Làng xã Hà Nội – Thực trạng, bảo tồn và phát triển(10/11/2024)
CỘI RỄ NGÀN NĂM
Làng Việt cổ truyền là một tế bào xã hội của người Việt. Nó là tập hợp dân cư chủ yếu theo quan hệ láng giềng, cùng sống trên một khu vực gồm một khu đất để làm nhà ở và một khu đất để trồng trọt, một tập hợp những gia đình nhỏ sản xuất và sinh hoạt độc lập. Trải qua lịch sử ngàn năm dựng nước, giữ nước, mỗi khi đất nước lâm nguy, làng Việt luôn là chỗ dựa, là hậu phương vững vàng để dân tộc, đất nước đi qua bão dông, khói lửa… Với những nhà nghiên cứu định cư, làng là nơi lưu giữ cội rễ bền vững nhất của dân tộc Việt. Trong tổ chức định cư bền vững suốt nhiều thế kỷ ấy, những đình, đền, chùa, văn chỉ, nhà thờ họ, giếng làng, điếm, cây đa, bến nước, rặng tre… hay cổng làng nhỏ nhắn chính là cấu trúc vật thể biểu hiện cho cội nguồn văn hóa Việt ở làng xã.
Hình thành từ thời Văn Lang, làng – thực thể định cư nguyên sơ của người Việt được hình thành từ 3 yếu tố gắn liền và không thể tách rời nhau mà giờ đây được gọi là “tam nông”: nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Ngô Văn Lệ cho rằng làng Việt có ba hình thức hình thành: (1) Hình thành từ sự tan rã của công xã nguyên thuỷ, mà dấu vết của nó là sự tồn tại dai dẳng chế độ công điền, công thổ vẫn còn tồn tại cho đến những năm 50 của thế kỷ XX; (2) Do những người cùng một dòng họ khai hoang lập nên, các làng này thường lấy tên họ đặt cho tên làng, cũng có những làng mang tên hai dòng họ; (3) Làng do nhà nước huy động nhân lực từ các địa phương khác đến lập làng.
Theo nhà sử học Nguyễn Quang Ngọc: Làng vốn là một đơn vị tụ cư, đơn vị kinh tế, đơn vị tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Việt xuất hiện từ rất sớm, nhưng xã mới chỉ xuất hiện vào thế kỷ thứ VII dưới thời thuộc Đường được khẳng định lại một cách vững chắc với tư cách là một đơn vị hành chính cấp cơ sở (xã) trong hệ thống chính quyền đầu thế kỷ thứ X, thời nhà Lý. Có thể nói đến thời kỳ này, làng Việt đã phát triển với cấu trúc không gian có tính hướng nội cao, tương ứng với tính khép kín của cộng đồng bên trong; và trở thành đơn vị hành chính hoàn chỉnh có cơ chế quản lý mang tên gọi: giáp, thôn. Như vậy, có sự trùng hợp giữa việc hoàn thiện làng Việt cả trên phương diện không gian, quản lý ở miền Hà Nội ngày nay với dấu mốc định đô thiên tài của Hoàng đế Lý Công Uẩn ở kinh thành Thăng Long.
TRONG THÔN CÓ THỊ, TRONG THỊ CÓ THÔN
Làng xã nông thôn ở miền Hà Nội ngày nay, kéo dài suốt hàng nghìn năm lịch sử, luôn ghi nhận sự tồn tại phổ biến của một mạng lưới chợ trong các vùng nông thôn với mật độ khá cao; Bên cạnh đó còn có khá nhiều các cơ sở làm công thương cùng tồn tại ngay trong làng, dường như đã là một sự hòa tan của đô thị vào nông thôn. Năm 2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính lớn nhất trong lịch sử, một số lượng lớn làng nghề của Hà Tây cũ trở thành làng xã của Thủ đô… một lần nữa cho thấy nhận xét “trong thôn có thị” vẫn còn nguyên giá trị.
Thăng Long – Hà Nội, chỉ tính từ khi là quốc đô cho đến ngày nay, vẫn tồn tại ngay trong lòng đô thị, thậm chí giữa đô thị, những vùng, những hoạt động nông nghiệp không phải là với tư cách “vành đai xanh”. Nếu như vùng Tây Bắc kinh thành Thăng Long xưa sát với Hồ Tây đã phát triển nhiều làng thủ công gắn với đoạn sông Tô Lịch ở phía Bắc, thì ở phía Nam, gần với đoạn sông Tô Lịch ở phía Tây và sông Kim Ngưu ở phía Nam tồn tại khu dân cư làm nông nghiệp. Khu “Thập tam trại” ở phía Tây kinh thành mà sau này là các làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Liễu Giai, Đại Yên, Thủ Lệ… tức là khu kinh tế nông nghiệp ở Thăng Long, minh chứng cho nhận định “trong thị có thôn”.
