Hội đồng Khoa học đánh giá luận án tiến sĩ cấp cơ sở tại Viện Kiến trúc Quốc gia(27/09/2022)
Ngày 26/09/2022, tại Viện Kiến trúc Quốc gia, Hội đồng khoa học đánh giá luận án tiến sĩ cấp cơ sở cho NCS. Nguyễn Văn Phong, với đề tài “Biến đổi không gian kiến trúc làng dân tộc Cơ Tu, tỉnh Quảng Nam”. Chuyên ngành: Kiến trúc; Mã số: 9.58.01.01. Giáo viên hướng dẫn NCS do TS.KTS. Trương Văn Quảng, PGS.TS. KTS. Lương Tú Quyên.
Hội đồng khoa học cấp cơ sở gồm có 07 thành viên: GS.TS. Nguyễn Quốc Thông-Chủ tịch hội đồng; TS. Tạ Thị Hoàng Vân-Ủy viên thư ký hội đồng; và các Ủy viên: PGS.TS. Phạm Thúy Loan; PGS.TS. Khuất Tân Hưng, PGS.TS. Phạm Hùng Cường, TS. Trịnh Hồng Việt, TS. Trương Văn Quảng. Tham dự còn có đại diện các đơn vị chuyên môn, các nhà khoa học và các NCS hiện đang học tập tại Viện.
Thay mặt Viện Kiến trúc Quốc gia, TS. Trịnh Hồng Việt-Phó Viện trưởng phát biểu khai mạc và đánh giá: “Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ của NCS. Nguyễn Văn Phong đánh dấu nỗ lực lớn trong công tác đào tạo của Viện nói chung và quyết tâm của cá nhân NCS trong thời gian qua. Năm 2022, đánh giá sự trở lại của các hoạt động khoa học, đào tạo sau dịch bệnh Covid-19 của rất nhiều các cơ sở đào tạo nói chung trong cả nước. Viện Kiến trúc Quốc gia luôn đổi mới, nâng cao chất lượng các chuyên đề đào tạo, kết hợp nghiên cứu khoa học với các hướng nghiên cứu luận án. Không chỉ đào tạo trình độ tiến sĩ cho các cán bộ trong Viện, mà Viện còn là cơ sở đào tạo uy tín cho các kiến trúc sư trong cả nước tham gia hoạt động này. Các hội đồng quy tụ được các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực kiến trúc và liên ngành”.
Tại buổi lễ bảo vệ luận án, các thành viên trong Hội đồng khoa học đánh giá cao chất lượng khoa học và những kết quả nghiên cứu thực tiễn của đề tài. Luận án có đóng góp lớn giá trị về học thuật, có thể làm cơ sở cho các đề xuất bảo tồn, chính sách đặc thù cho phát triển không gian kiến trúc làng Cơ Tu theo hướng bền vững.
Đề tài luận án lựa chọn hướng nghiên cứu không gian kiến trúc làng dân tộc Cơ Tu là sự lựa chọn phù hợp với những yêu cầu bảo tồn các giá trị truyền thống trong định hướng phát triển kiến trúc; phù hợp với việc tạo dựng dấu ấn bản sắc đặc trưng vùng miền trong sự phát triển, xây dựng kiến trúc, quản lý đô thị & nông thôn. Chủ đề nghiên cứu thú vị đã thể hiện sự tìm tòi, phát hiện về giá trị và tích hợp các kiến thức liên ngành (văn hóa kiến trúc, kiến trúc tộc người, hình thái kiến trúc…vv). Luận án góp phần giải quyết những vấn đề nhức nhối trong quản lý quy hoạch – kiến trúc các khu vực cư trú tộc người của địa phương (tỉnh Quảng Nam) hướng tới hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn đang khuyết thiếu ở các khu định cư của dân tộc Cơ Tu nói riêng và các tộc người ở nhiều khu vực khác nói chung, đó là việc bố trí, sắp xếp tái định cư của Tỉnh mà vẫn đảm bảo sinh kế cho người dân.
Các nội dung và kết quả nghiên cứu của luận án đã đạt được những mục tiêu đặt ra, trong đó: Nhận diện đặc điểm biến đổi không gian kiến trúc làng dân tộc Cơ Tu tỉnh Quảng Nam; Dự báo biến đổi trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050; Đề xuất định hướng không gian kiến trúc theo hướng phát triển tiếp nối, đảm bảo nâng cao điều kiện định cư; phát triển hài hòa thân thiện, duy trì giá trị văn hóa đặc trưng.
GS.TS. Nguyễn Quốc Thông-Chủ tịch Hội đồng, đọc quyết nghị đề nghị Nghiên cứu sinh tiếp thu các ý kiến chuyên môn của các Ủy viên Hội đồng trước khi bảo vệ luận án cấp Viện.
Nhân sự kiện này, TS. Tạ Thị Hoàng Vân-Trưởng phòng ĐT&HTQT chia sẻ: “Trong công tác đào tạo, chúng tôi hướng tới phát huy vai trò, chức năng của Viện trong lĩnh vực nghiên cứu kiến trúc có sự kết hợp nghiên cứu liên ngành. Luận án tiến sĩ phải là một công trình nghiên cứu khoa học sáng tạo của NCS; Có đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực nghiên cứu hoặc giải pháp mới có giá trị trong việc phát triển, gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu; giải quyết sáng tạo các vấn đề của ngành khoa học trong thực tiễn kinh tế – xã hội. Chúng tôi khuyến khích các hướng đề tài luận án vừa mang tính lý luận khoa học, vừa đáp ứng được những vấn đề thực tiễn trong công tác ngành, đồng thời phát huy kinh nghiệm hành nghề của các NCS. Lợi thế đào tạo NCS ở các Viện Nghiên cứu nói chung và Viện Kiến trúc Quốc gia nói riêng, đó là các NCS có thể tham gia cùng các nhóm nghiên cứu đề tài, tận dụng được nguồn lực từ đội ngũ hướng dẫn cũng như kế thừa, hoặc cùng tham gia nghiên cứu thông qua hoạt động khoa học tại Viện.
Hiện nay, Phòng Đào tạo và hợp tác quốc tế-Viện Kiến trúc Quốc gia cũng đang chuẩn bị cho kỳ thi xét tuyển NCS năm 2022 sẽ tổ chức vào tháng 11 tới đây.
Một số hình ảnh tại buổi lễ:
Đức Nguyên
bình luận