Kiến trúc Pháp tại Hà Nội – Bảo tồn và phát triển(10/11/2024)

MỞ ĐẦU 

Năm 1882, sau khi đánh chiếm Thành Hà Nội lần thứ hai, chính quyền thực dân Pháp bắt đầu chuẩn bị cho một kế hoạch chiếm đóng thành phố lâu dài, thậm chí từng bước hiện thực hoá tham vọng biến Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp 20 năm sau đó.

Với những tham vọng to lớn như vậy, người Pháp bắt tay vào quy hoạch và xây dựng một hình hài mới cho Hà Nội kể từ năm 1888 với điểm khởi đầu là cụm công trình công cộng phía Đông hồ Hoàn Kiếm, từ đó làm tiền đề hình thành một không gian đô thị kiểu châu Âu ngay trong lòng một đô thành kiểu phương Đông đã tồn tại từ hàng trăm năm trước theo cấu trúc trong thành ngoài thị. Đó cũng là thời điểm mà vùng đất nằm “giữa những con sông này” bắt đầu đón nhận những công trình đầu tiên mang phong cách kiến trúc phương Tây hay nói chính xác hơn là kiến trúc Pháp.

Những con đường đất trước đây chỉ đơn giản được đắp cao, vừa đảm nhận vai trò giao thông, vừa là những con đê uốn lượn theo các dòng sông và những cánh đồng trũng thấp, dần nhường chỗ cho những tuyến phố được quy hoạch thẳng tắp, có vỉa hè rộng hai bên và những ô phố vuông vức như ô bàn cờ, mặc dù đôi khi vẫn có những trục đường cắt chéo tạo thành những vườn hoa công cộng và dẫn đến những quảng trường nhỏ đóng vai trò như những nút giao vòng xuyến đặc trưng theo phong cách quy hoạch Paris của Nam tước Haussmann nửa cuối thế kỷ XIX.

Trong suốt nửa thế kỷ quy hoạch, kiến thiết và xây dựng không gian đô thị Hà Nội, các nhà quy hoạch và KTS người Pháp phục vụ trong bộ máy chính quyền thực dân đã tạo dựng cho thành phố này một diện mạo kiến trúc rất riêng biệt, thậm chí là độc nhất vô nhị khi so sánh với thủ đô của các quốc gia Đông Á khác.
Cho đến nay, ngay cả các KTS người Pháp mỗi khi đặt chân đến Hà Nội lần đầu tiên đều không khỏi ngỡ ngàng trước một “quỹ di sản kiến trúc Pháp” của giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX hết sức phong phú và đa dạng, thuộc nhiều phong cách khác nhau. Chính bộ sưu tập các công trình và phong cách kiến trúc này đã làm nên nét duyên dáng của riêng Hà Nội hay nói đúng hơn là của khu trung tâm nội đô lịch sử Hà Nội. Đó không chỉ là những công trình kiến trúc đơn thuần mà còn là những chứng nhân của lịch sử, là kết quả của sự giao thoa văn hoá và sự thích ứng của kiến trúc Pháp nguyên bản với điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa và văn hoá bản địa của một đô thành ngàn năm tuổi.

MỘT CHỨNG NHÂN LỊCH SỬ 

Sự hình thành Khu Phố Pháp tại Hà Nội hay còn được gọi là “Khu Phố Tây” trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX thực sự khởi nguồn từ một chiến lược nhằm khẳng định quyền lực của chính quyền thuộc địa. Sau khi quân đội Pháp đánh chiếm Thành Hà Nội lần thứ hai vào năm 1882, phạm vi chiếm đóng thực sự của người Pháp khi đó mới chỉ có hai khu vực tách biệt nhau: khu Nhượng địa Pháp (nay là phạm vi ô phố nằm kẹp giữa đường Trần Quang Khải và phố Phạm Ngũ Lão và chạy dài từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đến Bệnh viện 108) và khu vực Thành Hà Nội (thuộc phạm vi hiện nằm bên trong một hình vuông được viền quanh bởi bốn tuyến đường Phan Đình Phùng, Lý Nam Đế, Trần Phú và Hùng Vương).

Việc thiết lập Khu Phố Pháp bắt nguồn từ nhu cầu nối liền hai khu vực chủ chốt đầu tiên này, bởi tính đến năm 1883, đó vẫn còn là những phạm vi hạn hẹp và mất cân đối. Thành cổ Hà Nội khi đó được sử dụng cho mục đích quân sự trong khi khu Nhượng địa là nơi đóng trụ sở chính thức của các cơ quan ngoại giao và thương mại của nhà cầm quyền Pháp, song hai khu vực này vẫn tách biệt hoàn toàn mặc dù có vai trò quan trọng đối với chính quyền thực dân.

