Hướng tới kỷ niệm ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4(25/04/2014)

Nền kiến trúc Việt Nam được đánh dấu bằng mốc lịch sử quan trọng từ những năm 30 của thế kỷ XX, với sự xuất hiện của một số Kiến trúc sư người Việt tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông dương. Lần đầu tiên, nước ta có và bắt đầu hình thành đội ngũ Kiến trúc sư. Và cũng từ đó, người Việt Nam bắt đầu làm quen với kiến trúc công trình ngầm và nổi qua bản những thiết kế.

Tháng 4 năm 1948, tại xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam, (tiền thân của Hội Kiến trúc sư Việt Nam ngày nay) được thành lập theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội nghị đã vinh dự được Bác Hồ gửi thư động viên và chỉ rõ:”Việc kiến trúc là một việc rất quan hệ….Những người làm kiến trúc phải tùy hoàn cảnh mà xây dựng tiết kiệm, tránh lãng phí. Làm cho hôm nay phải nghĩ đến tương lai, chú trọng đặc biệt tới vấn đề nhà ở tại thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền”.

Trong hơn 60 năm qua, kể từ khi nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, trải qua nhiều khó khăn thử thách, kiến trúc Việt Nam đã phát triển và  đạt được những thành tựu to lớn. Cả nước đã hình thành hệ thống với gần 800 đô thị với quy mô và các cấp độ khác nhau, bộ mặt kiến trúc cảnh quan tất cả các đô thị và các khu vực nông thôn toàn quốc không ngừng thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại. Đội ngũ Kiến trúc sư đã lớn mạnh nhanh chóng, đến nay cả nước đã có hơn 17.000 Kiến trúc sư, góp phần to lớn vào sự nghiệp kiến thiết đất nước và phát triển nền nghệ thuật kiến trúc Việt Nam hiện đại và giàu bản sắc.
Phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, ngành xây dựng Việt Nam trong đó có các Kiến trúc sư, đã góp phần đặc biệt quan trọng cho việc tạo lập ra nhiều khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng v.v… với hệ thống các công trình kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ. Kiến trúc sư Việt Nam bước đầu đã vươn lên để sáng tạo những tác phẩm kiến trúc không chỉ có quy mô lớn, phức tạp mà còn mang phong cách mới của thời đại.
Quy mô và khối lượng cơ sở vật chất là sản phẩm quy hoạch – kiến trúc trong 10 năm qua đạt được rất lớn, hình thành từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Định hướng quy hoạch tổng thể đô thị Việt Nam đến năm 2020” (Quyết định số 10 ngày 23/01/2002) và “Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020” (Quyết định số 112 ngày 03/9/2002). Đây là những cơ sở pháp lý và khoa học quan trọng định hướng cho quy hoạch – kiến trúc Việt Nam phát triển có mục tiêu và đúng định hướng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn về vật chất đã xây dựng được, toàn cảnh diện mạo kiến trúc hôm nay còn rất nhiều vấn đề phải có những giải pháp để giải quyết, khắc phục. Đó là:

– Sự thiếu đồng bộ trong phát triển kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Các đô thị phát triển nhanh nhưng kiến trúc manh mún, lộn xộn, nghèo nàn về hình thức và chưa tạo nên những nên các trường phái hay phong cách kiến trúc.

– Công tác quản lý và kiểm soát xây dựng theo kiến trúc, quy hoạch chưa hiệu, còn mang tính hình thức và thiếu sự thống nhất. Nền kiến trúc nước nhà đang có nguy cơ bị quốc tế hóa và mất dần bản sắc.

– Kiến trúc sư được đào tạo nhiều, nhưng không tinh, ít Kiến trúc sư giỏi. Trong xu thế hội nhập quốc tế, đội ngũ Kiến trúc sư nước ta thiếu sự chuẩn bị đầy đủ về hành trang để có thể hòa nhập cùng trong môi trường tác nghiệp khu vực và trên thế giới.

Kể từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định lấy ngày 27-4 hàng năm là Ngày Kiến trúc Việt Nam. Đây là một sự kiện có ý nghĩa lớn. Ngày Kiến trúc là dịp để xã hội quan tâm, động viên giới KTS, các nhà quản lý kiến trúc quy hoạch, nhà đầu tư, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tầng lớp nhân dân cùng đoàn kết, sáng tạo, tích cực tham gia xây dựng và phát triển nền kiến trúc Việt Nam hiện đại và bản sắc.

 

 

bình luận