Nhìn vào bản đồ vệ tinh có thể thấy rất nhiều không gian nông nghiệp nằm trong các quận: Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… thậm chí cả ở quận Tây Hồ – nơi vẫn tồn tại những làng chuyên trồng hoa, cây cảnh nổi tiếng trong lịch sử: Nghi Tàm, Quảng An, Nhật Tân, Phú Thượng…
Thăng Long – Hà Nội trong lịch sử, đô thị chưa bao giờ đối lập hoặc đứt đoạn khỏi nông thôn, mà trái lại luôn có mối quan hệ khăng khít giữa đô thị và nông thôn. Cùng với quá trình đô thị hóa chung, khu cư trú – nông nghiệp có quá trình đô thị hóa riêng, để dần hòa nhập vào khung cảnh chung của cấu trúc không gian toàn đô thị. Tạo nên những “miếng ghép” kiến trúc truyền thống với kiến trúc các thời đại về sau.
ĐẶC TRƯNG CỦA KIẾN TRÚC LÀNG XÃ CỔ TRUYỀN Ở HÀ NỘI
Thủ đô hôm nay phát triển lớn gấp nghìn lần xưa. Từ vùng đất “trong sông” đến thành phố trải dài hai bên bờ sông Hồng, từ Hà Đông đến xứ Đoài, từ vùng núi cha (Ba Vì) đến núi mẹ (Tam Đảo), từ 36 phố phường nay là 579 xã, phường, thị trấn với 1.350 làng, phố. Làng xã ở Thủ đô, đặc biệt trong khu vực nội đô đã và đang bị biến dạng trước sự tác động của sự phát triển kinh tế – xã hội và quá trình đô thị hóa. Những dấu tích kiến trúc làng xã dần trở nên nhỏ nhoi giữa “rừng” kiến trúc mới đang bùng nổ, nhưng trong thẳm sâu của cấu trúc nhỏ bé ấy chứa đựng không ít giá trị văn hóa trên bình diện kiến trúc.
Làng truyền thống ở Thủ đô, trước đây, có tính thống nhất trong cấu trúc, đa dạng trong cách tổ chức, sáng tạo theo điều kiện tự nhiên, địa hình, điều kiện xã hội và tổ chức xây dựng.
Làng truyền thống bao quanh bởi nông nghiệp và tự nhiên, vẫn duy trì tính khép kín. Đường làng là trung tâm với cả công trình truyền thống và hiện đại. Hạ tầng xã hội tập trung ở trung tâm xã và trong làng. Quá trình đô thị hóa tự nhiên tạo nên sự hỗn hợp giữa hình thái quần cư nông thôn với đô thị, ảnh hưởng đến lối sống của người dân.
Có hai mô hình chính của làng truyền thống: mô hình tập trung và mô hình liên kết. Mô hình tập trung có cấu trúc nội hướng và khép kín, với đường chính kết nối lõi làng. Mô hình liên kết phá vỡ tính khép kín và kết nối nhiều xóm độc lập trong vùng đất cao nhỏ. Giá trị cấu trúc làng Hà Nội là rất lớn, thể hiện một ý đồ thiết kế rõ ràng, thích nghi với hoàn cảnh, điều kiện sản xuất, đặc điểm dân cư và xã hội. Làng truyền thống có giá trị về tổ chức không gian và cảnh quan đặc sắc với các công trình kiến trúc cổ truyền, đường làng, ngõ xóm, đồng ruộng, ao hồ, địa hình cảnh quan sông, kênh mương, cây xanh, mặt nước đẹp và phong phú. Ở các công trình kiến trúc ấy còn chứa đựng giá trị tiêu biểu về việc sử dụng các vật liệu truyền thống trong xây dựng. Không gian kiến trúc, cảnh quan truyền thống là cơ sở để các giá trị văn hóa phi vật thể tồn tại. Các hoạt động văn hóa truyền thống tại sân đình, biểu diễn rối nước trên ao làng, lễ hội hàng năm, các không gian cổng làng, đình, chùa, quán… là những không gian giao tiếp làm tăng tính cộng đồng làng xã.
Làng xã truyền thống ở Hà Nội có lịch sử hàng ngàn năm, là nơi chứa đựng nhiều giá trị di sản văn hóa quý giá của Thủ đô và dân tộc. Hệ thống di sản tồn tại khác nhau các làng, có đặc điểm chung nhưng cũng có nhiều đặc điểm riêng.
