Kết nối không gian văn hóa – xã hội vùng lõi và vùng đệm danh thắng Tràng An – Hướng tới đô thị di sản vì con người(24/07/2024)
Ngày 04/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 218/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc trung ương, văn minh, hiện đại, thông mình, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới, có vị thế, giá trị thương hiệu cao trong mạng lưới di sản thế giới của UNESCO. Mục tiêu này cần được tiếp cận từ góc nhìn của 3 vấn đề cơ bản là: Bối cảnh của không gian lịch sử – văn hóa kinh đô Hoa Lư xưa với phạm vi tương đương với tỉnh Ninh Bình hiện nay; Bối cảnh biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn thế giới; Xu hướng phát triển đô thị di sản đô thị sinh thái gần với phát triển du lịch bền vững.
ĐÔ THỊ DI SẢN – ĐÔ THỊ SINH THÁI VÌ CON NGƯỜI LÀ MỤC TIÊU CẦN HƯỚNG TỚI
Đô thị di sản là một môi trường hỗn hợp giữa tự nhiên và văn hóa (nhân tạo), là biểu hiện vật chất và tinh thần rõ nét nhất về mối quan hệ giữa con người và môi trường sống. Vấn đề đặt ra là, con người phải làm thế nào để đảm bảo mối quan hệ biện chứng giữa tự nhiên và xã hội trong quá trình đô thị hóa, phải làm gì để tạo lập và duy trì sự “cân bằng động giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển trong lòng một đô thị sống động” đang lớn lên từng ngày. Để trả lời những câu hỏi đó, cần hiểu rõ nội hàm khái niệm đô thị di sản. Theo đó, đô thị di sản được hiểu là một cấu trúc đô thị (thiên nhiên – di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể) đã hình thành qua nhiều giai đoạn phát triển của một thành phố (mà kinh đô/cố đô là đô thị điển hình), hàm chứa các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ và các giá trị khác. Ở đó có sự hiện diện của một phức hệ sinh thái – nhân văn hay cảnh quan văn hóa được tổ hợp thích nghi với điều kiện tự nhiên (biến đổi khí hậu), có khả năng đáp ứng nhu cầu sống và phát triển của cộng đồng cư dân phi nông nghiệp.
Đô thị di sản là các thành phố biểu đạt rõ nhất các giá trị đặc hữu của nền văn minh đô thị truyền thống với tư cách là một di sản sống và đang phát triển: (i) Có quá trình hình thành và phát triển liên tục và lâu dài; (ii) Có bản sắc văn hóa; (iii) Có mô hình quản lý (quy hoạch một cách chuẩn mực có tầm nhìn) để bảo tồn các di sản trong lòng thành phố, kết hợp với xu hướng phát triển đô thị hiện đại (hoàn toàn phù hợp với mục tiêu trong quy hoạch phát triển Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050); (iv) Có cơ chế linh hoạt để sử dụng và phát huy giá trị di sản với tư cách là tài nguyên du lịch bền vững cũng như tài nguyên giáo dục mở. Di sản thế giới – Quần thể danh thắng Tràng An sẽ là phần cốt lõi/phần hồn đề Ninh Bình xây dựng đô thị di sản đặc trưng trong tương lai gần với tầm nhìn đến năm 2050.
Đô thị/thành phố nói chung hay đô thị di sản nói riêng, bao giờ cũng được hình thành từ ý tưởng quy hoạch ban đầu do một KTS xuất sắc hay nhóm KTS hoạch định ra. Ý tưởng quy hoạch ban đầu nếu được xác định một cách chuẩn mực, bài bản và khoa học, phù hợp với môi trường thiên nhiên sẽ trở thành “hồn cốt” định hướng phát triển lâu dài của một thành phố. Trường hợp Ninh Bình hướng tới một “đô thị di sản” đặc trưng vì con người, nhất thiết phải tìm hiểu, nắm bắt và cố gắng duy trì những nhân tố tích cực, sáng tạo trong ý tưởng quy hoạch “không gian lịch sử – văn hóa” kinh đô Hoa Lư từ thời Đinh Tiên Hoàng định đô.
Tỉnh Ninh Bình dù phát triển thành “đô thị di sản thiên niên kỷ” thì về bản chất nó vẫn phải hướng tới một đô thị sinh thái. Đô thị sinh thái phải là mô hình đô thị lấy con người là chủ thể, coi sự tiện nghi, thoải mái, hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người là mục tiêu của quy hoạch phát triển đô thị, đồng thời vẫn phải duy trì mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó hữu cơ và hài hòa với thiên nhiên, môi trường cũng như hệ sinh thái tự nhiên, trong đó đô thị được hiện diện với tư cách là môi trường nhân tạo do con người tạo lập ra. Trong đô thị sinh thái, đa dạng sinh học và đa dạng văn hóa là hai yếu tố cần được quan tâm hàng đầu trong mọi ý tưởng quy hoạch đô thị.