Bản đồ hiện trạng Hà Nội năm 1885 xuất hiện phố Tràng Tiền nối khu
Nhượng địa Pháp và Thành Hà Nội. (Ảnh: Gallica.bnf.fr/BnF)

Để từng bước hiện thực hoá tham vọng kiểm soát toàn địa bàn thành phố, ngay từ năm 1883, chính quyền thực dân đã khởi đầu bằng dự án xây dựng một trục đường chạy thẳng nối liền hai khu vực chiến lược này và tuyến đường đó xuất phát từ điểm đầu của khu Nhượng địa (nay là quảng trường Cách mạng Tháng Tám trước cửa Nhà hát Lớn) chạy thẳng tới cổng Đông Nam của Thành Hà Nội (nay là nút giao Cửa Nam). Trục đường đó chính là tuyến phố Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi hiện nay. Tuy nhiên, trục đường này không chỉ có tầm quan trọng chiến lược mà còn đóng vai trò kinh tế chủ đạo với những toà nhà thương mại và dịch vụ đầu tiên dành phục vụ người Pháp được xây dựng dọc hai bên phố, nhất là ở khu vực phía Nam hồ Hoàn Kiếm, tạo thành khu trung tâm thương mại và dịch vụ đầu tiên của Khu Phố Tây.

Riêng phố Paul Bert khi đó (nay là phố Tràng Tiền) vẫn được các kiều dân Pháp gọi là “đại lộ Champs Élysées thu nhỏ” với rất nhiều cửa hiệu xa xỉ, quán cà phê và khách sạn sang trọng. Kể từ năm 1886, sau khi chính quyền thực dân hoàn toàn kiểm soát được tình hình trong thành phố và một chính quyền dân sự ra đời, Khu Phố Pháp bắt đầu phát triển nhanh chóng. Từ những công trình đơn lẻ rải rác ban đầu đã hình thành một tổ chức không gian đầy đủ ở cấp độ cả một đô thị với một mạng lưới đan xen giữa các đường phố và đại lộ. Một mạng lưới đường trực giao được áp trực tiếp lên một nền địa hình chỉ có các làng xã và những đồng ruộng trũng, song cũng có một số điều chỉnh nhất định để tránh những cụm dân cư ngoại thành đã tồn tại sẵn từ trước.

Phố Tràng Tiền thời Pháp thuộc như một “đại lộ Champs-Élysées thu nhỏ” (tên gọi cũ là phố Paul Bert)
(Ảnh: Flickr.com/photos/manhhai)

Trong giai đoạn đầu hình thành Khu Phố Pháp, có thể nói các công trình kiến trúc chủ đạo được các KTS người Pháp thiết kế theo yêu cầu của chính quyền thuộc địa thực sự trở thành những chứng nhân của một thời kỳ lịch sử rõ rệt. Đó không chỉ là những công trình công cộng đơn thuần mà còn là một biểu hiện để bộ máy cầm quyền đương thời phô trương sức mạnh.

Trong số những công trình tiêu biểu nhất có thể kể đến Phủ Toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch) và Dinh Thống sứ Bắc kỳ (nay là Nhà khách Chính phủ) đều được thiết kế theo phong cách cổ điển Pháp, còn Dinh Phó Toàn quyền Đông Dương (nay là trụ sở Báo Nhân Dân) và Sở Thương chính Độc quyền Đông Dương (nay là Bảo tàng Cách mạng Việt Nam) đều theo phong cách Tân cổ điển.

Nhà khách Chính phủ (Dinh Thống sứ Bắc kỳ trước đây)
(Ảnh: PRX-Vietnam/Stéphane Asseline)

Sau hơn một thế kỷ tồn tại với rất nhiều tác động không chỉ của điều kiện khí hậu và thời tiết mà còn chịu áp lực của tình trạng gia tăng mật độ dân cư, nhu cầu sinh hoạt và phát triển kinh tế – xã hội trong khu vực trung tâm thành phố, ngoại trừ những công trình chủ đạo được sử dụng theo đúng chức năng làm công thự hoặc công trình công cộng, không ít di sản kiến trúc Pháp trong khu vực này không còn thực sự nguyên vẹn.

Những vạt tường bong tróc vữa, những phần xây cơi nới làm biến dạng các mặt tiền, những biển hiệu quảng cáo che khuất công trình rất nhiều và chỉ còn để lộ phần đỉnh nóc, những cây dại và rêu mốc che phủ trên tường nhà và những dãy tường rào chắp vá đang bủa vây xung quanh. Nhưng chỉ cần bóc tách những lớp vật liệu che phủ mang tính tự phát đó, mọi thứ sẽ bộc lộ dần dần, tất cả dường như còn nguyên tại chỗ, một di sản cần được khôi phục, đôi khi có những công trình đã bị thay hình đổi dạng do tác động của thời tiết và qua nhiều năm tháng.