LÀNG XÃ HÀ NỘI: SỰ PHÁ VỠ CẤU TRÚC TRUYỀN THỐNG VÀ HOÀ NHẬP VÀO KHU PHỐ CŨ
Sự đặt chân của người Pháp đã kéo theo sự biến mất của Kinh thành Cổ kính và những kiến trúc truyền thống gắn với Hà Nội và văn hóa người Việt bởi sự áp đặt về chính trị trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ. “Giấc mơ Tây Phương ở Viễn Đông” của người Pháp ở Hà Nội đã đóng góp trong việc chuyển đổi Thăng Long – Hà Nội sang một mô hình đô thị hoàn toàn mới, khởi đầu cho quá trình đô thị hóa sau này. Người Pháp đã thực hiện quá trình đô thị hóa ở Hà Nội một cách rất triệt để trên mọi khu vực. Dấu tích của làng xóm cũ tại khu phố Cũ rất khó nhận ra. Hầu hết các làng, thôn, xóm của người Việt trong khu vực này đã được “can thiệp sâu và quyết liệt”. Cấu trúc cơ bản của làng xóm ở đây đã bị phá vỡ hoàn toàn, chỉ còn lại các công trình kiến trúc truyền thống Việt: đình, chùa, đền, miếu… lẩn khuất trong các ô phố dạng ô bàn cờ; đan xen với các công trình kiến trúc mang nhiều phong cách khác nhau của thời kỳ thuộc địa. Ngày nay, những thôn – làng gắn liền với những địa danh: Hàm Khánh, Tây Long, Nhân Chiểu, Hàm Châu, Nguyên Khánh, Yên Tập, Tử Mỹ (thuộc huyện Thọ Xương cũ) trên địa bàn khu phố Pháp phía Nam quận Hoàn Kiếm, đã không còn. Tuy vậy, những xóm nhỏ: Hạ Hồi, Hội Vũ, Nam Ngư, Tức Mạc, Liên Trì… với cấu trúc phân thửa các lô đất nhỏ, phù hợp với hình thái nhà cửa của người Việt ở các xóm làng cổ xưa, tồn tại bên cạnh những biệt thự rộng rãi, hay những công trình công cộng lớn. Đây thực sự là những vết tích của những xóm nhỏ còn sót lại của những làng quê Hà Nội cũ xen cài trong cấu trúc các ô phố hiện đại.
Rất nhiều công trình có hình thức kiểu nhà phố, điển hình tại phố Hàng Khay… hoàn toàn không tạo thành các lô đất kỷ hà, vuông vắn… rất nhiều công trình có mặt tiền song song với phố, nhưng 2 cạnh bên hoàn toàn không vuông góc với phương vị phố. Đây chính là hình thái nhà ở còn sót lại của làng xóm Hà Nội xưa. Người Pháp không thể phá bỏ truyền thống văn hóa có lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc tồn tại trong các xóm – làng Việt. Người Hà Nội vẫn quần cư, dù nhỏ nhoi, trong lòng khu phố xây dựng thời Pháp huộc, vẫn duy trì các hoạt động văn hóa – tín ngưỡng tại các công trình thiết chế cơ bản của làng xóm truyền thống Việt ở nơi đây. Điều này, cho thấy thêm một khía cạnh khác của di sản ở khu phố Cũ đó là “những khu vực thôn xóm và kiến trúc của người Hà Nội đan xen một cách kỳ lạ vào mô hình đô thị kiểu phương Tây”. Có thể nói rằng “Người Pháp đã can thiệp sâu, phá bỏ làng xóm Việt ở Hà Nội; lồng ghép một số nhân tố cũ trong cấu trúc đô thị hiện đại”. Hà Nội là những thử nghiệm những phương pháp quy hoạch mới của người Pháp, trên nhiều phương diện, mà quy hoạch làng xóm trong cấu trúc không gian đô thị cũng là giải pháp hoàn toàn mới.
LÀNG TRUYỀN THỐNG NỘI ĐÔ HÀ NỘI TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HOÁ ĐƯƠNG ĐẠI
Ngày 10/10/1954, cũng là thời điểm các thế hệ KTS Việt Nam đã đặt nền móng cho việc phát triển đô thị theo quan điểm hoàn toàn khác giai đoạn thuộc địa. Do vậy, các khu tập thể – mô hình lần đầu tiên xuất hiện ở nước ta đã bước đầu được hình thành & được liên tục kế thừa cho đến tận ngày nay; các khu công nghiệp với quy mô lớn hơn hẳn đã hình thành, hệ thống bệnh viện, trường đại học, công trình công cộng phát triển rất đáng kể… Sau 30 năm chiến tranh, cấm vận; công cuộc “Đổi mới” – hội nhập đã khiến Thủ đô thay da, đổi thịt một cách rất rõ nét. Từ các cụm nhà ở theo mô hình “nhà nước và nhân dân cũng làm” những năm 1990, đến các khu đô thị mới cao tầng, hiện đại, những công trình đồ sộ – đa chức năng lần đầu xuất hiện ở Thủ đô cùng với các công trình hạ tầng đô thị quy mô lớn.