Trong đô thị sinh thái, các yếu tố tự nhiên: địa hình, khí hậu, cây xanh, mặt nước, rừng núi, nắng, gió… nếu được nghiên cứu và sử dụng có hiệu quả sẽ có tác động tích cực tới con người/chủ thể văn hóa. Ngược lại, thái độ ứng xử có văn hóa/đạo đức sinh thái với thiên nhiên giúp giảm thiểu việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, đồng thời còn có tác dụng tăng cường sức khỏe về thể chất và tinh thần cho con người.
Người Tràng An – Ninh Bình tự hào, ít có địa phương nào trong cả nước lại cùng một lúc có sự hiện diện của 09 dòng sông cổ: sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Vân, sông Vạc, sống Sào Khê, sông Âu Vân, sông Hệ Dưỡng, sông Chanh và sông Bến Đang. Các con sông trên địa bàn tỉnh được kết nối liên thông với nhau và cùng các thung hồ, kênh rạch tại Quần thể danh thắng Tràng An tạo nên hệ thống liên hoàn nối kết thông qua các hang động, là khu vực có giá trị cao về cảnh quan văn hóa. Phải coi hệ thống sông ngòi là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên nét đặc sắc của đô thị di sản Hoa Lư trong tương lai, rất cần được bảo vệ và phát huy giá trị trong quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
Nhận diện giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, UNESCO nhấn mạnh tiêu chí VII (chứa đựng các hiện tượng siêu nhiên hoặc các khu vực có vẻ đẹp tự nhiên và giá trị thẩm mỹ đặc biệt) đó là các cảnh quan tháp karst Tràng An, một trong những khu vực đẹp và ngoạn mục nhất thuộc loại này trên thế giới, vẻ đẹp của những màng màu sắc đối lập, xen giữa màu xanh bạt ngàn của rừng mưa nhiệt đới (rừng nguyên sinh Hoa Lư), những tảng, vách núi đá vôi trắng xám, màu xanh ngắt và màu trời xanh thẩm. Cảnh núi non hùng vĩ, hang động bí ẩn và những địa danh linh thiêng ở Tràng An đã truyền cảm hứng cho con người trong suốt nhiều thế hệ. Đó là nơi văn hóa giao thoa cùng với sự kỳ diệu, bí ẩn đến kỳ vĩ của thiên nhiên và cũng từ đó biến đổi. Vậy đô thị di sản Hoa Lư – đô thị sinh thái Ninh Bình trong tương lai chắc chắn phải là một thành phố phát triển từ rừng, cùng với rừng tạo nên hệ thống những khu rừng, công viên, dải cây xanh xen kẽ và vành đai xanh bao quanh thành phố có khả năng đóng vai trò “lá phổi xanh” cho khu vực và cả vùng Thủ đô.
UNESCO còn đánh giá cao giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản Quần thể danh thắng Tràng An với tiêu chí V (là ví dụ nổi bật về truyền thống cư trú của loài người, truyền thống sử dụng tài nguyên đất hoặc biển, đại diện cho một (hay nhiều) nền văn hóa, hoặc quá trình tương tác giữa con người và môi trường, đặc biệt khi nó trở nên dễ bị tổn thương dưới tác động của những thay đổi không thể đảo ngược). Theo các chuyên gia ICOMOS (Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế), Tràng An là địa điểm nổi bật khu vực Đông Nam Á và trong thế giới rộng lớn hơn đã minh chứng cách thức con người tương tác với cảnh quan tự nhiên và thích ứng với những biến động lớn về môi trường trong thời gian 30.000 năm… Cố đô Hoa Lư là một chứng tích khảo cổ nổi bật và được lưu giữ tốt, thể hiện rõ nét về cuộc sống vào giai đoạn thế kỷ 10 quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Cố đô thể hiện tính liên tục của mối quan hệ mật thiết giữa cảnh quan và cư dân thời bấy giờ, với nguồn gốc của họ kéo dài về tận thời tiền sử. Từ đó suy ra, đô thị di sản Hoa Lư cần được xây dựng dựa trên nền tảng di sản các làng cổ của khu di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.