Đương nhiên, khu vực này có một giá trị lịch sử cả về mặt đô thị và kiến trúc. Giá trị đó nằm ngay trong đặc điểm pha trộn giữa nhiều phong cách kiến trúc khiến người ta không thể gọi chung là “di sản kiến trúc Pháp” mà phải gọi là “di sản kết hợp giữa kiến trúc Pháp và kiến trúc bản địa”. Chính điều này đã tạo nên nét đặc thù riêng cho không gian đô thị trong khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội khiến ngay cả các KTS người Pháp hiện nay cũng không khỏi ngỡ ngàng khi họ tìm thấy ở đây một quỹ di sản kiến trúc Pháp… hoàn toàn không giống ở Pháp!

NHỮNG PHONG CÁCH KIẾN TRÚC CHỦ ĐẠO 

Vốn được coi là một trong bảy lĩnh vực nghệ thuật cơ bản của nhân loại, cũng như bất kỳ bộ môn nghệ thuật nào khác, kiến trúc cũng được phân chia theo nhiều phong cách thể hiện khác nhau, và kiến trúc Pháp hoàn toàn không phải là một ngoại lệ.

Trong suốt hơn nửa thế kỷ kiến tạo một diện mạo đô thị phương Tây cho Hà Nội, các nhà quy hoạch và KTS người Pháp phục vụ cho bộ máy cầm quyền đương thời đã để lại một bộ sưu tập các công trình theo phong cách kiến trúc Pháp hết sức đa dạng và phong phú, song về cơ bản có thể chia thành 6 phong cách chủ đạo.

Phong cách Thuộc địa hay còn có cách gọi khác là Phong cách Thực dân Tiền kỳ liên quan đến những công trình xây dựng đầu tiên của người Pháp tại Hà Nội như các công trình quân sự hay một số công trình tôn giáo thời kỳ đầu của Hội truyền giáo. Những đại diện tiêu biểu cho phong cách này là toà nhà Pháp cổ hiện vẫn được sử dụng trong khuôn viên của Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng (số 33 phố Phạm Ngũ Lão) hay Toà giám mục nằm gần Nhà thờ Lớn. Kiến trúc của những công trình này tập trung cho công năng sử dụng nhiều hơn là trình diễn phong cách kiến trúc. Đó hầu hết là những công trình chỉ có một tầng và có các dãy hành lang có vòm cuốn chạy quanh nhà.

Phong cách Tân cổ điển được áp dụng nhằm tạo diện mạo hoành tráng cho những công trình công cộng của chính quyền thuộc địa (Phủ Chủ tịch, Nhà khách Chính phủ, Toà án, Nhà hát Lớn…) cũng như một số biệt thự rất đồ sộ. Đây có thể gọi là “thời kỳ Vildieu” bởi phần lớn các công trình đều là sản phẩm của KTS Auguste-Henri Vildieu. Phong cách này chủ yếu sử dụng lại những yếu tố kiến trúc cổ điển như trán tường, hàng cột… phù hợp với việc tạo hiệu ứng hoành tráng như mong muốn.
Phong cách Địa phương Pháp gợi lại phong cách kiến trúc của nhiều vùng miền khác nhau trên lãnh thổ chính quốc Pháp, trong số đó có cả các vùng núi và vùng ven biển mặc dù nền địa hình và điều kiện khí hậu của Hà Nội hoàn toàn không liên quan đến các hình thế thời tiết của những vùng miền này.

Nhà riêng Đại sứ Đức trên phố Trần Phú theo phong cách địa phương Pháp
(Ảnh: PRX-Vietnam/Stéphane Asseline)

Sự “phi lý” này phải chăng nằm ở một logic “hợp lý” khác: đó là tâm lý hoài niệm của các kiều dân Pháp thời kỳ đó. Họ mong muốn thể hiện phong cách kiến trúc của những vùng miền nơi mình được sinh ra để vơi bớt nỗi nhớ quê nhà ở nửa bên kia bán cầu, nhất là trong bối cảnh việc đi lại giữa Pháp và Đông Dương thời kỳ đó chỉ có phương tiện duy nhất là tàu biển với những chuyến hải hành kéo dài cả tháng trời. Phong cách này thường gặp ở các biệt thự với những mặt tiền nhà sử dụng nhiều chi tiết bằng gỗ và các lô-gia nhưng có khối tích khiêm tốn hơn, đặc biệt là những quần thể biệt thự thuộc khu vực vốn là nền cũ của Thành Hà Nội, trong phạm vi được viền quanh bởi bốn trục đường Phan Đình Phùng, Lý Nam Đế, Trần Phú và Hùng Vương.

Phong cách Đông Dương hay nói đơn giản hơn là một phong cách pha trộn của riêng “thời kỳ Đông Dương” có sự kết hợp giữa các kỹ thuật xây dựng hiện đại của phương Tây và các yếu tố văn hoá phương Đông cũng như điều kiện khí hậu nhiệt đới. Phong cách đầy sáng tạo và tiến bộ này do KTS Ernest Hébrard khởi xướng, người được giao trọng trách thực hiện nhiều công trình quy hoạch và kiến trúc cho chính quyền thuộc địa ở Đông Dương kể từ năm 1921. Bảo tàng Lịch sử và trường Đại học Dược là hai tác phẩm đặc biệt theo phong cách sáng tạo này.

