Câu chuyện bản sắc trong thiết kế đô thị(18/05/2015)

“Bản sắc” của một nơi chốn là những đặc điểm nội tại, nổi trội và đặc sắc của địa điểm, có thể nhận biết và cảm nhận được bởi số đông, giúp chúng ta phân biệt được nơi này với những nơi khác. Mặc dù sự cảm nhận của mỗi người về nơi chốn mang tính chủ quan và có thể khác nhau giữa người này và người khác, nhưng những gì thuộc về bản sắc phải là những điểm chung, được đồng cảm, ghi nhận bởi số đông. Do vậy, bản sắc có thể được coi là sự tương đồng và thống nhất về cảm nhận của mọi người về một nơi chốn. 

Cây-xanh-mặt-nước-là-một-phần-tạo-nên-bản-sắc-cho-Hà-Nội

Cây xanh mặt nước là một phần tạo nên bản sắc cho Hà Nội

ĐẶT VẤN ĐỀ
Đi nhiều, thấy nhiều, nghe nhiều và cảm nghiệm … nơi đâu cho ta một “dấu ấn” trong khí ức, một cảm nhận rõ nét cái “chất” địa phương là ta thích thú, tâm đắc và lưu nhớ. Ngược lại, sẽ là một sự bàng bạc, tiếc nuối và thậm chí hụt hẫng nếu đi qua rồi nhưng không có gì đọng lại, và lãng quên. Sự tiếc nuối này gợn lên chính từ sự thiếu vắng “bản sắc địa phương” – Một chủ đề thú vị nhưng đầy trăn trở đối với các kiến trúc sư, các nhà quản lý.
“Bản sắc” không phải là câu chuyện MỚI, nếu không muốn nói là đã CŨ, nhưng lại không đủ KỸ. Nó thậm chí đã trở thành từ khóa khi xuất hiện trong một văn kiện có tính chỉ đạo bao quát tầm quốc gia là Nghị quyết T.Ư 5 Khóa VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1999, khẳng định quyết tâm “Xây dựng và phát triển nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Cũng từ đó mà cụm từ “bản sắc” đã được nhắc đến, trích dẫn, và nhấn mạnh trong các phát biểu, các tài liệu, các văn bản định hướng cho sự phát triển kiến trúc và đô thị của Việt Nam nói chung và của các địa phương nói riêng. Tuy nhiên, thuật ngữ này đang sử dụng nhiều đến mức gây nhàm chán và trở thành “sáo ngữ”, trong khi ý nghĩa trong sáng của nó trở nên mờ nhạt, và “bài toán gốc” về bản sắc đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng, thiết thực.
Những năm đầu khi nền kinh tế vừa khởi sắc, chúng ta quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển về lượng: làm sao để thành phố rộng hơn, nhiều công trình cao hơn, hình ảnh đô thị hoành tráng hơn; sự hiện đại, uy nghi, sừng sững thường mang đến lại những xúc động mạnh mẽ. Giờ đây, sau hơn 20 năm phát triển, với hơn 700 đô thị lớn nhỏ, đã rất nhiều thành phố rộng hơn, kiến trúc cao hơn, các đại lộ to hơn, nhưng những đặc điểm hay dấu tích để nhận ra nó là chính nó lại trở nên mờ nhạt hoặc biến mất. Rất nhiều vị lãnh đạo Trung Ương và địa phương đã nhận thức mạnh mẽ hơn ý nghĩa của vấn đề “bản sắc” trong phát triển nói chung và trong quy hoạch kiến trúc nói riêng. Nỗi trăn trở về bản sắc vùng miền và tạo dựng nét riêng cho từng đô thị vẫn còn đó, mạnh mẽ và thôi thúc.
Bài viết này xoay quanh 3 câu hỏi căn bản: “Bản sắc là gì?”; “Làm sao nhận diện được bản sắc?” và “Tạo dựng bản sắc như thế nào?” nhằm làm rõ các lý luận và thực tiễn cơ bản về bản sắc, được viết thành ba phần chính: (1) tổng quan những khái niệm, (2) phân tích những yếu tố cấu thành “bản sắc đô thị” và (3) những trao đổi thực tiễn. Hy vọng, những nội dung trong bài sẽ là cơ sở ban đầu cho một cách tiếp cận bài bản, nhằm góp phần làm rõ nét bản sắc cho các đô thị Việt Nam.