Di sản văn hóa làng (di sản làng xã) là một chỉnh thể văn hóa bao gồm: (i) Cảnh quan văn hóa là kết quả được hình thành qua hoạt động, tác động, thích ứng của cộng đồng cư dân với môi trường thiên nhiên trong một không thời gian xác định; (ii) Quỹ kiến trúc của làng xã hay không gian nhân tạo do con người thiết lập trong môi trường thiên nhiên để phục vụ nhu cầu cư trú và sản xuất; (iii) Các hoạt động của cộng đồng làng xã trong việc sáng tạo, thực hành, duy trì và trao truyền các giá trị văn hóa liên tục qua nhiều thế hệ. Và bằng phương thức đó, cộng đồng tích lũy được kiến thức, hành vi và kỹ năng sống nhờ thế mà năng lực văn hóa cũng như vị thế, địa vị xã hội của các thành viên không ngừng được nâng cao. Đó cũng là “vốn văn hóa” mà cộng đồng chung tay vun đắp qua nhiều đời; (iv) Đức tin tôn giáo, tín ngưỡng và tính thiêng trong đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, thờ cúng tổ tiên là hạt nhân cố kết, củng cố ý thức liên kết cộng đồng, tạo ra “vốn xã hội” tài sản tinh thần quý giá của làng xã.
Các làng cổ hiện nay chính là một bộ phận “thị thành” trong cấu trúc của kinh đô xưa. Từ góc nhìn hiện đại, làng là hình thức cư trú đặc trưng của cư dân nông thôn Việt Nam. Ban đầu, làng hình thành dựa trên mối quan hệ huyết thống và cộng đồng theo kiểu tự quản, tự cung, tự cấp với sản xuất nông nghiệp và thủ công là chính. Qua quá trình phát triển, làng có nhiều biến đổi từ mô hình cư trú hướng nội, khép kín đến hướng ngoại và mở để thích ứng với nhu cầu của đời sống, trong đó có những biến đổi theo hướng tích cực và cả những biến đổi theo hướng tiêu cực. Đặc điểm này cũng rất đúng với điều kiện chung của các làng cổ trong khu vực cố đô Hoa Lư.
Giá trị kiến trúc truyền thống khu vực cố đô Hoa Lư được nhận diện ở các mặt: (i) Giá trị cảnh quan làng, (ii) Giá trị về không gian kiến trúc (đường làng, ngõ xóm được hình thành dựa theo địa thế tự nhiên của dòng sông, sườn núi mà không theo quy tắc hình học nào cả), trong đó đáng kể nhất là các công trình kiến trúc và không gian công cộng như các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng, giếng làng và chợ làng, (iii) Giá trị về không gian cư trú truyền thống. Trong khu vực cố đô hiện tồn các khuôn viên nhà ở gia đình với nếp nhà ở chính, nhà phụ, ao và vườn trước, vườn sau nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc sống trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới.
03 khái niệm Đô thị di sản, đô thị sinh thái và di sản làng xã cùng nội hàm của chúng cần được nghiên cứu và vận dụng để tạo nên và duy trì sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển đô thị theo đúng định hướng quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 04/3/2024.
BẢO TỒN KHU DI SẢN THẾ GIỚI QUẦN THỂ DANH THẮNG TRÀNG AN – NINH BÌNH PHỤC VỤ MỤC TIÊU XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN “ĐÔ THỊ DI SẢN HOA LƯ” VỚI TƯ CÁCH LÀ MỘT THÀNH PHỐ SỐNG ĐỘNG, AN TOÀN, BỀN VỮNG VÀ HẤP DẪN
Việc bảo tồn Khu di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An gắn với phát triển du lịch bền vững phải nhằm phục vụ các mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch phát triển tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là: Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, động lực để đưa tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững. Đến năm 2030 là tỉnh khá, cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng, cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, một trong những trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Đông Nam Á…!
Tiếp theo, việc bảo tồn Khu di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An còn phải hướng tới những mục tiêu cụ thể được xác định rõ trong nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Khu danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tràng An – Tam Cốc – Bích Động, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với 4 mục tiêu lớn là:
(1) Bảo tồn giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản, cụ thể hóa những chiến lược, định hướng phát triển của tỉnh Ninh Bình, thực hiện cam kết của Việt Nam với UNESCO trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
(2) Bảo tồn di sản kết hợp hài hòa với phát triển bền vững, đưa Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình trở thành một trong nhưng khu du lịch hấp dẫn của Việt Nam và quốc tế, động lực phát triển của tỉnh Ninh Bình và khu vực đồng bằng Bắc bộ.
(3) Xác định ranh giới khoanh vùng bảo vệ di tích, xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất cho các khu vực, tổ chức không gian, bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
(4) Tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai và phê duyệt, quản lý quy hoạch, dự án, xây dựng cơ chế, chính sách, thu hút nguồn lực đầu tư, phát huy vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản.