Ngân hàng Nhà nước (Ngân hàng Đông Dương trước đây) theo phong cách Art-deco (Ảnh: PRX-Vietnam/Stéphane Asseline)

Phong cách Art-deco với những hình khối đơn thuần dạng hình học (đường đơn và khối thẳng) khác biệt hẳn với chủ nghĩa chiết trung của những giai đoạn trước đó. Hình dạng phải thể hiện chức năng của công trình chứ không cần trang trí rườm rà.

Phong cách theo Chủ nghĩa Hiện đại, một xu hướng khác của phong cách Art-deco, hiện đại và chú trọng tới công năng. Đây là điểm khởi đầu của trào lưu thiết kế hướng tới một hình mẫu sản xuất hàng loạt dành cho đại đa số khách hàng và dựa theo trường phái Bauhaus ở Đức và Le Corbusier ở Pháp.

NHỮNG GIÁ TRỊ VỀ KHÔNG GIAN ĐÔ THỊ CỦA MỘT “THÀNH PHỐ VƯỜN” 

Giá trị đô thị của Khu Phố Pháp thể hiện ở chất lượng của các không gian công cộng phỏng theo những nguyên tắc quy hoạch theo phong cách Haussmann: mạng đường trực giao kiểu ô bàn cờ rất đặc trưng trong cấu trúc không gian của Hà Nội, nhiều tuyến đường rộng có cây xanh hai bên, các góc ngã tư có mặt đứng công trình xén vát, đặc biệt là hiệu ứng tạo tầm nhìn bao quát tại một số địa điểm có tầm nhìn hướng về phía các công trình kiến trúc chủ đạo.

Nhưng trái với mô hình thường gặp ở Paris, nơi mà hầu hết các trục đại lộ đều có điểm kết là một công trình chủ đạo và theo một phong cách gần như đồng nhất, những công trình dân sự quy mô lớn ở đây lại được xây dựng trước hết trên những ô phố trống. Như vậy, “nghệ thuật trình diễn” không gian đô thị đã đi trước quá trình xây dựng đô thị và mỗi tuyến phố đều được triển khai xây dựng căn cứ theo nhu cầu phát triển thực tế và mức độ lấp đầy các ô phố.

Bên cạnh cấu trúc ô phố phân chia đồng đều kiểu ô bàn cờ còn có những phân khu có cấu trúc ô phố chia nhỏ hơn, đặc biệt là hai phân khu Nguyễn Gia Thiều – Trần Quốc Toản và Bùi Thị Xuân – Mai Hắc Đế với những nét đặc thù rất riêng. Phân khu Nguyễn Gia Thiều – Trần Quốc Toản cũng được những tuyến phố rộng bao quanh, nhưng sau đó lại được chia nhỏ thêm bằng những con phố nhỏ, từ đó tạo nên những ô phố nhỏ yên tĩnh hơn bởi không bị ảnh hưởng của các hoạt động giao thông trên các tuyến phố lớn.

Quần thể kiến trúc được tạo thành từ những ngôi nhà nhỏ được xây dựng chủ yếu trong giai đoạn những năm 1930 càng làm tăng thêm nét đặc thù đó.

Trái lại, phân khu Bùi Thị Xuân – Mai Hắc Đế có nét đặc trưng kiểu nhà phố với cấu trúc thửa đất hẹp và chạy sâu tương tự như các thửa đất trong Khu Phố Cổ Hà Nội, nhưng vẫn được xây theo lối kiến trúc phương Tây bởi một trong những đối tượng chính là dành cho các viên chức người Việt làm việc trong bộ máy hành chính của chính quyền thuộc địa. Đôi khi có một vài ô phố có những ngõ rộng tạo ra những không gian yên tĩnh rất thú vị.

Mặc dù được quy hoạch theo các ô phố vuông vức với các dải vỉa hè rộng hai bên, song các dãy nhà mặt tiền dọc theo các tuyến phố chính trong Khu Phố Pháp vẫn có sự khác biệt theo tuyến cảnh quan chung khá rõ nét. Những tuyến có khung cảnh chủ đạo là nhà mặt phố như Tràng Tiền, Bà Triệu hay Hàng Bài có mật độ xây dựng khá dày, có những đoạn các dãy nhà mặt tiền chạy dài san sát thành một hàng thẳng.

Đó chính là những tuyến phố tập trung nhiều hoạt động kinh doanh và cần được ưu tiên cho phát triển thương mại trong kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc – đô thị. Bên cạnh đó lại có những tuyến phố có không gian thông thoáng hơn và nhiều không gian xanh hơn, tạo cảm giác như những trục phố có vườn cây, đặc biệt là các tuyến phố Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt còn giữ được nhiều biệt thự có khoảng lùi so với mép hè, đôi khi có những biệt thự nằm giữa một khoảng vườn. Những không gian mở đặc trưng như vậy rất cần được duy trì nhằm gìn giữ được bản sắc cảnh quan của một “thành phố vườn”.