Thành phố chú trọng xây dựng và phát triển trên các khu vực đất trống, vốn là các khu vực canh tác nông nghiệp. Những khu vực làng xóm cũ ven đô, từng bước trở thành cư dân đô thị theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng… Làng xóm và kiến trúc nhà ở truyền thống ở đây diễn ra âm thầm nhưng không nhiều trước thời kỳ “Đổi mới” do nền kinh tế nói chung vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Kiến trúc nhà ở dân gian nói riêng cùng với các di tích kiến trúc truyền thống liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng… phản ánh tư duy nông nghiệp là cơ bản. Sau “Đổi mới”, cùng với sự phát triển theo hướng công nghiệp hóa, thương mại hóa của đất nước, tăng trưởng kinh tế khiến việc tu sửa, xây dựng nhà ở trở nên dễ dàng hơn. Từ đây, kiến trúc cảnh quan làng truyền thống biến đổi hoàn toàn. Những xóm làng với những địa danh: Ngọc Hà, Đại Yên, Vĩnh Phúc, Kim Mã, Bưởi, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Hào Nam, Mai Động, Kim Ngưu, Kim Liên, Trung Tự, Thịnh Hào, Vĩnh Hồ, Khương Thượng… vẫn còn nguyên ở đó trong 4 quận nội thành cũ, nhưng chẳng hề được can thiệp một cách có hệ thống bài bản phù hợp với bối cảnh mới.
Với sự tăng dân cư và những biến đổi về lối sống, nghề nghiệp, cấu trúc không gian của làng nội đô Hà Nội tất yếu có những thay đổi. Hồ, ao, các khoảng đất canh tác xen cài trong làng xóm dần bị xóa bỏ thay thế bằng những công trình khác. Người dân tách nhỏ đất để bán thu lời hay sinh nhai, hoặc chia thừa kế cho con cái. Sự phân chia đất ở diễn ra không chỉ làm tăng thêm các ngõ ngách trong khu vực, làm phức tạp thêm vấn đề giao thông và hạ tầng; mà đặc biệt đã khiến cho tổ chức mặt bằng của nhà ở truyền thống thay đổi, sân vườn dần bị thay thế bởi nhà ở mới. Mật độ xây dựng cứ thế tăng dần, đường làng ngày xưa vẫn là những con đường nhỏ… giờ có cảm giác còn nhỏ hơn khi chúng bị công trình xây dựng hai bên “đè nén” thực sự. Vẫn còn đó những đình, đền, chùa… trong khu vực, nhưng hiếm có công trình nào… có được khoảng không gian để “thở” bởi đã bịt kín mít xung quanh. Giờ đây, chính những công trình ấy lại trở thành những khoảng không gian thoáng đáng còn sót lại trong làng xóm ngày xưa.
Rất khó để tìm thấy những cổng làng quý báu, những cây đa, bến nước đầu làng… những không gian “linh hồn” của làng quê còn xót lại trong các “làng đô thị hóa”. Đáng lo ngại là hình thái ấy vẫn đang âm thầm lan tỏa ra các khu vực đang phát triển đô thị mạnh mẽ. Từ Nhật Tân, Nghĩa Đô, Quan Hoa, Dịch Vọng… qua Yên Hòa, Trung Hòa, Nhân Chính, Cự Lộc, Chính Kinh xuống Khương Trung, Kim Giang, Định Công, Bằng Liệt, Thịnh Liệt… đến tận Vĩnh Hưng, Vĩnh Tuy, Yên Sở mà khó sửa chữa được. Cách thức xây dựng và quản lý đối với không gian làng xóm trong quá trình phát triển cho thấy rõ rằng: Suốt một thời gian dài đã qua kể từ khi giải phóng Thủ đô… và ngay trong hiện tại, chúng ta đang để làng xóm nông thôn phát triển thiếu kiểm soát trong vùng nội đô Hà Nội ngày nay.
Làng xóm nội đô, đã và đang bị biến dạng trước sự tác động của sự phát triển kinh tế – xã hội và quá trình đô thị hóa. Hàng trăm ngôi làng đã trở thành khu dân cư nửa nông thôn nửa đô thị với sự lộn xộn về cảnh quan, sự biến dạng trong kiến trúc nhà ở, sự xuống cấp của cấu trúc hạ tầng… Các dạng nhà ở xây mới làm mất đi khả năng tạo một hình ảnh thống nhất trong phong cách kiến trúc. Các làng xóm này không còn là các làng xã kiểu như một đơn vị cư trú ở nông thôn, mà trở thành một khu vực dân cư đô thị. Trong hầu hết các làng xóm này, so với một khu dân cư đô thị thì còn thiếu nhiều thành phần, chủ yếu là các công trình công cộng như chợ, nhà trẻ mẫu giáo, trường học, sân thể thao với bán kính phục vụ đảm bảo tiêu chuẩn.