NHỮNG KHÁI NIỆM
Từ khoảng đầu những năm 1960, một lĩnh vực nghiên cứu đa ngành về “nhận thức môi trường” (environmental perception) đã hình thành và phát triển ở các nước phương Tây; cho đến nay đã đóng góp cho nhân loại một khối lượng tri thức đáng kể về cách thức và quy luật cảm nhận và cảm thụ không gian của con người. Xu hướng nghiên cứu này ra đời và tiến triển cũng có nguồn cơn của nó. Chủ nghĩa hiện đại (Modernism) đã thống lĩnh nền kiến trúc và đô thị thế giới trong khoảng nửa đầu thế kỷ XX, với những giải pháp không gian mang tính “mô hình hóa”, được xem là lời giải chung, hiệu quả, có thể áp dụng mọi chỗ mọi nơi, bỏ qua hoàn toàn những khác biệt về địa điểm và văn hóa. Trong Chủ nghĩa hiện đại, không có khái niệm bản sắc vùng miền và nơi chốn. Quan điểm thuần công năng này trên thực tế đã bộc lộ rất nhiều bất cập, không đáp ứng được nhu cầu của con người. Dòng nghiên cứu environmental perception đã cung cấp những căn cứ sắc sảo để phản biện và điều chỉnh những tín điều cứng nhắc của Chủ nghĩa hiện đại, đưa vấn đề cảm nghiệm môi trường thành một chủ để cốt lõi của các phương pháp nghiên cứu thực hành quy hoạch và thiết kế đô thị tiên tiến.
Một trong những nghiên cứu đầu tiên bắt đầu với mối quan tâm đến hình ảnh (image) môi trường phản ánh trong trí óc của con người, do Kevin Lynch khởi xướng và thực hiện. Sau này những nghiên cứu của ông đã được biên tập thành các ấn phẩm nổi tiếng và có giá trị như sách gối đầu giường của các KTS và nhà TKĐT như “The image of the cit” (1960), “Managing the Sense of a Region” (1976), hay “Good City Form” (1981) và “City Sense and City Design: Writings and Projects of Kevin Lynch” (1990). Tiếp theo Lynch, phải kể đến nghiên cứu của Edward Relph đã được viết thành cuốn “Place and Placelessness” (1976), tập trung vào những trải nghiệm tâm lý của con người đối với địa điểm; nghiên cứu của Yi-fu Tuan trong “Space and Place: The Perspective of Experience” (1977).
Ở đây, cần nhấn mạnh sự thay đổi căn bản trong phương pháp luận. Trong những nghiên cứu trên, CON NGƯỜI (chứ không phải không gian) là khách thể nghiên cứu và QUY LUẬT CẢM NGHIỆM của họ (chứ không phải không gian) là đối tượng của nghiên cứu. Điều này khác hẳn với cách tiếp cận trước đây, tập trung vào KHÔNG GIAN vừa là khách thể và đối tượng. Cũng từ kết quả của những nghiên cứu đó, kho tàng tri thức chung của nhân loại về lĩnh vực đô thị học và thiết kế đô thị xuất hiện một loạt các thuật ngữ như: “place’, ‘sense of place”, “spirit of place” , “place’s identity”, “genius loci”, “authetic place” hay các khái niệm đối ngược như “placelessness”, “lost of place”, hay các khái niệm mở rộng như “invented place”; đều có liên quan đến chủ đề mà chúng ta quan tâm ở đây: BẢN SẮC.