Ngoài ra, Khu Danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình đã được UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản thế giới theo tinh thần Công ước 1972. Do đó, việc bảo tồn di sản phải tuân thủ các điều khoản của Công ước, đồng thời phải thực hiện nghiêm túc các cam kết của Việt Nam trước UNESCO và nội dung của kế hoạch quản lý Khu di sản thế giới mà UBND tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt, trong đó có đặt ra mục tiêu cơ bản là: mục đích của kế hoạch quản lý là nhằm bảo đảm các giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa, thiên nhiên và các thuộc tính của Khu di sản được quản lý hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn di sản thế giới. Cùng với đó là tính cấp thiết phải đảm bảo các điều kiện về tỉnh toàn vẹn và xác thực của khu di sản được giữ gìn trong thời gian dài. Kế hoạch quản lý cung cấp khuôn khổ pháp lý để các cơ quan quản lý và các bên liên quan đưa vào trong các quyết sách, nhằm đạt được mục tiêu quản lý, kỳ vọng và lợi ích chung, giảm thiểu thiệt hại đến khu di sản từ những áp lực và mối đe dọa hiện tại hoặc tiềm tàng.
Việc kết nối để đạt được những mục tiêu căn bản đặt ra trong 03 văn bản mang tính chất pháp lý và khoa học nêu trên, chúng ta cần triển khai đồng bộ các hoạt động trên cơ sở hai lý thuyết: thực hành sinh thái bền vững và bảo tồn bền vững di sản văn hóa.
Thực hành sinh thái bền vững đặt ra yêu cầu, công tác quy hoạch và thiết kế đô thị di sản thiên niên kỷ đặc trưng Hoa Lư phải dựa căn bản trên nguyên tắc “Thiết kế dựa vào tự nhiên” hay “trí tuệ sinh thái của lan McHarg”. Thiết kế quy hoạch dựa vào tự nhiên đòi hỏi kiến trúc sư – nhà quy hoạch phải hiểu rõ điều kiện môi trường sinh thái và lợi thế tự nhiên của Ninh Bình để lập quy hoạch một đô thị tương lai có quy mô 21.000ha, trong đó tổng diện tích hai khu vực bảo vệ (vùng lõi và vùng đệm) của khu di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An là 12.000ha với vùng lõi có hơn 6.000ha. Lợi thế tự nhiên và trí tuệ sinh thái về vùng đất Ninh Bình cho phép các nhà quy hoạch áp dụng lý thuyết “thích nghi sáng tạo”, tiếp cận thiết kế được dẫn dắt bởi thiên nhiên, hiểu theo nghĩa là tôn trọng tối đa môi trường tự nhiên – đa dạng sinh học – cảnh quan thiên nhiên sẵn có ở Ninh Bình.
Vậy, chúng ta hãy nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc quy hoạch đô thị sinh thái vào trường hợp đô thị di sản thiên niên kỷ đặc trưng Hoa Lư là: (i) Xâm phạm ít nhất tới môi trường thiên nhiên, (ii) Đa dạng hóa tối đa việc sử dụng đất, chức năng đô thị và các hoạt động khác, (iii) Trong điều kiện có thể, có giữ cho hệ sinh thái đô thị được khép kín và tự cân bằng, (iv) Giữ cho phát triển dân số đô thị và tiềm năng môi trường được cân bằng một cách tối ưu.
