Viện Kiến trúc Quốc gia đồng chủ trì Hội nghị lấy ý kiến về xây dựng đô thị Thừa Thiên Huế thành đô thị có tính chất đặc thù về di sản hướng tới trở thành phố trực thuộc Trung ương(19/11/2019)
Chiều ngày 16/11/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) đã đồng chủ trì Hội nghị lấy ý kiến về tiêu chí đô thị Di sản. Hội nghị có sự tham dự của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong lĩnh vực di sản văn hóa và phát triển đô thị, lãnh đạo các Sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh. Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia Đỗ Thanh Tùng đã đồng chủ trì buổi hội thảo khoa học này.
Hướng đến xây dựng Bộ tiêu chí về “đô thị di sản – thành phố trực thuộc Trung ương”
Qua quá trình 10 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị (Khóa X) về xây dựng phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020, trong đó nêu rõ phấn đấu đến năm 2020, Thừa Thiên Huế xứng tầm là Trung tâm đô thị cấp quốc gia, thể hiện quyết tâm xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Đến nay, tỉnh này đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Phát huy được vai trò, vị thế của tỉnh với định hướng phát triển đô thị Thừa Thiên Huế theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”.
Tuy nhiên, nếu áp dụng các tiêu chí hiện hành để đánh giá và xét công nhận thành phố trực thuộc Trung ương cho Thừa Thiên Huế như hiện nay có những điểm không phù hợp với yếu tố đặc sắc, riêng biệt của địa phương.
Do đó, vấn đề mang tính cấp thiết hiện nay là phải xây dựng Bộ tiêu chí về “đô thị di sản – thành phố trực thuộc Trung ương” cho đô thị Thừa Thiên Huế, nhằm phục dựng và bảo tồn toàn vẹn các giá trị di sản vật thể, phi vật thể và cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, mang nét đặc trưng của Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa Huế nói riêng và văn hóa đậm đà bản sắc Việt Nam nói chung.
Mong muốn tại hội nghị lần này, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và các chuyên gia tham gia ý kiến, góp ý,đề xuất cho tỉnh các tiêu chí phù hợp cho đô thị Thừa Thiên Huế cũng như lộ trình triển khai và đề xuất các tiêu chí đô thị đặc thù khác tương ứng để Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn tới.
Phát triển đô thị Thừa Thiên Huế thành đô thị di sản xứng tầm đô thị trực thuộc Trung ương
Tại hội thảo, theo sự chủ trì và phần dẫn của Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng về Đô thị Di sản, nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và các chuyên gia đã làm rõ một số nội dung liên quan đến việc lựa chọn phương án phát triển đô thị Thừa Thiên Huế thành đô thị di sản hay đô thị có tính chất đặc thù về di sản; đề xuất sơ bộ tiêu chí đánh giá đô thị có tính chất đặc thù về di sản phù hợp với điều kiện của đô thị Thừa Thiên Huế; đề xuất bổ sung các nội dung vào quy định về phân loại đô thị có tính chất đặc thù về di sản đảm bảo thuận lợi, phù hợp với đô thị Thừa Thiên Huế trong việc đề nghị công nhận đạt tiêu chí đô thị loại I.
Để đảm bảo mục tiêu phát triển đô thị Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học cũng như Viện Kiến trúc Quốc gia đã đề xuất, trong đó tập trung vào các vấn đề: Chọn lựa phương án đề xuất với Trung ương công nhận Thừa Thiên Huế là đô thị có tính chất đặc thù về di sản; nghiên cứu đề xuất bộ tiêu chí đô thị có tính chất đặc thù về di sản; đề xuất Quốc hội bổ sung tiêu chí xác định đô thị có tính chất đặc thù về di sản và bổ sung quy định: “Đối với đô thị có tính chất đặc thù di sản thì tiêu chí quy mô dân số và mật độ dân số có thể thấp hơn nhưng tối thiểu đạt 50% mức quy định; các tiêu chí khác phải đảm bảo mức quy định của loại đô thị tương ứng”; lập quy hoạch chung xây dựng đô thị Thừa Thiên Huế với phạm vi ranh giới toàn tỉnh Thừa Thiên Huế làm cơ sở để đầu tư phát triển đô thị và làm cơ sở để đánh giá phân loại đô thị; lập chương trình phát triển đô thị, khu vực phát triển đô thị để thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng khắc phục các tiêu chí còn thiếu, còn yếu về phân loại đô thị; đề xuất với trung ương các cơ chế chính sách đặc thù để quản lý, bảo tồn di sản và đầu tư phát triển hạ tầng đô thị.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Phan Ngọc Thọ – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã dành lời cám ơn, ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và các chuyên gia, những ý kiến rất xác đáng và tâm huyết, đây là cơ sở để Thừa Thiên Huế sớm hoàn thiện Bộ tiêu chí Đô thị Di sản và trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng và triển khai mô hình Đô thị Di sản. Ông nhấn mạnh: “Mọi phấn đấu cũng nhằm mục đích hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng đô thị, đảm bảo chất lượng cuộc sống người dân được tốt hơn, xây dựng một xứ sở – quê hương hạnh phúc gắn với việc phát huy được giá trị di sản vốn có của Huế”./.
bình luận