Hà Giang: Hình thành liên kết chuỗi giá trị bền vững tại huyện Xín Mần(09/05/2023)
Huyện Xín Mần (Hà Giang) không có lợi thế về giao thông do đồi núi cao hiểm trở, địa hình phức tạp chia cắt, có độ dốc lớn khiến di chuyển gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với địa thế này lại tạo ra phong cảnh đa dạng, hấp dẫn đối với du khách. Bên cạnh đó, Xín Mần còn nổi tiếng với bản sắc văn hóa đa dạng của 16 dân tộc chung sống nơi địa đầu Tổ Quốc, với hệ thống di sản văn hóa đồ sộ, tài nguyên rừng phong phú. Do đó, cần sắp xếp lại không gian phát triển kinh tế tại huyện Xín Mần để biến những hạn chế thành cơ hội, tạo đột phá góp phần đưa Hà Giang phát triển nhanh, bền vững.
Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định một số đột phá, nhiệm vụ trọng tâm như ưu tiên phát triển 06 cụm ngành, lĩnh vực quan trọng; tập trung vào 4 trụ cột tăng trưởng. Trong đó xác định, huyện Xín Mần là một trong 4 cực phát triển với định hướng không gian phát triển kinh tế – xã hội sẽ tập trung phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch.
Vì vậy, cần hình thành liên kết chuỗi giá trị bền vững không chỉ từ những tour du lịch kết nối vùng lân cận, mà còn trong quá trình xây dựng thương hiệu nông nghiệp công nghệ cao an toàn, phát triển vành đai xanh của hệ thống rừng nhằm cải thiện môi trường sinh thái.
Dần hình thành tour du lịch kết nối vùng
Huyện Xín Mần là huyện vùng cao biên giới, nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Hà Giang, cách TP Hà Giang 146km. Trong đó, phía Bắc giáp ranh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; phía Đông giáp huyện Hoàng Su Phì; phía Tây giáp tỉnh Lào Cai; phía Nam giáp huyện Quang Bình.
Nơi đây có đồi núi cao hiểm trở, địa hình phức tạp chia cắt mạnh tạo thành các khe suối, có độ dốc lớn khiến giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, địa hình, địa thế này lại tao ra phong cảnh đa dạng, hấp dẫn đối với du khách, đem lại tiềm năng du lịch tham quan, dã ngoại.
Không chỉ đa dạng về cảnh quan, Xín Mần còn nổi tiếng với bản sắc văn hóa của đồng bào nơi địa đầu Tổ Quốc. Bởi khu vực này có 16 dân tộc cùng chung sống và mỗi dân tộc đều có một phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, bản sắc văn hóa riêng, thường được tổ chức vào các mùa trong năm như: Lễ hội tết Khu Cù Tê dân tộc La Chí; lễ hội Đình Mường dân tộc Tày; lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông; lễ hội Hoàng Vần Thùng; Đền Thần Hoàng dân tộc La Chí – Nùng; lễ cấp sắc của dân tộc Dao; lễ cúng rừng dân tộc Nùng – Mông;… Do đó, huyện Xín Mần đóng vai trò phát triển cho ngành du lịch của tỉnh Hà Giang cũng như vùng Tây Bắc.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 11 di sản văn hóa được công nhận, trong đó có 02 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia là Lễ hội tết Khu Cù Tê dân tộc La Chí xã Bản Díu và Lễ hội cúng rừng của dân tộc Phù Lá xã Nàn Xỉn; 05 danh lam thắng cảnh di tích lịch sử cấp Quốc gia là di tích khảo cổ bãi đá cổ Nấm Dẩn, danh lam thắng cảnh Thác Tiên – Đèo Gió, hang Thiên Thủy xã Nàn Ma, thác Luồng xã Nà Chì, thác Trăn xã Khuôn Lùng; 4 di tích cấp tỉnh là di tích lịch sử Nàn Ma, di tích lịch sử văn hóa Đình Mường xã Khuôn Lùng, Đền thần Hoàng Thị Trấn Cốc Pài và khu mộ Hoàng Vần Thùng xã Bản Díu.
Bên cạnh đó, huyện Xín Mần nằm trên tuyến đường tỉnh lộ 117, 178 nối tuyến đường QL.2 từ Bắc Quang – Hoàng Su Phì – Xín Mần – Quang Bình với trục đường quốc lộ 279; đã có đường ô tô đến trung tâm 18/18 xã, thị trấn, huyện đã xây dựng một số tour, tuyến du lịch từ trung tâm huyện đến các điểm du lịch trong huyện và kết nối với các huyện, tỉnh lân cận.
Về làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện đang duy trì hoạt động của 2 làng văn hóa du lịch tiêu biểu thôn Nà Ràng xã Khuôn Lùng và thôn Quảng Hạ xã Quảng Nguyên, có 21 gia đình tham gia hoạt động du lịch cộng đồng (Homestay) với nét văn hóa bản sắc truyền thống của dân tộc Tày.
Xín Mần cũng có nhiều làng nghề như: Nghề mây tre đan thôn Nà Ràng xã Khuôn Lùng; nghề thêu, dệt dân tộc Nùng U thôn Nấm Dẩn xã Nấm Dẩn; nghề chạm bạc thôn Đông Chứ xã Trung Thịnh; nghề chế biến chè thôn Bản vẽ xã Nà Chì; chè San Tuyết xã Chế Là…
Tuy nhiên, về đội ngũ lao động tại các điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ và hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của huyện vẫn còn hạn chế nên chưa thu hút được nhiều du khách và nhà đầu tư đến với Xín Mần.
Do đó, trong thời gian tới, huyện Xín Mần định hướng tiếp tục gìn giữ phát triển và trùng tu, bảo vệ các khu di tích, công trình lịch sử văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng theo Luật Di sản Văn hóa nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, giá trị tinh thần của người dân trong huyện, và thu hút du khách.
Trong những năm tới tôn tạo, bảo vệ các di tích lịch sử hiện có trên địa bàn huyện và quy hoạch, khai thác các tiềm năng du lịch của huyện như: Khu du lịch sinh thái Suối Thầu; danh lam thắng cảnh thác Trăn; danh lam thắng cảnh Khuổi Luồng; suối khoáng Nậm Choong; xây dựng và quy hoạch những điểm tham quan, vãn cảnh nhằm khai thác lợi thế về cảnh quan thiên nhiên của huyện để phát triển du lịch.
Thời gian vừa qua, du lịch cũng đã được các cấp chính quyền, ban ngành của huyện Xín Mần quan tâm, nhằm khai thác tốt tiềm năng về du lịch trên địa bàn huyện. Với điều kiện tự nhiên, thiên nhiên và cảnh quan, kết hợp với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và các lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện, tạo tiềm năng phát triển du lịch sinh thái có sự kết hợp quảng bá hình ảnh và một số nông sản của người dân. Đây là một thế mạnh cần được quan tâm khai thác trong thời gian tới.
Xây dựng thương hiệu nông nghiệp công nghệ cao
Khí hậu của huyện Xín Mần mang đặc điểm nhiệt đới gió mùa, tuy nhiên do nằm sâu trong lục địa nên ảnh hưởng của mưa bão mùa hè và gió Đông Bắc trong mùa đông ít hơn các nơi khác thuộc Bắc Bộ. Sương muối và mưa đá chỉ xuất hiện đột xuất, ít ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt.
Điều kiện khí hậu, địa hình, đất đai của huyện đa dạng cho phép có thể phát triển một nền nông nghiệp đa dạng từ các cây trồng nước đến cây trồng cạn ngắn ngày, cây lâu năm; từ các cây trồng, vật nuôi nhiệt đới đến cây trồng, vật nuôi Á nhiệt đới và ôn đới. Chế độ nhiệt đảm bảo đủ điều kiện để gieo trồng 2-3 vụ cây trồng cạn trong năm.
Về sản xuất nông nghiệp trong những năm qua đã có nhiều thay đổi, việc đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Đất đai vùng này có nhiều đồi núi xen kẽ với các thung lũng hình lòng máng phù hợp với nhiều loài cây ăn quả, cây công nghiệp và cây lương thực nên việc sản xuất của nhân dân vẫn chủ yếu là sức người.
Thời gian qua, huyện Xín Mần đã đưa các bộ giống tốt có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đối khí hậu để sản xuất hàng hóa, bền vững; chuyển đổi cơ cấu cây trồng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới.
Sản xuất nông sản theo hướng chuyên sâu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn an toàn, phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời, huyện tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản theo chuỗi giá trị như: Mật ong, Ý dĩ, chè Shan tuyết, trà mướp đắng rừng, miến dong, gạo Già dui, nếp Quảng Nguyên, mận, lê, hồng không hạt…; sản xuất theo hướng chuyên sâu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn an toàn, phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; khai thác hiệu quả các sản phẩm chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ, xây dựng thương hiệu, gắn truy suất nguồn gốc sản phẩm; thực hiện liên kết vùng để các sản phẩm đảm bảo đủ số lượng cung cấp ra thị trường.
Do địa hình của huyện phần lớn có độ dốc cao, đất trồng lúa phân bố rải rác trên địa bàn. Khả năng mở rộng đất trồng lúa từ các loại đất khác còn hạn chế. Vì vậy, tiềm năng đất trồng lúa của huyện trong những năm tới cần đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đưa vào sản xuất các giống lúa đặc sản để nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, việc kiên cố hóa kênh mương thủy lợi và xây dựng thêm các phai đập, hồ chứa khiến nhiều diện tích hiện đang cấy 1 vụ có thể chuyển sang cấy 2 vụ, nâng cao năng suất và sản lượng.
