Khó như ‘tìm áo mới’ cho chung cư cũ(25/09/2014)

Trong số 1.155 khu chung cư cũ của Hà Nội, chung cư “ trẻ nhất” cũng thâm niên 20 – 30 năm, còn “già nhất” tới 50 – 60 năm. Với “tuổi đời” như vậy, nên không thể trách vì sao môi trường, cảnh quan các chung cư cũ lại “xấu tệ”, đời sống người dân ở chung cư lại “cám cảnh” tới vậy.

Nào là rêu nham nhở, nào là tường, trần bị đục khoét lở loét, cơi nới lô xô, cầu thang tăm tối, nhà vệ sinh thì “siêu bẩn”…, chung cư chật chội, nóng nực, nhà trên đổ rác lên đầu nhà dưới… Thế nhưng, xem ra việc xã hội hóa cải tạo chung cư tiếp tục vẫn chỉ nằm trên giấy tờ.

Một “đặc sản” của chung cư Hà Nội, đã đi vào truyện, vào thơ, vào tranh, vào kịch, đó chính là “lồng sắt”, hay còn một cách gọi ví von rất hình tượng là “đeo ba lô”. Nhìn từ xa, chung cư nào cũng đang oằn mình đỡ thêm tới cả trăm, thậm chí vài trăm cái “ba lô” trên lưng, vừa mất mỹ quan, vừa không bảo đảm an toàn chung.

Diện tích chung cư cũ không lớn, thường chỉ vài chục mét vuông, trong khi các gia đình ở chung cư, có nhà đã lên tới 2 – 3 thế hệ, với tổng thành viên lên tới mười mấy người. Nhà ít cũng phải 2 vợ chồng và 2 con.

Vài chục mét vuông, mà bao gồm cả phòng khách, phòng ngủ, bếp, nhà vệ sinh, không cơi nới không thể được. Vậy nên, việc đầu tiên của mỗi gia đình khi ở chung cư cũ là làm “lồng sắt”. Phía nào còn không gian là làm tuốt, phía ban công, phía cửa sổ, phía nhà bếp, phía phòng ngủ…

Ba thế hệ nhà bà Trần Thị Minh Sâm, gồm cả chục người, đang chung sống trong căn phòng 515- C8 Giảng Võ, với diện tích vỏn vẹn 40 m2. Chính vì vậy, tứ phía nhà bà đều là “lồng sắt”.

Bà Sâm chia sẻ: “Những năm 70, khi Nhà nước mở đường Giảng Võ, gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên về tái định cư tại tầng 5 nhà C8 này. Lúc đó, chỉ có vợ chồng và 2 đứa con nhỏ. Giờ thì chúng nó lấy chồng, lấy vợ, rồi thêm cháu, nhà tôi đã phải cơi nới chỉ thêm gần chục mét phía sau, nhưng vẫn không đủ không gian sống, giường cũng không đủ chỗ mà kê. Cả nhà tối đến trải chiếu ra sàn ngủ, chỉ có ông nhà tôi đang ốm là được ưu tiên nằm giường”.

Dẫn chúng tôi đi thăm các căn hộ tại nhà C8, ông Hoàng Văn Nhâm, nguyên Tổ trưởng tổ dân 36, dãy nhà C8, cho biết: “Các căn hộ ở khu này chỉ có diện tích 35 m2 và 40 m2 (với nhà đầu hồi), với 2 phòng và 1 căn bếp, đủ cho một hộ gia đình sống. Sau 40 năm, giờ các hộ đều đã lên tới 2 – 3 thế hệ. Những gia đình có điều kiện thì mua thêm nhà cho con cái ra riêng, nhà không có điều kiện thì vẫn chen chúc nhau ở. Vì vậy, 100% các căn hộ đều phải cải tạo, cơi nới để đáp ứng nhu cầu cuộc sống”.

“Sống chật thì phải tìm cách mà bung ra. Thêm vào đó, việc quản lý xây dựng tại các chung cư cũ rất lỏng lẻo, chủ yếu do các cư dân lập Ban quản lý để điều phối chung các công việc về vệ sinh môi trường, sinh hoạt tổ dân phố… Thế nên, mọi nhà đều đua nhau cơi nới. Đến như tòa nhà A6 Giảng Võ của chúng tôi, dù mới cải tạo được hơn 7 năm, nhưng do quản lý lỏng lẻo, cơ chế xử phạt không nghiêm của chủ đầu tư và chính quyền địa phương, nên lồng sắt, chuồng cọp đã xuất hiện tứ tung”, bà Nguyễn Mai Phương, nhà A6 Giảng Võ, chia sẻ.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra với khu nhà Kim Liên. Gia đình ông Nguyễn Đình Hiệp, phòng 106, B13 tập thể Kim Liên, gồm 3 thế hệ, với 10 người, cùng sinh sống trong một căng nhà rộng chỉ 26 m2. Thế là nào lồng sắt, nào là việc tận dụng không gian sinh hoạt chung của khu là hành lang, cầu thang để “chất đồ”, chỗ nào cũng thấy lổn nhổn, nhức mắt.

Bà Đinh Thị Thu, Tổ trưởng tổ dân phố B13, khu tập thể Kim Liên, bày tỏ: “Nhiều gia đình cơi nới “lồng chim”, “chuồng cọp” cả phía trước, phía sau vẫn không đủ không gian sống. Tổ dân phố cũng biết, nhưng đều là hàng xóm láng giềng, cũng cảnh chật chội như nhau, nên đành thông cảm”.

Còn chị Hoàng Thanh Thủy, dãy chung cư cũ F11 (Khương Đình, quận Thanh Xuân) cho biết: “Khi mới lập gia đình, chúng tôi mua nhà ở tầng 4 khu tập thể Cao su Sao Vàng, dãy F11. Trên giấy tờ, căn nhà chỉ có 16 m2, gồm 1 phòng và khu vệ sinh 4 m2 đối diện. Căn phòng đó chỉ đủ cho đôi vợ chồng trẻ ở; nhưng sau này có thêm con, nên chúng tôi cơi nơi thêm “tổ chim” 9 m2 ở phía sau làm thành phòng ngủ. Giờ vợ chồng tôi đã có 2 con và lại còn đón mẹ ở quê lên trông cháu, nên chúng tôi tiếp tục cơi nới thêm 1 phòng nữa trên sân thượng. Ở đây, tất cả các hộ ở tầng 4 đều cơi nới thêm phòng ở trên sân thượng chung của khu tập thể. Ban quản lý tòa nhà biết, nhưng cũng đành chấp nhận, chỉ yêu cầu phải làm bằng vật liệu nhẹ để giảm áp lực kết cấu tác động đên khu tập thể”.

“Đến nay thì các hướng có thể cơi nới đều đã cơi nơi hết rồi. Thêm 10 năm nữa, con cái lớn, có nhu cầu sống riêng thì lại tính tiếp, hoặc cố gắng xoay sở mua nhà rộng hơn, hoặc mua nhà mặt đất. Nhưng nói thật, nếu không có điều kiện, thì chắc nhà tôi cũng lại tiếp tục chen chúc nhau mà sống thôi. Chúng tôi rất mong có doanh nghiệp nào đó quan tâm, đầu tư cải tạo chung cư. Nhưng khu này xa trung tâm thế, chắc cũng còn lâu mới có doanh nghiệp “ngó” tới”, chị Thủy chia sẻ thêm.

Theo Báo Tin tức

 

bình luận