Những biến đổi về không gian quần cư và kiến trúc làng xã trong khu vực nội đô Hà Nội cho thấy biểu hiện vật thể của sự chuyển đổi xã hội trong quá trình mở rộng đô thị. Sự biến đổi đó khiến cho cuộc sống, sinh hoạt, phù hợp với sự phát triển trong trong một giai đoạn nhất định. Sự biến đổi này cho thấy, làng xã nông thôn ở khu vực nội đô Hà Nội trước đây, tiến đến với văn minh thành thị theo cách thức dựa trên hệ thống giao thông nguyên sơ, cùng với các công trình công cộng… và gia tăng kiến trúc nhà ở kiểu phố thị trong không gian quần cư khép kín từ thuở ban đầu. Những biến đổi đó tác động mạnh lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật; không gian cảnh quan bị suy giảm. Hệ thống đường giao thông hiện hữu không được mở rộng, có phân nhánh không phù hợp với một mật độ dân cư cao; đường ô tô không tiếp cận được đến nhiều khu nhà ở nên xe cứu hỏa, cứu thương tiếp cận rất khó khăn. Ở nhiều làng xóm thường xảy ra tình trạng tắc nghẽn tại lối ra vào giờ cao điểm. Nhiều vụ hỏa hoạn gây mất mát về người và của trong những năm gần đây, điển hình ở làng Khương Trung, quận Thanh Xuân… có nguyên nhân cả từ hệ thống giao thông nhỏ bé, bên cạnh việc xây dựng không phép, sai phép theo chiều hướng nâng tầng cao công trình trong làng xóm ở khu vực nội đô. Đây là vấn đề cần được nghiên cứu khắc phục.
Sự biến đổi cấu trúc không gian, xã hội trong làng xóm nội đô Hà Nội đã xảy ra trên diện rộng. Các làng xóm tại các quận ven đô như: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai… cũng đang tiếp tục có sự biến đổi rõ nét và nhanh chóng nhất. Điều này làm tăng nguy cơ mất đi giá trị truyền thống và hình thành môi trường cư trú mới thiếu tính bền vững. Việc chỉ giữ lại đình, chùa không đủ để truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống đến tương lai trong làng xóm. Đây là bài học đắt giá. Nếu các làng xóm này vẫn tiếp tục mang trong mình một cấu trúc hạ tầng nhỏ bé, yếu ớt trong quá trình đô thị hóa, chịu tải cho sự phát triển của các nhu cầu mới, tất yếu sẽ có tắc đường, ngõ nhỏ chen chúc, thiếu nước sạch, đường làng thành phố chợ. Nhiều làng xóm ở nội đô Hà Nội sẽ là nơi trú ngụ, mưu sinh của những người nghèo, của công nhân, sinh viên, dẫn đến sự xuất hiện của rất nhiều nhà trọ và các vấn đề xã hội phức tạp.
THÁCH THỨC CỦA CÔNG TÁC BẢO TỒN KIẾN TRÚC LÀNG XÓM TRUYỀN THỐNG NỘI ĐÔ
Các di sản kiến trúc công trình như đình, chùa, miếu nhìn chung đã được nhận diện đúng giá trị, các chức năng ít thay đổi. Các di sản khác như cổng, ao, giếng, điếm, quán, cầu, cây xanh, mặt nước chưa có sự nhận diện, đánh giá giá trị đầy đủ. Có nhiều giá trị mới hình thành hoặc kế thừa. Tuy nhiên, giá trị di sản về cấu trúc tổng thể, sinh thái, sinh thái nhân văn của làng đặc biệt bị suy giảm, chưa có sự nhận diện đúng, tính bền vững của làng truyền thống giảm sút.
Có 3 khía cạnh cần phải được giải quyết, đó là: (i) Kinh phí bảo tồn cần được huy động từ người dân và xã hội, không nên quan niệm Nhà nước đã bảo tồn thì Nhà nước phải đầu tư xây dựng; (ii) Công tác quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn phải được lồng ghép với công tác quy hoạch bảo tồn. Việc công nhận di tích cần làm rõ ý nghĩa pháp lý của việc bảo vệ di tích, nhưng trách nhiệm thực hiện là của cả Nhà nước và cộng đồng; (iii) Về vấn đề cách thức bảo tồn không đúng với quan điểm của bảo tồn khoa học, người dân phải được tham gia, có trách nhiệm tham gia cùng với các cơ quan chuyên môn để thực hiện từ khâu lập hồ sơ đến quá trình thi công tu bổ di tích. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức cho người dân và cán bộ văn hóa xã về công tác bảo tồn. Ngoài ra, nên đẩy nhanh việc thực hiện công tác bảo tồn ở một số làng cổ tiêu biểu để nhân rộng. Vấn đề khai thác du lịch sau khi có các hoạt động bảo tồn cũng cần được tính đến.