Phố Lý Thường Kiệt có không gian rất dễ chịu bởi mặc dù là một tuyến phố rộng, song mật độ giao thông không quá lớn nên có thể bố trí nhiều quán cà phê và nhà hàng để khai thác triệt để các khoảng sân rộng phía trước. Điều đó thể hiện rõ xu hướng tìm kiếm những địa điểm hạn chế tiếng ồn để khai thác những không gian tạo cảm giác thân thiện. Cho đến nay, mặc dù không gian nội đô của Hà Nội đã được mở rộng hơn rất nhiều so với thời điểm 100 năm trước, song không có khu vực nào thực sự có tỷ lệ không gian thân thiện và thuận lợi cho người đi bộ như Khu Phố Pháp.

THÁCH THỨC TRONG CÔNG TÁC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ KHU PHỐ PHÁP

Xét về cấu trúc không gian đô thị, có thể nói quá trình hình thành và hoàn thiện không gian kiến trúc – cảnh quan đô thị của Khu Phố Pháp tại Hà Nội về cơ bản đã ổn định và không còn bị xáo trộn quá nhiều kể từ cuối thập niên 1920, giai đoạn kết thúc những dự án quy hoạch quy mô lớn ở Hà Nội thời kỳ đó.

Trải qua nhiều giai đoạn khác nhau trong suốt hơn một thế kỷ, không gian cảnh quan và kiến trúc của khu phố này cũng ít nhiều chịu tác động rõ rệt của từng thời kỳ lịch sử, song nổi bật nhất là hai xu hướng có tính chất đối lập nhau: xu hướng phân chia kể từ năm 1954 và xu hướng sáp nhập kể từ đầu thập niên 1990.

Năm 1954, sau khi người Pháp rút khỏi Hà Nội, rất nhiều công trình nhà ở tư nhân trong khu phố này đã được thu hồi và sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau và chính quá trình đó đã làm thay đổi chức năng sử dụng của chúng so với công năng dự kiến ban đầu.

Những công trình có tính đại diện tiêu biểu nhất đã được sử dụng làm trụ sở cho một số cơ quan chính quyền và nhờ đó, nhìn chung những công trình này đều được gìn giữ và ít bị thay đổi. Các diện tích khuôn viên đi kèm cũng được giữ nguyên nhưng không được chăm chút nhiều. Tuy nhiên, số phận của những ngôi nhà tiếp tục được khai thác theo đúng công năng nhà ở ban đầu lại không được may mắn như vậy.

Từ thiết kế nguyên bản là những ngôi biệt thự dành riêng cho một gia đình, chúng đã bị phân chia thành nhiều căn hộ để phân bổ cho nhiều gia đình khác nhau. Khi số nhân khẩu trong mỗi hộ tăng lên, ngôi nhà cũng dần bị đắp thêm nhiều phần cơi nới và dần dần lấp kín các không gian khuôn viên bao quanh. Do cách thức mở rộng diện tích sinh hoạt không được quản lý, cũng không có ý kiến tư vấn của các nhà chuyên môn nên đôi khi tình trạng cơi nới này trở nên mất kiểm soát.

Biệt thự bị cơi nới ở góc phố Hàn Thuyên – Phan Huy Chú
(Ảnh: Trương Quốc Toàn)

Đến đầu thập niên 1990, một xu hướng khác hoàn toàn trái ngược đã xuất hiện trong Khu Phố Pháp, đó là xu hướng sáp nhập các thửa đất để xây dựng những công trình có quy mô và khối tích khá đồ sộ, phổ biến nhất là loại hình tòa nhà văn phòng.

Nếu so với xu hướng phân chia của giai đoạn trước thì xu hướng sáp nhập này còn tạo ra những thay đổi có tính chất triệt để hơn nhiều, nhất là trong bối cảnh các toà tháp cao tầng được coi như biểu tượng của chủ nghĩa hiện đại trong thời kỳ thực hiện chính sách mở cửa kinh tế.

Ngoài hai xu hướng chủ đạo kể trên, kể từ đầu thế kỷ XXI đến nay, Khu Phố Pháp còn phải chứng kiến một diễn biến khác đáng báo động hơn, đó là sự xuất hiện của những công trình xây mới theo kiểu giả phong cách Pháp, đặc biệt là các công trình nhà ở, khiến cho tính đặc thù của không gian di sản đô thị này trở nên khó nhận diện hơn.

Công trình xây mới nhưng thiết kế “nhại cổ” sẽ khiến di sản đô thị khó nhận diện hơn. (Ảnh: Trương Quốc Toàn)

Những thực trạng nêu trên dù là hệ quả của lịch sử để lại hay do ý kiến chủ quan của mỗi tác nhân đều đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc – đô thị của Khu Phố Pháp.