Trong thời gian tới, Xín Mần định hướng phát triển ngành nông nghiệp theo tiềm năng, lợi thế và đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán sản xuất của từng vùng trong huyện. Cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng chuyển dịch theo hướng đa canh, đa dạng hoá sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ. Tăng cường đầu tư thâm canh, ứng dụng các tiến bộ khoa học mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung có quy mô lớn, đưa các loại giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất để tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá. Tận dụng và bảo vệ vốn rừng nguyên sinh góp phần tích cực trong việc nâng cao mức sống và tăng thu nhập cho người dân.
Để thực hiện được mục tiêu trên, huyện Xín Mần sẽ duy trì diện tích đất trồng lúa nước để đảm bảo an ninh lương thực. Bảo vệ tốt các vùng lúa trọng điểm sản xuất lương thực tập trung ở các xã: Nàn Xỉn, Bản Díu, Thèn Phàng, Thu Tà, Quảng Nguyên, Nà Chì…
Bên cạnh đó, huyện Xín Mần tiếp tục duy trì diện tích các loại cây công nghiệp, cây đặc sản và cây ăn quả. Chủ yếu tại các xã: Bản Díu, Pà Vẩy Sủ, Thu Tà, Chế Là, Nấm Dẩn, Nà Chì, Khuôn Lùng…
Phát triển vành đai xanh cải thiện môi trường sinh thái
Hiện nay, huyện Xín Mần có diện tích đất lâm nghiệp là hơn 30 nghìn ha, trong đó, rừng sản xuất là hơn 13 nghìn ha và rừng phòng hộ là hơn 17 nghìn ha. Địa phương có tài nguyên rừng tương đối phong phú và đa dạng, tài nguyên rừng có vai trò hết sức quan trọng không chỉ trong phát triển kinh tế của huyện mà còn trong phòng hộ và bảo vệ cảnh quan môi trường, giảm nhẹ thiên tai, phòng chống xói lở, xâm thực và giúp giữ vững cân bằng sinh thái không chỉ cho huyện Xín Mần mà còn cho cả tỉnh Hà Giang.
Hiện nay, ngoài diện tích rừng hiện có, tiềm năng đất đai để phát triển lâm nghiệp của huyện Xín Mần chủ yếu được khai thác, mở rộng trên diện tích đất đồi núi chưa sử dụng. Yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần phủ xanh diện tích này, trồng rừng để cải thiện môi trường sinh thái, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp giấy, tạo công ăn việc làm cho người dân, đặc biệt là số lao động ở nông thôn miền núi.
Cần phát triển vành đai xanh quanh các khu, cụm công nghiệp và các khu đô thị mới nhằm bảo vệ và cải thiện môi trường.
Hàng năm cần tổ chức cho người dân trồng theo chương trình dự án 5 triệu ha rừng. Khó khăn trong công tác phát triển rừng là đất đai bạc màu, rừng phát triển chậm, chưa có cơ sở tạo giống quy mô lớn đáp ứng nhu cầu trồng rừng, nguồn vốn đầu tư cho công tác trồng rừng hàng năm thấp.
Những vùng đồi núi thấp tổ chức trồng rừng sản xuất, vùng cao trồng rừng phòng hộ, bảo vệ diện tích rừng đặc dụng cho mục đích du lịch sinh thái, bảo vệ nguồn gen. Chú ý phát triển vành đai xanh quanh các khu, cụm công nghiệp và các khu đô thị mới nhằm bảo vệ và cải thiện môi trường.
Thời gian qua, tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện đã từng bước có những chính sách hợp lý khuyến khích việc khai hoang cải tạo đất chưa sử dụng để mở rộng diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp; phủ xanh đất trống đồi núi trọc; bảo vệ và phát triển rừng nên diện tích đất nông, lâm nghiệp đã tăng lên đáng kể, môi trường sinh thái được cải thiện.
Thời gian tới, định hướng phát triển của huyện Xín Mần về lĩnh vực lâm nghiệp là tập trung bảo vệ vốn rừng hiện có, tu bổ, cải tạo diện tích rừng mới khoanh nuôi phục hồi để nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư sống bằng nghề rừng. Đồng thời, thực hiện chủ trương của Nhà nước về việc phát triển, mở rộng quy mô rừng sản xuất, cần có quy hoạch cụ thể các khu rừng phòng hộ ít xung yếu chuyển sang rừng sản xuất nhằm cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản.
Với định hướng đến năm 2030, khu lâm nghiệp là hơn 34 nghìn ha, phát triển rừng sản xuất đảm bảo chất lượng, hiệu quả cao, hình thành các vùng rừng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nhân giống cây lâm nghiệp và thâm canh, khai thác, khoanh nuôi tái sinh rừng./.
ThS.KTS Kiều Tiến Trung – Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Thiết kế đô thị, Viện Kiến trúc Quốc gia
bình luận