Kiến trúc làng trong dòng xoáy đô thị hóa(19/01/2023)
Chưa khi nào câu chuyện về xây dựng nông thôn lại được bàn đến nhiều như bây giờ. Từ trong các Nghị quyết quan trọng có tính chiến lược của Đảng, các kỳ họp của Quốc hội, các chương trình hành động của Chính phủ cho đến các hội thảo của giới kiến trúc quy hoạch.
Đô thị hóa là quy luật tất yếu trong phát triển của mỗi quốc gia. Liên Hợp Quốc đã chỉ rõ, thế kỷ XXI là thế kỷ của đô thị với hơn 80% dân số thế giới sống trong các đô thị và đại đô thị. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật khách quan đó. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng tại Hội nghị đô thị toàn quốc vừa được tổ chức vào ngày 30/11/2022 tại Văn phòng Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, tính đến tháng 9/2022 cả nước đã có 888 đô thị các loại, tỷ lệ đô thị hóa đạt 41,5%, tức là khoảng 37 triệu dân nước ta sống trong các đô thị. Đô thị hóa và phát triển đô thị đã trở thành động lực quan trọng phát triển kinh tế – xã hội với đóng góp hơn 70% GDP cả nước.
Như vậy có thể thấy, sự chuyển dịch mạnh mẽ của đô thị hóa và hệ thống đô thị cùng những con số rất ấn tượng kia dễ làm cho (lúc này lúc khác) hình ảnh làng quê truyền thống Việt Nam bị mờ đi, dẫu không bị lãng quên.
Cách đây không lâu, tôi đã dự một cuộc hội thảo bàn về quản lý xây dựng kiến trúc nông thôn tại Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng). Tại đây, rất nhiều câu hỏi tâm huyết được đặt ra, như: Quản lý kiến trúc nông thôn ra sao để phát huy bản sắc văn hóa, kiến trúc của làng quê truyền thống?, Từ trước đến nay quản lý xây dựng và quy hoạch kiến trúc nông thôn như thế nào?, Làm sao để giữ được bản sắc kiến trúc nông thôn trước làn sóng đô thị hóa?…Và hầu như hội thảo còn rất lúng túng để có câu trả lời (!).
Tôi sinh ra ở Làng, nhưng cả đời lại gắn bó với Hà Nội. Mà nghĩ cho cùng, hầu hết các thế hệ cư dân đô thị trên mảnh đất hình chữ S này đều có gốc rễ từ làng như tôi thì phải. Có lẽ vì thế mỗi khi nói về làng, là trong sâu thẳm ký ức của mỗi người chúng ta hình ảnh quê hương lại hiện lên rõ nét, thân thuộc biết chừng nào.
Nghề kiến trúc cho tôi cơ hội đi nhiều, đến với nhiều vùng miền của đất nước. Để cho tôi được trở về với niềm đau đáu, đam mê mong tìm thấy ở làng quê nhỏ bé của mình nói riêng và của nông thôn Việt Nam nói chung, một cái gì đấy, giản dị thôi, mà sao lại có sức hấp dẫn đến vậy. Dẫu rằng vùng quê nơi tôi đến, hay trở về tuy đời sống đã khá hơn so với những năm khốn khó trước khi đổi mới, nhưng vẫn chưa thật sự đủ đầy so với những gì đang hàng ngày, hàng giờ đổi thay đến chóng mặt nơi phồn hoa đô thị trong nền kinh tế thị trường.
Bây giờ chúng ta hay nói nhiều đến tự hào về đô thị với những công trình điểm nhấn có kiến trúc tân kỳ, to cao lừng lững. Còn kiến trúc nông thôn, mà tôi gọi là kiến trúc làng, thì cái điểm nhấn kia là gì? Trên thế giới, không quốc gia nào lại không tồn tại hai môi trường cư trú: Đô thị và nông thôn. Mà đã có nông thôn là có làng.
Nhưng có lẽ, không ở đâu có cấu trúc làng như ở nước ta – Làng Việt. Một kiểu làng đặc trưng của đồng bằng Bắc bộ, sản phẩm của nền văn minh lúa nước. Làng Việt truyền thống có quy mô không lớn. Làng nằm kề cánh đồng, ruộng lúa sở hữu của cư dân trong làng. Làng nọ cách làng kia cũng bởi cánh đồng làng. Từ ngàn đời nay, mối quan hệ xã hội trong làng chủ yếu là thứ quan hệ “Gia đình – Họ hàng – Làng nước”.
Có nhà nghiên cứu về dân tộc học cho rằng, làng là sự mở rộng của huyết thống, nước thì xa hơn, nhưng cùng chung một cội nguồn. Có phải vì thế chăng mà trong lịch sử Việt Nam, các vị vua thường xưng “Tổ” hoặc “Tông” như Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Trần Nhân Tông… cũng bởi từ cội nguồn và huyết thống. Nói như vậy để thấy vị trí của làng quan trọng đến thế nào trong xã hội Việt Nam truyền thống.