Place – “Nơi chốn”: Ta thường nói “nơi chôn rau cắt rốn của ta”, “nơi ta sinh ta và lớn lên”, “nơi ta gặp em” thay vì dùng từ “địa điểm”, hay “chỗ” xảy ra những điều trên. Hiểu một cách rất đơn giản, “nơi chốn” là khái niệm chỉ một địa điểm (location) hay không gian (space) đã được gửi gắm cảm xúc của chủ thể vào trong đó. “Nơi chốn” là địa điểm đã được gán nghĩa (Relph, 1976). Mặc dù những cảm xúc này mang tính chủ quan nhưng sự xuất hiện cảm xúc lại là một hiện thực khách quan mà chúng ta cần nghiên cứu. Thích, không thích, hài lòng, khó chịu đối với thành phố này, địa phương kia chính là các trạng thái cảm xúc.
Theo Relph đã phân tích trong cuốn sách “Place and Placelessness”, “nơi chốn” là một khái niệm cấu thành bởi 3 yếu tố chính, đó là:
– Môi trường không gian (đặc trưng vật thể);
– Con người và hoạt động của họ trong không gian (đặc trưng xã hội); – Ý nghĩa hay cảm nhận mà người quan sát gán cho không gian đó (đặc trưng tinh thần).
Có thể mường tượng ra “nơi chốn” là một bối cảnh có các sự kiện, các đối tượng và các hoạt động trong không gian. Nó khác với khái niệm địa điểm thông thường ở chỗ ý nghĩa địa lý của nó được liên hệ chặt chẽ với không gian thực thể và không gian xã hội (cả trong quá khứ và hiện tại) và được phản ánh qua tư duy của con người. Về mặt thực thể, nơi chốn gồm cả những yếu tố tự nhiên và những yếu tố nhân tạo như công trình, vật kiến trúc. Nó là một tổng thể hòa quyện gồm những yếu tố rất cụ thể như vật chất, vật liệu, hình dạng, kết cấu, màu sắc và không gian. “Nơi chốn” quan trọng hơn những công trình kiến trúc riêng biệt. Tất cả quyết định đặc điểm và tinh thần của nơi chốn ấy.
Việc cảm nghiệm sâu một nơi chốn trải qua ba giai đoạn nhận thức: cảm nhận về nơi chốn (sense of place), ý nghĩa của nơi chốn (spirit of place) và bản sắc của nơi chốn (identity of place).
Ngược với khái niệm “nơi chốn” (place) là khái niệm “placeless” hay “placelessness” hay “lost of place” – tạm dịch là “phi nơi chốn”, chỉ những không gian không có đặc điểm riêng, những địa điểm được tạo ra nhưng không có bất cứ liên hệ hay tham chiếu nào với những đặc trưng gốc của khung cảnh tự nhiên hay văn hóa địa phương. Đó là những không gian có thể thấy ở bất cứ đâu, tức là “không ở đâu cả” (lost of place). Ví dụ dễ hình dung cho kiểu không gian này là chuỗi các cửa hàng KFC, hay Lẩu băng chuyền Kichi được thiết kế với ngôn ngữ thống nhất mọi nơi mọi chỗ, hay chuỗi các siêu thị có thương hiệu như Big C, Fivi Mart, Ocean Mart, các trung tâm thương mại được thiết kế và đầu tư hoàn toàn giống nhau và theo chuẩn. Hiểu về “placelessness” giúp chúng ta rõ hơn về “place’” – “nơi chốn”. Một trong những luận điểm quan trọng nhất của TKĐT đương đại (theo Post Modernism) là “nơi chốn mới là quan trọng nhất” (place matters the most) và “phi nơi chốn” là điều cần tránh.
Sense of place – “Cảm nhận nơi chốn”: Steele (1981) đã mô tả cảm nhận về nơi chốn như những trải nghiệm đặc biệt của một người trong một bối cảnh nhất định. Cảm nhận về nơi chốn là một khái niệm có tính tương tác khi mà một người đi vào trong một khung cảnh, tiếp xúc với nó và hình thành một mối quan hệ tương tác. Các mối quan hệ tương tác này bao gồm cảm xúc, nhận thức và hành vi. Nó bao gồm cả những trải nghiệm có ý thức và những ảnh hưởng vô thức làm cho con người chống lại những yếu tố nhất định trong nơi chốn đặc biệt.