Một trong những thách thức quan trọng nhất là cần gấp rút phân vùng bảo tồn và phát huy giá trị để đảm bảo hiệu quả đầu tư cho các nguồn lực, tránh dàn trải và cào bằng. Những phân khu hoặc quần thể di sản được xác định có giá trị cao cần có quy chế bảo vệ riêng nhằm gìn giữ nét đặc thù của các không gian kiến trúc, đô thị và cảnh quan. Trong phạm vi bảo vệ này, mọi công trình xây mới đều phải tuân theo những quy định khắt khe về diện tích chiếm đất, khoảng lùi, chiều cao, khối tích… và không được phép có bất kỳ ngoại lệ nào.

Bên cạnh đó, các quần thể di sản rải rác cũng cần được quy định bảo vệ với phương châm tạo sự gắn kết nhằm gìn giữ bố cục không gian đô thị có các công trình lịch sử.
Một thách thức khác không kém phần quan trọng cần được tính đến trong các dự án phát huy giá trị Khu Phố Pháp của Hà Nội theo hướng phát triển bền vững, đó là những tác động đối với giao thông nội đô. Trong bối cảnh hiện tại, theo góc nhìn của các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản, giá trị quan trọng nhất của khu phố này có lẽ nằm ở vị trí đắc địa, dễ tiếp cận từ mọi hướng.

Tòa nhà văn phòng với khối tích lớn do sáp nhập các thửa đất trên phố Lý Thường Kiệt. (Ảnh: Trương Quốc Toàn)

Các tuyến phố rộng kiểu ô bàn cờ với bề rộng trung bình khoảng 28m đóng vai trò cơ bản trong việc đảm bảo lưu thông trong khu vực trung tâm nội đô, đồng thời phân bố đều lưu lượng phương tiện ra các khu vực vành đai. Tuy nhiên, trước sự gia tăng lượng phương tiện như hiện nay, các tuyến phố chính trong khu vực này cũng như nhiều điểm nút giao thông quan trọng khác trong thành phố không tránh khỏi tình trạng ùn tắc vào một số thời điểm trong ngày.

Như vậy, bên cạnh các giải pháp kiểm soát mật độ xây dựng nhằm tránh gia tăng áp lực cho hệ thống hạ tầng giao thông trong Khu Phố Pháp, cần kết hợp nhiều biện pháp khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng, đặc biệt là khi đưa vào khai thác giai đoạn 2 của tuyến metro số 3, tức là đoạn đi ngầm từ ga Cát Linh tới điểm cuối là ga Hà Nội.

MỘT SỐ KINH NGHIỆM RÚT RA TỪ CÁC DỰ ÁN BẢO TỒN THỰC TIỄN

Lưu trữ và xây dựng hồ sơ di sản trước khi tiến hành trùng tu

Mọi dự án trùng tu đối với một công trình di sản đều cần thu thập tất cả các thông tin hữu ích về hiện trạng, những lần trùng tu trước đây hoặc những hình thức can thiệp trước đó đối với công trình. Khâu nghiên cứu sơ bộ này là điều kiện tiên quyết để lập một dự án trùng tu bài bản cho dù ở bất kỳ quy mô và mức độ phức tạp như thế nào.

Việc sưu tầm các tài liệu lưu trữ là một nội dung rất hữu ích để biết được nguồn gốc của công trình, công năng ban đầu và bất kỳ thay đổi nào trong giai đoạn thiết kế hoặc xây dựng công trình.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các tài liệu thu thập được thông qua quá trình sưu tầm tư liệu lưu trữ có thể chưa đủ để thực hiện một dự án trùng tu. Vì vậy cần thực hiện khảo sát thực địa nhằm đưa ra được đánh giá hiện trạng một cách chính xác về công trình, các yếu tố kết cấu cũng như những nguyên nhân khiến cho công trình bị hư hại, xuống cấp.

Hình ảnh 3D đánh giá hiện trạng hư hại của biệt thự 49 phố Trần Hưng Đạo. (Ảnh: PRX-Vietnam/Nicolas Viste)

Can thiệp ở mức tối thiểu

Nguyên tắc này vô cùng quan trọng đối với các công trình di sản. Các giải pháp can thiệp cần được sắp xếp theo một trình tự ưu tiên trên tinh thần chỉ hành động khi thực sự cần thiết như sau: (1) Trùng tu các bộ phận và cấu trúc còn trong tình trạng tốt sau khi đã phân tích đánh giá hiện trạng; (2) Sửa chữa các bộ phận hoặc cấu trúc bị hư hại trên tinh thần tôn trọng các vật liệu nguyên gốc và các kỹ thuật thi công được áp dụng tại thời điểm xây dựng công trình; (3) Thay thế các bộ phận hoặc cấu trúc đã biến mất với các giải pháp thi công hiện đại và tuyệt đối tránh hình thức nhại cổ.

