư vấn thiết kế trong lĩnh vực bảo tồn di sản kiến trúc, bao gồm:
7.1. Chủ trì hoặc tham gia lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng; lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành, thiết kế đô thị, kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật; lập quy chế quản lý kiến trúc, khảo sát lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị, lập chương trình đề án và các công việc tư vấn khác liên quan tới phát triển nhà ở, phát triển đô thị và nông thôn;
7.2. Tư vấn đầu tư, tư vấn lập dự án và thiết kế xây dựng công trình, hạ tầng kỹ thuật và môi trường xây dựng, khảo sát địa chất, địa hình, môi trường; tư vấn thẩm tra thiết kế, và tổng dự toán các công trình xây dựng;
7.3. Tư vấn thi tuyển kiến trúc và quy hoạch; tư vấn mời thầu và đấu thầu, tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát thi công công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, giao thông thủy lợi và hạ tầng kỹ thuật.
7.4. Thí điểm, kiểm định, giám định, định giá, giám sát chất lượng công trình xây dựng; tư vấn đánh giá tác động môi trường liên quan đến công trình kiến trúc;
7.5. Khảo sát, tư vấn thiết kế, thẩm tra, giám sát các công trình văn hóa, công trình di tích di sản, tượng đài, tranh, phù điêu trang trí và thi công mô hình sa bàn.
8. Tổ chức xây dựng thực nghiệm; tư vấn, tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới trong thiết kế và thi công các công trình xây dựng.
9. Tổ chức thi công xây mới, sửa chữa, cải tạo, thi công nội, ngoại thất công trình xây dựng, thi công phục chế, sửa chữa, trùng tu, bảo tồn công trình di tích, thi công các công trình văn hóa, mỹ thuật, tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng.
10. Đầu tư và hợp tác đầu tư, với các tổ chức cá nhân trong các lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc thuộc thẩm quyền của Viện. Tổ chức sản xuất đầu tư kinh doanh các sản phẩm, vật liệu, vật tư, thiết bị kỹ thuật phục vụ việc hoàn thiện và trang trí nội, ngoại thất công trình.
11. Tổ chức đào tạo sau Đại học (tiến sỹ, thạc sĩ) các chuyên ngành kiến trúc, quản lý đô thị và hạ tầng kỹ thuật; đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực, tổ chức thi sát hạch kiến trúc và phát triển nghề nghiệp liên tục phục vụ cho việc cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn kiến trúc; bồi dưỡng, tập huấn, phổ biến thông tin về khoa học công nghệ, quy chuẩn, tiêu chuẩn, thiết kế điển hình, lịch sử kiến trúc và bảo tồn di sản, quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn, thiết kế đô thị và cảnh quan trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng.
12. Thực hiện hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế về đào tạo, trao đổi chuyên gia trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các lĩnh vực hoạt động của Viện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
13. Quản lý về tổ chức bộ máy, số lượng người làm việc; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ chính sách khác, công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Viện theo quy định của pháp luật và của Bộ Xây dựng.
14. Quản lý tài chính, tài sản được giao, quản lý các hoạt động có thu của Viện theo quy định của pháp luật và của Bộ Xây dựng.
15. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng Bộ Xây dựng giao.
Trích Quyết định 1448/QĐ-BXD ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng