“Công viên hoàng thành” – Sự kết nối các yếu tố Bảo tồn – Cộng đồng và tiết kiệm năng lượng(18/06/2014)

“Công viên hoàng thành” – Sự kết nối các yếu tố Bảo tồn – Cộng đồng và tiết kiệm năng lượng16/06/2014

Cuộc thi Phương án Bảo tồn Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu do UBND Hà Nội tổ chức vừa qua đã thu hút được sự tham gia của nhiều đơn vị tư vấn thiết kế trong và ngoài nước. Tham gia cuộc thi này, phương án thiết kế (PATK)“Công viên Hoàng Thành” của Liên danh tư vấn Viện Kiến trúc Quốc gia (VIAr) với Boydens Engineering và NEY (Vương quốc Bỉ) đã đạt giải Nhì (không có giải Nhất), là một trong sáu phương án được chọn triển lãm lấy ý kiến rộng rãi của người dân thời gian qua. Đây là phương án đã nhận được sự đánh giá cao của Ban giảm khảo và đông đảo công chúng với những nội dung hướng đến sự đồng bộ các yếu tố bảo tồn – cộng đồng và tiết kiệm năng lượng. Nhân dịp này, Phóng viên Tạp chí Kiến trúc Việt Nam (PV) đã có buổi trao đổi với Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia Đỗ Thanh Tùng để bạn đọc hiểu rõ thêm vấn đề trên. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Pv: Phương án thiết kế “Công viên Hoàng Thành” của VIAr đã đạt giải Nhì, (không có giải Nhất) trong cuộc thi vừa qua. Là người đã gắn bó với công tác bảo tồn, trùng tu di tích kiến trúc lâu năm, nay trên cương vị là Viện trưởng, ông có thể chia sẻ góc nhìn chuyên môn của mình như thế nào về phương án thiết kế này?

Viện trưởng Đỗ Thanh Tùng:

Quy hoạch tổng thể mặt bằng khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu, Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 696/QĐ-TTg ngày 08/6/2012. Mục tiêu chính của quy hoạch bảo tồn Khu di tích 18 Hoàng Diệu với khu Thành cổ trở thành Công viên Văn hoá Lịch sử và để bảo tồn lâu dài các dấu tích kiến trúc, hiện vật, di chỉ khảo cổ học với những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu. Để hiện thực hoá mục tiêu trên, nhóm tác giả liên danh VIAr đề xuất phương án thiết kế kiến trúc với bề mặt phía trên khu di tích là một không gian công viên cây xanh, hòa nhập với kiến trúc cảnh quan tổng thể khu vực và đặc biệt tạo lập cho công trình quy mô lớn là nhà Quốc hội (diện tích xây dựng nhà quốc hội 11.560m2, chiều cao khoảng 39m đang được xây mới, chiếm gần 20% tổng diện tích toàn khu có diện tích xấp xỉ 60.320m2 giới hạn bởi 4 trục đường Hoàng Diệu, Độc Lập, Hoàng Văn Thụ và Bắc Sơn) có một không gian cảnh quan cao thấp tự nhiên, với cây xanh làm chủ đạo, tạo cảm thụ kiến trúc tốt, không lấn át các công trình nhỏ bé xung quanh. Có thể nói, giải pháp thiết kế đã kết nối được và làm hài hòa công trình nhà Quốc hội với các nhóm công trình lân cận trong khu vực Trung tâm Chính trị Ba Đình với điểm nhấn đặc biệt là lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài tưởng niệm liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.

Ý tưởng của phương án thiết kế không những đáp ứng các mục tiêu cụ thể mà còn là một sự sáng tạo mới mẻ với việc áp dụng các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại nhất để xử lý các vấn đề mang tính đặc thù của khu di tích. Phương án thiết kế đã đề xuất ra một giải pháp kết cấu hiện đại cho công trình, đáp ứng được các đòi hỏi để xây dựng cho công viên cảnh quan xanh phía trên mái, nhưng cũng đáp ứng được các đặc thù riêng về việc gìn giữ, bảo tồn và trưng bày lâu dài hệ thống các di tích khảo cổ học phân bố khá phân tán và phức tạp. Sử dụng hệ thống giàn không gian nhịp lớn hiện đại với mô đun tam giác, với khẩu nhịp giàn có thể đạt tới 30m, giải pháp kiết cấu cho phép tạo nên hệ kết cấu phi truyền thống, không cố định theo mô đun cứng nhắc mà tự do phát triển để giảm thiểu tối đa các tác động không mong muốn trong quá trình thi công xây dựng đối với hệ thống các di tích khảo cổ rất có giá trị đã được công nhận là Di sản thế giới.
Thông qua những nghiên cứu và giải pháp thiết kế tối ưu về chiếu sáng tự nhiên và ứng dụng giải pháp tổ chức hệ thống điều hòa không khí độc lập giữa khu vực khảo cổ, các tuyến khách tham quan và các không gian phụ trợ giúp giải quyết được vấn đề tiết kiệm năng lượng cũng như đảm bảo được các điều kiện tốt nhất cho khu vực khảo cổ.
Với các không gian nội thất. Về thiết kế trưng bày và chiếu sáng, phương án thiết kế nhấn mạnh sự tương phản tạo nên đặc trưng nhận diện của các phần không gian giữa khu vực khảo cổ và không gian khác, trong đó đặc biệt nhấn mạnh khu vực khảo cổ, tạo ra sự độc đáo của tổng thể kiến trúc công trình.

Pv: Với kết quả đạt được từ cuộc thi vừa qua, theo ông đâu là những yếu tố cơ sở để có được thành công trên?

Viện trưởng Đỗ Thanh Tùng: Kết quả cuộc thi đã đem lại vinh dự lớn đối với tập thể Viện Kiến trúc Quốc Gia (VIAr), nhưng chắc chắn không phải là điều quá mới mẻ so với thế mạnh và bề dày thành tích của Viện trong suốt quá trình 30 năm hình thành và phát triển. Với thành công lần này, tôi đánh giá cao sự nỗ lực của nhóm tác giả trực tiếp thực hiện phương án. Đòi hỏi khắt khe về kiến trúc cho khu di tích đã thúc đẩy sự sáng tạo mạnh mẽ để nhóm đưa ra được các giải pháp hợp lý, một sự ứng xử nhân văn trong việc gắn kết công trình và làm nổi bật các giá trị tự thân của khu di tích.

Được Bộ Xây dựng quyết định tái thành lập từ tháng 10/2013, tiền thân là Viện Tiêu chuẩn hóa xây dựng, đến nay Viện Kiến trúc Quốc gia (VIAr) đã đảm nhận nhiệm vụ tiếp nối, phát huy vai trò là đơn vị đầu ngành của Bộ Xây dựng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và ứng dụng về lĩnh vực kiến trúc quy hoạch. Với quá trình hình thành và phát triển gần 30 năm, mặc dù phải trải qua nhiều thăng trầm, nhưng đến nay, những kết quả đã đạt được của Viện vẫn rất đáng được ghi nhận.
Viện đã có nhiều đóng góp trong công tác quản lý nhà nước, công tác thiết kế và nghiên cứu khoa học với việc nghiên cứu, soạn thảo văn bản pháp luật phục vụ ngành Xây dựng, tham gia nhiều công trình nghiên cứu, dự án thiết kế kiến trúc, bảo tồn cấp quốc gia trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, lực lượng đông đảo các cán bộ khoa học của Viện được kế thừa bề dày truyền thống lâu đời, được vun đắp và đúc kết qua nhiều thế hệ các nhà khoa học, kiến trúc sư. Hiện nay, đội ngũ cán bộ Viện cũng đang được đổi mới toàn diện, tiếp nhận và bổ sung nhiều cán bộ khoa học trẻ có năng lực, được đào tạo bài bản về chuyên ngành kiến trúc – quy hoạch từ nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Với một sức trẻ và nhiệt huyết trong công việc, có thể khẳng định, đội ngũ những cán bộ Viện kiến trúc Quốc gia hiện nay có thể đảm nhận và đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi khắt khe của các công trình tầm cỡ quốc gia.
Riêng phương án thiết kế Bảo tồn Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, ngoài đáp ứng các yêu cầu về kiến trúc cảnh quan, ưu tiên hàng đầu giải quyết và đáp ứng tốt các yêu cầu khảo cổ học, cần hướng tới phát huy tối đa hệ thống các giá trị của các di tích vào đời sống xã hội. Bằng chính những kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của tập thể lãnh đạo và cá nhân trong Viện, có bề dày kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, tư vấn thiết kế nhiều đồ án, dự án về bảo tồn các di tích, di sản quốc gia tại một số tỉnh thành trên khắp cả nước như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh… phương án thực sự đã thể hiện rõ và phát huy tốt những thế mạnh của Viện trong lĩnh vực bảo tồn nói riêng và kiến trúc quy hoạch nói chung tại một cuộc thi mang tầm vóc quốc gia như cuộc thi Bảo tồn Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu lần này.

 

PV: Tiếp theo, với Khu vực Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu nói chung và đồ án “Công viên Hoàng Thành” nói riêng, Viện trưởng có mong muốn gì?

Viện trưởng Đỗ Thanh Tùng: Quy hoạch tổng thể mặt bằng khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu, Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 696/QĐ – TTg ngày 08/6/2012 và việc tổ chức cuộc thi Phương án thiết kế bảo tồn ở tầm quốc tế vừa qua đã khẳng định vị thế, vai trò quan trọng của công trình này. Để có sự hiện diện tiếp nối cho lịch sử trên mảnh đất này, công việc tiếp theo còn bộn bề nhưng đó là việc làm ý nghĩa và cần thiết. Đây cũng là sự mong mỏi, chờ đợi không chỉ của riêng tôi mà còn là của toàn thể nhân dân cả nước.

Chặng đường tiếp theo, chúng ta rất cần có sự lựa chọn, quyết định một cách chính xác, khách quan để có một đồ án phù hợp, có ý nghĩa, phát huy cao giá trị của khu đất lịch sử này. Đồng thời cần tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ và thành phố Hà Nội.
Phương án thiết kế “Công viên Hoàng Thành” đã đặt ra việc nghiên cứu đồng bộ các yếu tố: Bảo tồn – Cộng đồng – Tiết kiệm năng lượng. Tên gọi của Phương án cũng thể hiện kỳ vọng của chúng tôi về sự tiếp nối của lịch sử, gắn kết chặt chẽ giữa quá khứ và hiện tại, đồng thời tạo nên sức sống mới, phù hợp với vai trò và đảm bảo chức năng trong tổng thể các công trình lân cận của khu vực Ba Đình lịch sử. Tuy nhiên, để trở thành hiện thực, phương án thiết kế này còn tiếp tục hoàn thiện ở các bước triển khai thiết kế chi tiết tiếp theo.
Chúng tôi hy vọng VIAr sẽ tiếp tục được đóng góp công sức và trí tuệ cho sự hiện diện mới của một công trình thực sự có ý nghĩa và giá trị trên mảnh đất lịch sử này.

Pv: Trân trọng cảm ơn Viện trưởng!

bình luận