Thận trọng với các kỹ thuật hiện đại

Mỗi dự án trùng tu đều đòi hỏi phải thử nghiệm một cách nghiêm ngặt tất cả các vật liệu hoặc bất kỳ kỹ thuật hiện đại nào trước khi áp dụng cho công trình di sản. Ngoài ra, những thử nghiệm đối với các vật liệu được sử dụng sẽ giúp kiểm tra và xác nhận tính tương thích của chúng với các vật liệu cũ cũng như mức độ hoàn thiện của dự án trùng tu. Giai đoạn thực hiện trùng tu cũng là thời điểm quan trọng để thu thập được thêm những hiểu biết về công trình, nhất là những khám phá về kết cấu không thể dễ dàng thu thập trước khi triển khai thi công trùng tu.

Tôn trọng những dấu vết của thời gian

Xét về bản chất, mỗi công trình di sản cần được gìn giữ và trùng tu, tôn tạo không chỉ nằm ở các giá trị kiến trúc, thẩm mỹ hay văn hóa, lịch sử. Đó còn là những nhân chứng cho toàn bộ khoảng thời gian kể từ khi công trình đó được hình thành cho đến ngày nay và có thể sẽ mang trên mình rất nhiều dấu vết của những thăng trầm lịch sử. Vì vậy, trong các dự án trùng tu công trình di sản cần thể hiện rõ sự khác biệt giữa các hạng mục can thiệp hiện tại với các hạng mục đã từng tác động tới công trình ở những giai đoạn trước.

Chốt giữ cửa sổ nguyên gốc hình cô gái chăn cừu tại biệt thự 49 phố Trần Hưng Đạo
(Ảnh: Trương Quốc Toàn)

Những hạng mục thay đổi, sửa chữa, phục hồi và các biện pháp can thiệp khác cần được thể hiện một cách rõ ràng, tức là có thể phân biệt và dễ dàng nhận thấy, nhằm mục đích làm nổi bật các cấu trúc và bộ phận của công trình nguyên bản. Khi có sự phân định rõ ràng, tránh gây hiểu lầm giữa các yếu tố nguyên bản với các hạng mục đã thay đổi, cải tạo ở từng giai đoạn sẽ giúp khách tham quan hoặc người sử dụng công trình sau trùng tu thấy rõ được mọi dấu vết của quá trình tồn tại của công trình di sản.

Trùng tu không có nghĩa là “nệ cổ”

Có thể đề xuất xây dựng lại – toàn bộ hoặc một phần – những hạng mục độc lập với công trình di sản và thể hiện rõ đó là công trình xây mới nhằm đạt được hiệu ứng tương phản giữa các yếu tố nguyên gốc được bảo tồn và phát huy giá trị với các yếu tố mới được thiết kế theo phong cách hoặc kỹ thuật xây dựng hoàn toàn khác.

Cũng có thể sử dụng một kiến trúc đương đại để bảo vệ một di tích đã quá xuống cấp hoặc đổ nát không thể xây dựng lại. Như vậy, kiến trúc đương đại có vai trò tạo sự khác biệt với những dấu tích di sản, đồng thời khẳng định rõ thời điểm xây dựng chứ không gây hiểu lầm như một hạng mục được xây dựng cùng thời điểm với công trình di sản.

Tránh các biện pháp can thiệp “không thể đảo ngược”

Tất cả các hình thức can thiệp trong quá trình bảo tồn đều nên tránh thực hiện theo hướng thay đổi một cách vĩnh viễn. Trong tương lai gần hoặc xa hơn, nếu có một cách tiếp cận mới đối với di sản, công nghệ trùng tu mới hoặc thu thập được thêm những thông tin mới thì phải đảm bảo có thể áp dụng các biện pháp can thiệp khác. Vì vậy, mọi hạng mục can thiệp hiện tại đều nên tính đến khả năng có thể dễ dàng “tháo dỡ” trong trường hợp cần thiết.

Lập hồ sơ tư liệu về dự án trùng tu

Song song trong quá trình trùng tu cần tổ chức xây dựng một tài liệu đầy đủ và có hệ thống về các biện pháp can thiệp từ thời điểm khởi công trùng tu cho đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp lý tưởng nhất là tiến hành chụp ảnh và/hoặc quay video từng hạng mục can thiệp chuyên biệt. Việc xây dựng nội dung tài liệu trong quá trình thi công trùng tu rất quan trọng vì có liên quan đến các vấn đề về kết cấu chịu lực cũng như các kết cấu phụ trợ của công trình.

Có kế hoạch duy tu, gìn giữ sau bảo tồn

Việc duy tu công trình sau dự án trùng tu là cần thiết, một mặt để đảm bảo cho công trình không xuống cấp hoặc nếu có thì cũng không diễn ra quá nhanh chóng, mặt khác để đảm bảo tình trạng tốt của các hạng mục đã được trùng tu. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý hoặc chủ đầu tư cần có kế hoạch dự kiến các nguồn kinh phí bổ sung cho một dự án trùng tu, có thể tính đến ngay trong khuôn khổ dự án trùng tu hoặc đưa vào kế hoạch ngân sách tầm trung và dài hạn. Bản thân khâu duy tu cũng đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc về mặt nhân sự và quy trình: thiết lập quy trình duy tu sau trùng tu và đảm bảo khả năng tiếp cận được tất cả các vị trí cần can thiệp, sử dụng các vật liệu có chất lượng và độ bền cao,…