Trong suốt thời quá khứ và cho đến gần đây, người Việt lấy “hòa” làm trọng. Tư tưởng “hòa” mênh mông ngang tầm trời đất, với ý nghĩa “hòa” là quân tử, “đồng” là tiểu nhân. Ý thức hòa nhập để tồn tại tác động vào truyền thống kiến trúc Việt. Kiến trúc truyền thống của người Việt hòa vào không gian thiên nhiên, cây cỏ. Ý thức uyển chuyển, mềm mại, và hòa nhập trong lịch sử được bắt nguồn từ một trong những bản sắc cơ bản lệ thuộc vào quy trình sản xuất và mọi sinh hoạt theo nhận thức về thời gian. Khi sản xuất thay đổi, cuộc sống – sinh hoạt thay đổi, ý thức uyển chuyển – hòa nhập của người nông thôn, lại chuyển hóa theo xu hướng hòa nhập với đô thị, điều này lý giải cho nguồn cơn kiến trúc trong các làng xóm nội đô là sự sao chép kiến trúc của thành thị theo thời gian. Sự “học tập” này tác động đến nhận thức về tính bản sắc của địa điểm đối với cộng đồng. Nếu như kiến trúc thành thị là biểu tượng cho sự phát triển trong cộng đồng làng xóm trong quá trình đô thị hóa thì xu hướng bảo tồn hoặc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống đã, đang sẽ không có chỗ đứng trong tương lai. Chỉ còn là hoài niệm thông qua các kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng và những công trình thờ tự cá biệt của người dân.
Làng xóm ở Thủ đô tiêu biểu cho làng Việt truyền thống. Những quần cư nông thôn này đã và đang biến đổi sâu sắc. Bảo tồn các di sản văn hóa của làng truyền thống diễn ra trong bối cảnh xã hội có sự chuyển biến nhanh, dòng chuyển cư mạnh mẽ làm phá vỡ cấu trúc tổ chức dân cư vốn có, đòi hỏi các cấp, ban, ngành phải có giải pháp tổng thể. Việc xây dựng một mô thức ứng xử để bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị làng xóm truyền thống trong quá trình đô thị hóa ở Hà Nội cần sự nỗ lực rất lớn từ nhiều phía.
NHÌN NHẬN VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
Những vấn đề phức tạp nảy sinh trong quá trình đô thị hóa xuất phát từ chính sự biến đổi không đồng nhất của các nhân tố, có những nhân tố mang tính chủ quan, có nhân tố mang tính khách quan. Trong đó, không thể không bàn tới sự thiếu sót trong nhận thức, coi làng xóm nội đô là khu dân cư có mật độ thấp trong khi thực tế đây là khu có mật độ dân cư tăng rất nhanh; coi làng xã là một khu vực dân cư thông thường mà không kể tới cấu trúc truyền thống của nó; sự cần thiết phải giữ một sắc thái riêng cho các làng xã đô thị hóa. Bên cạnh đó là sự thiếu tương đồng về tốc độ giữa các mặt như thu hồi đất nông nghiệp với việc chuyển đổi nghề nghiệp; gia tăng mật độ dân cư với việc cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật bên trong làng xã đô thị hóa…
Trong bối cảnh Hà Nội đương đại, để quản lý phát triển làng đô thị, trước tiên cần phân loại làng nội đô để có cách thức ứng xử phù hợp với bối cảnh. Có thể tạm phân làm 2 loại cơ bản: (1) Làng nội đô đã đô thị hóa đậm đặc cả trong nội tại và xung quanh (chủ yếu nằm trong vành đai 3), (2) Làng nội đô đang trong tiến trình đô thị hóa (chủ yếu nằm ở khu vực dự kiến phát triển đô thị ngoài vành đai 3).
Với cả hai loại làng nội đô nêu trên, việc lập đồ án quy hoạch chi tiết đều cần được triển khai để phục vụ công tác quản lý phát triển. Tuy nhiên, cách tiếp cập có sự khác nhau trong những điểm chung.
Về mục tiêu, làng nội đô đã đô thị hóa đậm đặc, mục tiêu của quy hoạch hướng đến việc giảm mật độ, tăng cường hạ tầng kỹ thuật nội tại đồng thời chú trọng kết nối với hạ tầng chung của thành phố. Với làng nội đô đang đô thị hóa, mục tiêu của quy hoạch hướng đến bảo tồn và phát triển hạ tầng xanh chuẩn bị cho sự liên kết nhuần nhuyễn với hệ thống không gian đô thị mới kề cận. Đồng thời với việc giải quyết việc chuyển đổi nghề nghiệp cho dân cư làng xóm. Như gợi ý từ nghiên cứu của PGS.TS Phạm Hùng Cường.
Về nguyên tắc, để tạo sự phát triển bền vững cho làng xóm trong quá trình đô thị hóa, khắc phục các nhược điểm như đã thấy trong giai đoạn vừa qua, có thể thực hiện một số giải pháp, như: Tạo khoảng không gian mở xung quanh làng là vùng đệm để phát triển các công trình dịch vụ công cộng, đây cũng là phần đất để tạo điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp; Xây dựng hệ thống đường bao kết nối với các đường cụt ngõ xóm và hạ tầng đô thị; Có đất phát triển các dịch vụ công cộng thương mại theo xu thế của khu vực dân cư đô thị; Bảo vệ các không gian công cộng truyền thống như không gian đình, chùa, ao làng, giếng làng.
Đồ án quy hoạch, theo từng bối cảnh cụ thể có thể cân nhắc loại hình đồ án quy hoạch chi tiết, hoặc đầy đủ hoặc rút gọn. Theo các mục tiêu khái quát nêu trên, với làng nội đô đã đô thị hóa đậm đặc, có lẽ chỉ lập quy hoạch hạ tầng kỹ thuật với trọng tâm là quy hoạch giao thông, khác với việc cần lập quy hoạch một cách tổng thể làng nội đô đang đô thị hóa.
Với loại hình (đồ án) quy hoạch nào, thì tự chung, có lẽ vẫn cần thay đổi quan điểm/cách/công việc quy hoạch. Cần kết hợp giữa quy hoạch vật chất với quy hoạch chiến lược; đây là tư duy về cách làm, chứ không nên quan niệm quy hoạch chiến lược chỉ thực hiện với cấp độ quy hoạch lớn/vĩ mô. (1) Cần nhấn mạnh đến quá trình hoặc trình tự thời gian để đạt được mục tiêu; (2) Bắt đầu từ “bức tranh” tổng thể và sơ đồ không gian chung/tổng hợp của cả chu kỳ; (3) Việc “chi tiết hóa”/thể hiện cụ thể chỉ nên điền vào khi chúng cần được điền vào, từng chút một theo trong chương trình, kế hoạch, lộ trình.
Đối với lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, việc áp dụng máy móc quy chuẩn – quy định kỹ thuật có tính chất bắt buộc vào làng xóm đã đô thị hóa đậm đặc sẽ làm giảm tính khả thi của quy hoạch. Có lẽ việc sử dụng tiêu chuẩn – quy định kỹ thuật có tính mềm dẻo, kết hợp với các giải pháp mang tính chất công trình nhằm hạn chế tối đa phạm vi giải phóng mặt bằng và ảnh hưởng đến thực trạng xây dựng dày đặc trong các làng nội đô đã đô thị hóa đậm đặc; khác với làng xóm đang đô thị hóa, quy chuẩn có tính bắt buộc có thể sẽ được áp dụng nhiều hơn trong quy hoạch. Cho dù, cũng cần tính đến việc kết hợp cả tiêu chuẩn.
Bảo tồn, công tác quy hoạch xây dựng điểm dân cư làng xóm đang đô thị hóa phải được lồng ghép với công tác quy hoạch bảo tồn. Bởi ở đây “còn cơ hội” để bảo tồn những giá trị truyền thống có mối quan hệ mật thiết tạo nên cấu trúc tổng thể có giá trị (bảo tồn tổng thể); khác với làng xóm đã đô thị hóa đậm đặc, chỉ có thể bảo vệ các di sản vật thể có tính đơn lẻ như: đình, đền, chùa, văn chỉ, cổng, giếng hay ao làng… (bảo tồn cục bộ).
Trong bảo tồn, việc công nhận di tích cần làm rõ ý nghĩa pháp lý của việc bảo vệ di tích, nhưng trách nhiệm thực hiện là của cả Nhà nước và cộng đồng; Về vấn đề cách thức bảo tồn không đúng với quan điểm của bảo tồn khoa học, người dân phải được tham gia, có trách nhiệm tham gia cùng với các cơ quan chuyên môn để thực hiện từ khâu lập hồ sơ đến quá trình thi công tu bổ di tích. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức cho người dân và cán bộ văn hóa về công tác bảo tồn. Nên đẩy nhanh việc thực hiện công tác bảo tồn ở một số làng cổ tiêu biểu để nhân rộng. Vấn đề khai thác du lịch sau khi có các hoạt động bảo tồn cũng cần được tính đến.
Về không gian cảnh quan, làng truyền thống gắn liền với không gian xanh, mặt nước. Yếu tố cảnh quan trong hai đối tượng làng xóm đương đại có sự khác biệt lớn. Làng xóm nội đô đã đô thị hóa đậm đặc, việc tái tạo không gian cảnh quan cần được xem xét dựa trên rà soát quỹ đất công, quỹ đất tư có khả năng thu hồi (tái thiết cảnh quan). Với làng xóm đang trong quá trình đô thị hóa, việc khoanh vùng bảo vệ quỹ đất công phục vụ phát triển cảnh quan cần đồng thời với việc quản lý quỹ đất vườn gắn liền các đất ở (bảo vệ cảnh quan).