Khu di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An có quy mô 12.000ha chiếm hơn một nửa diện tích đô thị di sản Hoa Lư, vì thế, vấn đề bảo tồn bền vững di sản văn hóa cần được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong công tác quy hoạch đô thị di sản thiên niên kỷ đặc trưng Hoa Lư. Nhiệm vụ đó đòi hỏi Ninh Bình phải có những giải pháp đồng bộ cho việc bảo tồn bền vững di sản văn hóa:
(1) Bảo tồn bền vững di sản về mặt xã hội theo hướng tạo lập hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý nhà nước để di sản văn hóa không bị tách biệt khỏi các mặt hoạt động của đời sống xã hội, ngược lại phải được tôn trọng và có khả năng tồn tại ngay trong đời sống xã hội. Ngược lại được hòa nhập vào không gian sinh thái – nhân văn nơi di sản được sáng tạo và kế thừa;
(2) Bảo tồn bền vững di sản về mặt môi trường đặt ra yêu cầu thái độ ứng xử có văn hóa/đạo đức môi trường, tức là tôn trọng môi trường sinh thái – nhân văn như một hợp phần cấu thành giá trị của di sản. Đó cũng chính là giá trị cảnh quan văn hóa góp phần làm gia tăng sức hấp dẫn của di sản;
(3) Bảo tồn bền vững di sản về mặt kinh tế theo hướng thừa nhận và khẳng định mối quan hệ tương hỗ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển đô thị. Bảo tồn di sản góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, phát triển đô thị vì con người. Bảo tồn di sản văn hóa luôn gắn bó và phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa trong đó có du lịch bền vững trong lòng đô thị di sản thiên niên kỷ đặc trưng Hoa Lư;
(4) Bảo tồn bền vững di sản văn hóa về mặt khoa học – công nghệ theo hướng vận dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới nhất, kết hợp với kỹ thuật truyền thống để triển khai các dự án bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích nhằm duy trì và kéo dài “tuổi thọ” của các yếu tố nguyên gốc cấu thành giá trị di sản;
(5) Bảo tồn bền vững di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình phải phục vụ tích cực cho các mục tiêu lớn đặt ra trong Quy hoạch chung tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã phân vùng rất cụ thể các khu vực cần được bảo tồn và quản lý: (i) Các khu vực cảnh quan thiên nhiên cần được bảo vệ nghiêm ngặt tránh tác động của con người vào môi trường thiên nhiên, cảnh quan văn hóa trong khu vực nhằm bảo tồn nguyên trạng giá trị, tính toàn vẹn và xác thực của di sản; (ii) Các khu vực di tích lịch sử – văn hóa cần được bảo vệ (cố đô Hoa Lư và các di tích khác, các hang động di chỉ khảo cổ học); (iii) Các khu vực bảo tồn và sử dụng bền vững; (iv) Các khu vực cho phép phát triển du lịch, (v) Các khu vực cư dân.
Ngoài vùng lõi (khu vực bảo vệ 1) Khu di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, kế hoạch quản lý còn đặt ra yêu cầu quản lý vùng đệm (khu vực bảo vệ II) với các phân vùng cụ thể: (i) Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên; (ii) Bảo tồn cảnh quan nông nghiệp; (iii) Bảo tồn các di tích khảo cổ, (iv) Bảo tồn các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật truyền thống; (v) Bảo tồn các làng truyền thống và các giá trị văn hóa phi vật thể.
Từ những nội dung trình bày ở trên cho thấy, việc kết nối không gian văn hóa – xã hội giữa vùng lõi và vùng đệm của Khu di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ đặc trưng Hoa Lư đã trở nên rất cấp thiết và yêu cầu phải có sự phối hợp giữa các bên có liên quan: (i) Cơ quan quản lý nhà nước các cấp; (ii) Các nhà khoa học ở trung ương, địa phương và quốc tế; (iii) Cộng đồng cư dân địa phương (những người đang định cư trong khu di sản); (iv) Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch liên quan tới di sản; (v) Du khách trong nước và người nước ngoài với tư cách là người thụ hưởng, trải nghiệm và khám phá giá trị di sản. Tuy nhiên, ở đây cần nhấn mạnh hai mô hình hợp tác có hiệu quả là: mô hình hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa và các cộng đồng chủ thể văn hóa sống trong và liền kề di sản với tinh thần bảo tồn di sản “tại cộng đồng, dựa vào cộng đồng, do cộng đồng và vì cộng đồng” và mô hình hợp tác Công – Tư trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó du lịch di sản và du lịch sinh thái có vai trò đặc biệt quan trọng.
Hiện nay trong khu vực di sản có gần một chục doanh nghiệp đang đầu tư, hoạt động, khai thác các khu, điểm du lịch, khu nghĩ dưỡng phục vụ du lịch (Doanh nghiệp Xuân Trường, Doanh nghiệp Ngôi sao, Công ty dịch vụ du lịch Bích Động, Công ty Anh Nguyễn, Công ty Thương mại và dịch vụ Doanh Sinh, Công ty Cổ phần du lịch Tràng An, Làng Quần thể du lịch, Ninh Bình, Công ty du lịch Hang Múa) đều tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, du lịch sinh thái cộng đồng theo sát chủ trương xã hội hóa các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa của Đảng và Nhà nước. Do đó, việc xây dựng hệ thống văn bản, cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích từ phía các cơ quan quản lý nhà nước nhằm phát huy thế mạnh, tính tích cực của các doanh nghiệp tư nhân tham gia mô hình hợp tác Công – Tư trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị Khu di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong tiến trình xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ Hoa Lư là vô cùng cấp bách. Muốn xây dựng thành công đô thị di sản Hoa Lư – Đô thị vì con người, chúng ta phải luôn tâm niệm “con người chỉ thực sự hạnh phúc khi sống hài hòa cùng thiên nhiên”./.
PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia
bình luận