LỜI KẾT 

Từ hơn 20 năm qua, trong khuôn khổ mối quan hệ hợp tác cấp địa phương giữa UBND Thành phố Hà Nội và Hội đồng Vùng Île-de-France (Cộng hòa Pháp), các chuyên gia của Vùng Île-de-France hay còn gọi là Vùng Thủ đô Paris đã tham gia vào nhiều dự án nghiên cứu, nhận diện, đánh giá và trùng tu, bảo tồn các công trình di sản kiến trúc Pháp tại Hà Nội. Những kinh nghiệm và bài học quý giá rút ra từ mỗi dự án trùng tu, bảo tồn ngày càng chứng tỏ các công trình kiến trúc Pháp đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong quỹ di sản kiến trúc – đô thị của Thủ đô. Sức quyến rũ của mảnh đất ngàn năm văn hiến này đã mang lại cảm xúc thăng hoa cho các KTS và các nhà quy hoạch người Pháp từ hơn 100 năm trước để hình thành nên một “Paris thu nhỏ” chỉ trong vòng hơn ba thập kỷ. Đó cũng là một trong những lý do giúp cho Hà Nội sở hữu một bộ sưu tập các công trình kiến trúc Pháp với nhiều phong cách đa dạng, thậm chí bao gồm cả những phong cách mới chưa từng hiện diện tại lãnh thổ chính quốc thời kỳ đó.

Ống thang được xây một phần bằng gạch vồ sau khi phá dỡ tường Thành Hà Nội
tại biệt thự 49 phố Trần Hưng Đạo. (Ảnh: Trương Quốc Toàn)

Bên cạnh những dấu ấn về giao thoa văn hoá Á-Âu, không ít sản phẩm sáng tạo của các KTS người Pháp để lại cho Hà Nội còn thể hiện được sự điều chỉnh linh hoạt và tinh tế nhằm thích ứng với các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng hoàn toàn khác biệt với bất kỳ vùng miền nào của nước Pháp. Mỗi dự án bảo tồn, trùng tu các công trình di sản kiến trúc Pháp tại Hà Nội đều xứng đáng là một dự án nghiên cứu văn hóa và khoa học cần sự đầu tư bài bản cả về nhân lực và vật lực.

Bảo tồn và phát triển luôn là hai trụ cột quan trọng hướng tới phát triển đô thị bền vững. Bảo tồn di sản kiến trúc không có nghĩa là đưa công trình đó cũng như các không gian lân cận phải quay về đúng thời kỳ di sản được hình thành. Mỗi công trình đều có những đặc điểm, vai trò và hiện trạng riêng biệt để làm căn cứ xác định cách tiếp cận bảo tồn nguyên gốc, bảo tồn nguyên trạng hay bảo tồn thích ứng. Tuy nhiên, nếu coi thực thể đô thị của Hà Nội ngàn năm tuổi như một bộ óc trường tồn thì di sản kiến trúc Pháp trong khu vực nội đô lịch sử thực sự là một vùng ký ức cần được gìn giữ để Hà Nội mãi mãi là một nơi chốn để trở về, một đô thị có ký ức./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Charbonneau François & Đỗ Hậu (Chủ biên), Hanoi, enjeux modernes d’une ville millénaire, Éditions Trames, Monréal, 2002, 270 trang.
2. Clément Pierre & Lancret Nathalie (Chủ biên), Hà Nội chu kỳ của những đổi thay / Hanoi le cycle des métamorphoses, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 2010, 344 trang.
3. Institut des Métiers de la Ville (IMV), Hà Nội: Thành phố đặc thù và những lựa chọn cho phát triển / Regards croisés sur Hanoi: Transition, spécificité urbaine et choix de développement, Kỷ yếu hội thảo, Hà Nội, 2002, 288 trang.
4. Interscene, Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị Khu Phố Pháp phía nam quận Hoàn Kiếm – Hà Nội, Báo cáo nghiên cứu, Hà Nội, 2009, 71 trang.
5. Malherbe Virginie, Hanoï, Rêve d’Occident en Extrême-Orient, Éditions d’Art Somogy, Paris, 2010, 56 trang.
6. Papin Philippe, Histoire des territoires de Hà-Nội: Quartiers, villages et sociétés urbaines du XIXe au début du XXe siècle, Éditions Les Indes savantes, Paris, 2013, 391 trang.
7. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Kiến trúc các công trình xây dựng tại Hà Nội (1875-1945), NXB Thế Giới, Hà Nội, 2009, 116 trang.
8. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Quy hoạch đô thị và địa giới hành chính Hà Nội 1873-1945, Hà Nội, 2010, 144 trang.
9. Viste Nicolas, Báo cáo nghiên cứu bảo tồn và nâng cấp biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Báo cáo nghiên cứu, Hà Nội, 2014, 44 trang.

bình luận