Một cách khác, Garnham (1985) xác định những yếu tố tạo cho khu vực một cảm nhận đặc biệt về nơi chốn. Ví dụ phong cách kiến trúc, giá trị con người, khung cảnh tự nhiên duy nhất. Trong bối cảnh của nghiên cứu này, khi con người tham quan các nơi chốn, họ luôn mang những tâm trạng khác nhau khi trải nghiệm, ví dụ như động lực, văn hóa lối sống, tâm trạng khác nhau khi trải nghiệm trong quá khứ và những mong đợi, chính những tâm trạng này đã tạo nên những cảm nhận khác nhau của từng người. Tuy nhiên, một nơi chốn với những đặc trưng mạnh mẽ có thể sẽ mang lại những cảm nhận giống nhau đối với tất cả những người đến nơi đó. “Có thể nhận thấy”, “có cảm nhận về” là yếu tố nền tảng của “nơi chốn” và ở mức độ mạnh hơn là “ý nghĩa” và “bản sắc” của nơi chốn.
Spirit of place – “Ý nghĩa nơi chốn” – là khái niệm phản ánh mức độ gắn bó sâu sắc và rõ rệt về cảm xúc của con người đối với một nơi chốn. Ý nghĩa nơi chốn có thể hiểu được bằng cách hiểu biết các yếu tố nền tảng tạo cho một cá nhân một kinh nghiệm tích cực hoặc là trải nghiệm có tính chất lâu dài và thường xuyên với địa điểm.
Identity of place – “Bản sắc của nơi chốn”: “Bản sắc” của một nơi chốn là những đặc điểm nội tại, nổi trội và đặc sắc của địa điểm, có thể nhận biết và cảm nhận được bởi số đông, giúp chúng ta phân biệt được nơi này với những nơi khác. Mặc dù sự cảm nhận của mỗi người về nơi chốn mang tính chủ quan và có thể khác nhau giữa người này và người khác, nhưng những gì thuộc về bản sắc phải là những điểm chung, được đồng cảm, ghi nhận bởi số đông. Do vậy, bản sắc có thể được coi là sự tương đồng và thống nhất về cảm nhận của mọi người về một nơi chốn.
Từ những phân tích trên, ta có thể chốt lại những nội dung lý luận cơ bản sau:
– “Nơi chốn” là một địa điểm được gán nghĩa hay có cảm xúc (với một chủ thể nào đó).
– Đã nói đến “nơi chốn” là nói đến cảm nhận của con người đối với địa điểm thông qua 3 yếu tố đặc trưng: không gian, con người và ý nghĩa. Sự cảm nhận này càng rõ thì ta có “cảm nhận nơi chốn” (sense of place) hay “hồn nơi chốn”.
– Sự cảm nghiệm rõ nét và mạnh mẽ và sâu sắc thì ta được có “ý nghĩa của nơi chốn” hay “tinh thần nơi chốn” (spirit of place).
– Và sự cảm nghiệm này vừa mạnh mẽ, rõ rệt, vừa có sự tương đồng giữa các chủ thể khác nhau, hay được ghi nhận bởi số đông, thì ta sẽ có ‘bản sắc’ của nơi chốn.

NHỮNG YẾU TỐ CẤU THÀNH NÊN “NƠI CHỐN” VÀ “BẢN SẮC”
Như chúng ta đã biết không gian – con người – và ý nghĩa là 3 thành phần cơ bản tạo nên nơi chốn. Nói cách khác “đặc trưng vật thể”, “đặc trưng xã hội” và “đặc trưng tinh thần” là 3 đặc trưng cơ bản tạo nên “nơi chốn” và “bản sắc” của nó. Nhưng quan trọng hơn cả chính là mối liên hệ và gắn kết giữa chúng chứ không phải sự tồn tại độc lập của từng thành tố. Thật vậy, “địa điểm, con người, thời gian và hoạt động của con người trong địa điểm đó là một thể thống nhất không thể tách rời”.