Nguồn lực, với làng nội đô đang trong quá trình đô thị hóa, có thể tranh thủ nguồn lực cho công việc quy hoạch kết hợp giữa nhà nước và xã hội; trong đó chú trọng công tác xã hội hóa, khác với làng nội đô đã đô thị hóa đậm đặc chủ yếu sẽ cần nguồn lực từ nhà nước.
Quản lý xây dựng nhà ở, có thể thấy hiện nay, việc quản lý cấp phép xây dựng chủ yếu dựa vào quy chuẩn, tiêu chuẩn; quy hoạch chi tiết chỉ đưa ra số lượng tầng cao công trình có tính bao quát cho một khu vực. Đây là vấn đề tồn tại cùng với việc buông lỏng khâu giám sát xây dựng, gây nên nhiều hậu quả khó khắc phục. Cần có cách tiếp cận mới, thống nhất. Trong đó, trọng tâm là sự phối hợp giữa quy định/quy hoạch xây dựng với quy định/quy hoạch sử dụng đất, giữa quản lý cấp phép xây dựng với quản lý địa chính. Có lẽ cần sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) hợp nhất để quản lý cấp phép, giám sát xây dựng, hậu kiểm…tích hợp với quản lý đất đai. Có thể cần có những biện pháp hành chính mạnh hơn hiện tại trong giám sát xây dựng nhà ở riêng rẻ, hướng đến cả nhà thầu xây dựng, cung cấp vật tư…chứ không dừng lại ở việc quản lý chủ sử dụng đất, sở hữu nhà; Thậm chí có thể nghiên cứu giải pháp tư pháp liên quan đến việc ghi nhận tài sản trên đất…kể cả thu hồi “sổ đỏ” nếu vi phạm lớn về trật tự xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Làng xóm ở Thủ đô tiêu biểu cho làng Việt truyền thống. Những quần cư nông thôn này đã và đang biến đổi sâu sắc. Bảo tồn các di sản văn hóa của làng truyền thống diễn ra trong bối cảnh xã hội có sự chuyển biến nhanh, dòng chuyển cư mạnh mẽ làm phá vỡ cấu trúc tổ chức dân cư vốn có, đòi hỏi các cấp, ban, ngành phải có giải pháp tổng thể. Chúng ta cần phải chung tay xây dựng một mô thức ứng xử chung để bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị làng xóm trong khu vực nội đô, vừa khoa học vừa thích ứng với hiện đại, lại vừa giữ gìn được bản sắc cũ, để Thủ đô Hà Nội sẽ là thành phố “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Từ (1984). Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền Bắc Bộ. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Toan ánh (1992). Làng xóm Việt Nam (nếp cũ). Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Đàm Trung Phường. Đô thị Việt Nam. Tập 1. Bộ XD. Chương trình KC11, NXBXD, Hà Nội 1995.
4. Đỗ Thị Thanh Hoa. Di cư tự do vào Hà Nội trong quá trình đô thị hóa và những ảnh hưởng của nó tới một số khía cạnh môI trường xã hội đô thị Hà Nội. Luận án TS . Đại học quốc gia Hà Nội – Trường ĐH sư phạm 1999.
5. Diệp Đình Hoa (2000). Người Việt ở Đồng bằng Bắc Bộ. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
6. Phạm Hùng Cường (2009). Quy hoạch bảo tồn các làng cổ ở Đường Lâm. Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số 1 năm 2009
7. Phạm Hùng Cường. Di sản làng Viêt, những thách thức trong công tác bảo tồn. Tạp chí Kiến trúc. Tháng 12 năm 2008
8. Phạm Hùng Cường. Làng Việt và những giá trị di sản Kiến trúc cảnh quan. Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, tháng 5 năm 2009.
9. Phạm Hùng Cường. “Chuyển đổi cấu trúc làng xã vùng ven đô thị lớn đồng bằng sông Hồng thành đơn vị ở trong quá trình đô thị hóa” Luận án TS. Trường đại học xây dựng. Năm 2001.
10. Điều tra quá trình đô thị hóa từ làng xã thành phường của Hà Nội, các tồn tại và biện pháp khắc phục (1999- 2000). Sở khoa học CN và Môi trường Hà Nội.
11. Bảo tồn và phát huy các giá trị làng truyền thống huyện Đan Phượng gắn với du lịch bền vững trong bối cảnh đô thị hóa; Tạp chí Quy hoạch đô thị, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, số 52-2024, tr. 60-65
TS.KTS Vũ Hoài Đức
bình luận