Cấu trúc không gian của làng không phức tạp, nhưng cũng không đơn giản đến mức đơn điệu. Ở đồng bằng Bắc bộ, hầu như làng nào cũng có lũy tre xanh bao bọc, dù làng nằm trong đê hay ngoài đê (ngoài bãi). Lũy tre xanh ken dày bởi lớp lớp cây tre, măng tre như bức tường thành che chở cho làng khi có cướp, có ngoại xâm, là nơi cung cấp vật liệu cho dân làng làm nhà, làm nông cụ và bao vật dụng sinh hoạt hàng ngày khác.
Muốn vào làng phải đi qua cổng làng. Cổng làng xưa thường xây bằng gạch. Nhiều làng ở vùng trung du và xứ Đoài thì xây bằng đá ong, liên kết bằng vữa vôi trộn với mật mía và muối rất chắc chắn, bền lâu mặc mưa nắng và thời gian. Qua cổng làng là con đường lát gạch nghiêng hình mu rùa. Từ đây ta sẽ bước vào thế giới làng với hệ thống đường ngang, ngõ tắt như xương cá, mà đường làng là cái xương sống.
Nhưng dù đi đến đâu, thì nhà nào nhà nấy cứ mở cổng ra là gặp ngõ, qua ngõ là đường làng. Năm này qua năm khác, người sau nối người trước, tất cả đều đi trên đường làng và đi qua cổng làng. Ai đấy đã ví, cổng làng như sân ga, có đợi chờ, có chia ly. “Có nước mắt em nhạt nhòa trong chiều muộn tiễn người yêu lên đường đi xa. Có dáng mẹ gầy xiêu xiêu một đời tần tảo nuôi con chờ chồng đằng đẵng suốt cuộc chiến tranh.” Và với tôi, cái cổng làng bình dị ấy chính là một điểm nhấn của cấu trúc làng!
Trong làng có đình, chùa, miếu, nhưng ngôi đình có vị trí đặc biệt nhất trong đời sống xã hội của làng. Đây không chỉ là nơi thờ Thành hoàng làng, là Tổ nghề, là người khai phá lập ra làng, hay người có công với làng, với nước, mà còn là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng làng. Nếu coi làng là xã hội Việt Nam thu nhỏ thời phong kiến, thì ngôi đình là hình ảnh của làng. Đấy là nơi diễn ra những cuộc họp của các vị chức sắc, bô lão trong làng, trong họ tộc. Từ chuyện nhỏ của từng gia đình, cho đến việc đại sự của làng như đón sắc phong của vua ban, hội làng… tất cả đều được diễn ra ở sân đình và theo lệ của làng.
Đình làng là một công trình kiến trúc đặc sắc, từ kỹ thuật dựng lắp đến nghệ thuật chạm khắc tinh tế trên các hệ vì, bẩy, kẻ… là tinh hoa của nghệ thuật kiến trúc truyền thống. Nhà trong làng xưa hầu hết là nhà gianh, vách đất. Sau này là tường gạch, mái ngói. Kiến trúc hầu như giống nhau. Có nhà chính, nhà phụ và quay về hướng nam.
Nhà chính thường ba gian hai chái và có hiên rộng. Hiên được che bởi một lớp giại đan bằng tre có thể tháo lắp dễ dàng, vừa kín đáo trong sinh hoạt, vừa tiện mở rộng không gian sử dụng khi cần thiết, đồng thời ngăn gió lạnh về mùa đông, che bớt cái nắng gay gắt, chói chang về mùa hè. Nhà chính là nơi ở, nơi thờ cúng tổ tiên, ông bà, nơi tiếp khách. Hai chái nhà thường được xây kín, không mở cửa sổ, là nơi để đồ, hoặc dành làm chỗ ngủ cho đàn bà con gái.
Nhà phụ là bếp, kho, có nhà còn để một góc làm chuồng lợn. Nhà chính, nhà phụ thường bố cục theo hình chữ L, ôm lấy khoảng sân rộng. Trước sân là một cái ao được tạo nên bởi quá trình vật đất tôn nền làm nhà. Chung quanh bờ ao thường trồng cây lưu niên. Trước nhà có vài cây cau thẳng vút, lá xanh mướt, quấn quýt dây trầu không, dưới gốc đặt bể chứa nước mưa. Phía sau nhà là hàng chuối lao xao. Nhà trong làng rất giản dị, nhưng hài hòa với môi trường thiên nhiên trong lành, có vườn cây, ao cá…
Những năm qua, ở Việt Nam, cụm từ “Phát triển bền vững”, “Kiến trúc xanh” hay được nhắc tới. Đây là các khái niệm xuất hiện vào cuối thập niên 80-90 của thế kỷ trước, do Ủy ban Môi trường và phát triển thế giới của Liên Hợp Quốc đề xướng. Phát triển bền vững và Kiến trúc xanh, kinh tế xanh đã và đang trở thành yếu tố cơ bản trong xây dựng và phát triển kinh tế của nước ta.
Đô thị hóa đang làm cho khoảng cách giữa làng và đô thị không còn xa nữa. Thậm chí, nhiều nơi phố và làng đã tiếp cận nhau, hòa vào nhau để trở thành “Phố – Làng”. Cấu trúc làng truyền thống đã và đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ. Đây là một thực tế. Việc phát huy và giữ gìn không gian kiến trúc truyền thống của làng Việt cùng các nghề đặc trưng là vấn đề lớn rất cần được quan tâm trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Lâu nay, chúng ta cứ quen nói “Đô thị hóa nông thôn”. Đấy là sự nhầm lẫn về khái niệm dẫn đến sai lầm trong bản chất khi thực hiện. Đô thị hóa là quá trình biến đổi một nơi nào đó thành đô thị. Nhưng không vì thế mà biến nông thôn truyền thống thành đô thị của thời hiện đại. Không gian làng truyền thống với con đê, mái đình, cây đa, bến nước, những ngôi nhà vườn – ao – chuồng khép kín hài hòa, thân thiện và cân bằng với môi trường thiên nhiên là những đặc trưng cần được bảo lưu và hoàn thiện trong tiến trình phát triển xây dựng nông thôn mới.
Chúng ta hiện đại hóa nông thôn (chứ không đô thị hóa nông thôn) là để nông nghiệp, nông thôn phát triển. Để đời sống nông dân được cải thiện, ấm no theo xu thế chung của xã hội. Để người dân không phải ly hương, rời bỏ mảnh đất ông bà đi kiếm sống nơi đất khách. Để văn hóa làng không bị mất đi. Chúng ta cải thiện hạ tầng kỹ thuật – xã hội ở nông thôn như xây dựng nhà trẻ, trường học, trạm xá…, đường giao thông bê tông, điện, nước sạch, sử dụng hầm chứa phân, rác thải tạo khí Bioga để phục vụ sinh hoạt và góp phần làm sạch môi trường.
Chúng ta bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa tốt đẹp, những nghề truyền thống được vun đắp từ bao đời nay, nhưng kiên quyết xóa bỏ những hủ tục, lệ làng cổ hủ, lạc hậu để xây dựng hương ước mới, phong tục mới, cuộc sống mới trong một xã hội có kỷ cương, dân chủ, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
Sẽ ra sao khi cấu trúc làng truyền thống biến mất, thay vào đó là những dãy nhà kiểu hàng phố ngất ngưởng 4-5 tầng, kiến trúc lai căng, kệch cỡm với đủ loại biển hiệu, đèn màu… mà ta gọi đó là đô thị hóa!
Tôi cứ mường tượng ra cái làng xưa yêu dấu của mình sẽ được KTS “sắp xếp” lại cho hợp lý hơn, tiện nghi hơn, bền vững hơn và đẹp hơn, để sau lũy tre làng, nép dưới bóng cây là những ngôi nhà một, hai tầng xây bằng vật liệu không nung, mái lợp tôn cách nhiệt. Con đường làng được đổ bê tông, có hệ thống tiêu thoát nước.
Ngày ngày, từ cái cổng làng quen thuộc, những nông dân của thời đổi mới ra cánh đồng cao sản làm việc bằng những nông cụ tiên tiến. Và khi chiều xuống, họ lại trở về sống bình yên trong ngôi nhà thân thuộc với đầy đủ tiện nghi, xem ti vi, hay nghe nhạc… trong một khuôn viên trong lành có vườn cây, ao cá. Rồi những đêm hội làng, trên chiếu chèo ở sân đình, các cô gái xinh đẹp quê tôi lại hóa thân vào những Thị Mầu, Thị Kính qua làn điệu dân ca mượt mà, đằm thắm. Đó là cuộc sống của nông thôn mới trong tương lai gần mà chúng ta cần hướng tới.
Nông thôn Việt Nam là thế. Là cội nguồn của dân tộc. Nơi lưu giữ kho tàng văn hóa và kiến trúc truyền thống. Nơi tạo nên tâm hồn Việt. Nơi để cho mỗi người chúng ta dù đi đến phương trời nào, sống đủ đầy thế nào cũng đau đáu một nỗi niềm trở về.
Và như thế, làng quê truyền thống liệu có cần những kiểu kiến trúc “đồng phục” trong một bản quy hoạch khiên cưỡng mà ai đó vẽ sẵn, với cách quản lý xây dựng áp đặt như các khu đô thị mới trong thời kỳ chuyển đổi số và công nghệ số (?!)./.
KTS Phạm Thanh Tùng
bình luận