Đặc trưng vật thể: Đặc trưng vật thể là dễ nhận diện nhất. Trong các giác quan, thị giác là giác quan đặc biệt quan trọng liên quan đến cảm xúc của chúng ta vì hình ảnh có khả năng gây ấn tượng và cảm xúc mạnh mẽ. Nhìn chung, chúng ta đều xúc động, hưng phấn và lưu luyến trước cái đẹp. Hiện thực khách quan này đã dẫn tới một nhầm lẫn lớn thường thấy ở Việt Nam. Thứ nhất là chủ nghĩa “duy mỹ” thuần túy trong quản lý và tạo dựng không gian đô thị, chú trọng thái quá tới vỏ kiến trúc và không gian và bỏ qua hoàn toàn hai đặc trưng kia. Song song là sự ngộ nhận của các nhà quản lý quy hoạch kiến trúc và các KTS rằng họ có vai trò lớn lao và độc nhất trong việc tạo dựng bản sắc cho thành phố thông qua các can thiệp không gian. Trên thực tế, khung cảnh kiến trúc, dù có ấn tượng đến mấy nhưng nếu không có sự hiện diện của con người và hoạt động của họ cũng chỉ như những khối vật chất vô hồn, như sự tạo cảnh ở phim trường.
Đặc trưng xã hội: Thành tố thứ hai là con người và sinh hoạt của con người cũng có thể dễ dàng quan sát và cảm nhận thấy. Sự hiện diện của con người và những hoạt động của họ như: mua bán, ăn uống, lao động, giao tiếp, đi lại, vui chơi trong không gian là yếu tố quyết định sức sống của không gian và nó trở thành yếu tố then chốt đối với vấn đề không gian đô thị. Một ví dụ sống động về một “nơi chốn rất có hồn” là chợ quê. Chợ quê mỗi làng quê nào cũng có, thường được họp trên những khoảng đất trống hoặc dọc theo một đoạn đường chính của làng, là nơi trao đổi mua bán nông sản, hàng hóa, thông tin của dân làng. Chợ họp rất sớm rồi vãn dần vào tầm trưa. Chợ quên cho ta hình dung về một không gian đậm chất văn hóa nông thôn Việt Nam, bao gồm cả đặc điểm của địa điểm như các dãy hàng mái che đơn sơ, hàng hóa – con người, trang phục, các hoạt động mua bán trò chuyện ăn quà … Trong trường hợp này, sự hiện diện của con người và hoạt động của họ, có ý nghĩa căn bản trong việc xác lập hình ảnh có tính điển hình hay đặc trưng về chợ quê trong tâm trí chúng ta, dần dần hình thành nên một nơi chốn đậm ý nghĩa, rất có hồn và giàu bản sắc. Mặc dù quan trọng như vậy, nhưng ở nước ta, khía cạnh xã hội của không gian rất thường bị xem nhẹ hoặc hoàn toàn bỏ qua. Dẹp chợ dân sinh để thay thế bằng các trung tâm thương mại cao cấp dưới chủ trương “xây dựng hình ảnh văn minh đô thị” chính là một trong những biểu hiện của sự nhận thức chưa đầy đủ về “nơi chốn” và “bản sắc”. Chủ trương và hành động thực sự đã xóa đi “nơi chốn” đặc trưng để thay bằng những không gian “phi nơi chốn”.
Nhìn chung, xác định hay nhận diện 2 thành tố đầu tiên không có gì khó khăn. Trong trải nghiệm thông thường, chúng ta chỉ cần quan sát và quan sát. Trong công tác nghiên cứu, chúng ta có thể sử dụng bản đồ, hình ảnh vệ tinh của một thành phố, ảnh chụp để diễn tả không gian vật lý của nó; có thể quay phim, theo dõi, đếm số lượng để diễn tả con người và hoạt động của họ trong không gian và phân tích các đặc trưng.
Đặc trưng tinh thần: Thành tố thứ ba, ý nghĩa của nơi chốn là khó xác định hay nắm bắt hơn cả. Ý nghĩa này có thể có nguồn gốc từ môi trường vật thể như những hình ảnh đô thị ấn tượng, cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ, hoặc từ sự thú vị của những hoạt động của con người, hoặc tất. Điều cần chú ý là “ý nghĩa” này không phải thuộc tính của không gian và hoạt động, mà là thuộc tính thuộc về cơ chế trải nghiệm của con người. Ý nghĩa này vì vậy có tính chủ quan, và phụ thuộc vào chủ thể quan sát. Ở đây, chúng ta có thể nhóm các chủ thể quan sát thành hai nhóm trong mối quan hệ với không gian qua cảm nghiệm. Nhóm bên ngoài là những người không thuộc về nơi chốn, họ có thể là khách du lịch, người ở nơi khác và từ nơi khác đến. Họ cảm nghiệm nơi chốn bằng quan sát và thu nhận những “ấn tượng” ban đầu ngay lập tức. Ở đây, đẹp, lạ, thú vị, tiện nghi là những tính chất ghi điểm, có thể ví như “yêu từ cái nhìn đầu tiên”. Nhóm bên trong, là những người thuộc về nơi chốn, sống trong thành phố, sử dụng không gian v.v. thì ý nghĩa lại chủ yếu được tạo ra từ mức độ gắn bó của họ với nơi chốn. Ở đây, tốt, tiện, quen, phù hợp là yếu tố ghi điểm, giống như “yêu thương gắn bó”.
Tóm lại, bản sắc là đặc tính bao trùm, phổ quát, và ít biến đổi của một địa điểm với sự kết quyện hữu cơ của cả ba yếu tố: không gian, con người và ý nghĩa. Cảm nhận bản sắc là cơ chế trải nghiệm trách quan của tâm sinh lý con người. Chúng ta có xu hướng lọc gạn những đặc tính của nơi chốn một cách vô thức và hữu thức, để có thể hình dung, lưu trữ và tái hiện thông tin về nơi chốn tốt hơn. Tạo dựng và củng cố bản sắc vì vậy là nội dung rất quan trọng trong quy hoạch và thiết kế đô thị.

CỦNG CỐ TẠO DỰNG BẢN SẮC VÀ KIẾN TẠO NƠI CHỐN
Sau tất cả những khảo luận và phân tích ở phần trên, giờ đây chúng ta đứng trước hai câu hỏi mang tính ứng dụng cơ bản.
Câu hỏi thứ nhất là: nếu như bản sắc là phạm trù thuộc cảm nghiệm chủ quan của con người thì chúng ta (với tư cách là KTS) có thể tạo ra bản sắc cho (một địa phương, một thành phố, một khu vực hay một địa điểm) được không? Theo bạn đọc thì có thể được không?
Chúng ta không thể tạo dựng bản sắc hay hồn nơi chốn một cách trực tiếp và ngay lập tức bằng việc quy hoạch và thiết kế không gian. Nhưng, điều chúng ta có thể làm là củng cố hoặc thúc đẩy quá trình hình thành nên bản sắc một cách gián tiếp, dần dần và bền bỉ thông qua việc can thiệp phù hợp và tích cực vào 3 yếu tố cấu thành đã nêu trên: trước hết là không gian, sinh hoạt của con người trong không gian, và sau đó sẽ dẫn đến ý nghĩa tinh thần của không gian. Không gian đẹp mắt, tiện nghi, an toàn, hấp dẫn sẽ là môi trường tuyệt vời cho con người hoạt động. Không gian trở thành nơi chốn, và hơn thế nữa: nơi chốn có bản sắc. Như vậy “bản sắc” vẫn có thể được tạo ra – một cách gián tiếp.
Câu hỏi thứ hai: Chúng ta (nên, cần, có thể) làm gì để củng cố hay tạo dựng bản sắc (cho dù thông qua những can thiệp gián tiếp)?
Câu trả lời rất rộng và mở. Quả thực có rất nhiều điều chúng ta có thể làm, nên làm, cần làm và cả không nên làm nữa. Cơ bản có 3 định hướng:
– Nhận diện những đặc trưng cơ bản của các vùng miền, thành phố, địa điểm. Từ đó duy trì, củng cố và làm rõ nét bản sắc.
– Tạo mới những đặc trưng, thông qua những can thiệp vào không gian, sinh hoạt của con người… dần hình thành bản sắc trong quá trình phát triển.
– Thấu hiểu và đáp ứng nhu cầu tâm lý và quy luật cảm nghiệm của con người khi thiết kế không gian.
Ở quy mô rộng như với một một thành phố, bản sắc có thể được củng cố và tạo dựng ngay trong những đồ án quy hoạch chung, và phân khu thông thường. Điều đầu tiên, quan trọng số một và đơn giản nhất là nắm bắt những đặc trưng tự nhiên như địa hình, địa mạo, sự hiện diện của núi, đồi, sông, suối, cây xanh, mặt nước, sông hồ trong vùng và trong thành phố. Không có gì cho chúng ta đặc trưng bản địa mạnh mẽ và trọn vẹn bằng đặc điểm tự nhiên. Duy trì tối đa những đặc trưng tự nhiên này trong cấu trúc không gian đô thị được quy hoạch là can thiệp hiệu quả đầu tiên hướng về bản sắc. Tuy nhiên, thực tiễn trong cách làm quy hoạch ở hầu hết các thành phố của chúng ta thời gian qua thì đặc trưng tự nhiên không được coi trọng mà thậm chí còn bị phá hủy đáng kể.
Tiếp đến là những đặc điểm từ môi trường xây dựng nhân tạo: là hình thái quần cư và kiến trúc, được hình thành theo thời gian, có năng lực thích ứng với mưa nắng thời tiết và các hoàn cảnh đặc thù khác. Nhận diện kiến trúc vùng miền cũng giúp tạo dựng bản sắc. Tuy nhiên, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ xây dựng và vật liệu thì sự duy trì nguyên vẹn kiến trúc bản địa là không tưởng; bản sắc của kiến trúc vì vậy cần được nghiên cứu, gạn lọc và lồng ghép trong kiến trúc mới một cách “tinh thần” hơn là copy nguyên mẫu.
Ở quy mô một địa điểm, một không gian cụ thể, việc đáp ứng nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của người sử dụng trực tiếp không gian đó là yếu tố cơ bản để địa điểm trở thành nơi chốn và có bản sắc. Do đó sự tham gia của người sử dụng trong quá trình thiết kế hay đầu tư xây dựng tại một địa điểm là cách làm cần khuyến khích và trên thực tế rất hiệu quả. Người ta gọi quá trình này là “place making” tức là “kiến tạo nơi chốn” chứ không phải là “space-design” tức là thiết kế (như cách ở Việt Nam đang thực hiện).

LỜI KẾT
Những trao đổi học thuật ở trên đã có chúng ta cái nhìn rõ và nét hơn về chủ đề “bản sắc” – một phạm trù mơ hồ và hóc búa trong lĩnh vực kiến trúc và đô thị. Từ hiểu về khái niệm đến vận dụng vào thực tế còn là một thách thức to lớn và dài lâu hơn nữa.
Trước mắt, cần có những nghiên cứu cơ bản, xây dựng những cơ sở lý luận, kỹ năng và công cụ để nhận diện “bản sắc”, và ba thành tố góp phần tạo dựng bản sắc: không gian, xã hội và ý nghĩa. Những kết quả nghiên cứu cần được phổ biến rộng rãi tới các KTS quản lý, tư vấn thiết kế và cả phê bình lý luận. Khi thực hiện các quy hoạch và thiết kế, cần có sự tham vấn các chuyên gia có trình độ lý luận, có sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là người dân vì họ và sinh hoạt của họ, một lần nữa xin nhấn mạnh, là một nguyên liệu cấu thành của nơi chốn và bản sắc, chứ không chỉ là vỏ kiến trúc. Và người dân, chính họ duy trì sức sống của không gian, làm cho không gian đó có hồn./.

PGS. TS KTS PHẠM THÚY LOAN
Phó viện trưởng- Viện Kiến trúc Quốc Gia, Bộ Xây dựng 

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 1+2/2015)

bình luận