Viện Kiến trúc Quốc gia tổ chức Lễ khánh thành công trình cách mạng và gắn biển Công sự trú ẩn(08/06/2024)
Ngày 7/6/2024, tại số 389 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội. Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng đã khánh thành Dự án công trình bảo tồn, tôn tạo di tích kiến trúc “Công sự trú ẩn”. Nơi đây từng là nơi làm việc, trú ẩn, linh hoạt và cơ động tác chiến giai đoạn kháng chiến chống Mỹ năm 1964-1973 của một số đồng chí nguyên lãnh đạo của Đảng và Chính phủ. Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Cố Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước đã từng làm việc tại đây.
Tham dự buổi lễ khánh thành có PGS.TS Mai Thị Liên Hương – Viện trưởng; các Phó Viện trưởng TS.KTS Trịnh Hồng Việt, TS.KTS Nguyễn Thành Công, ThS.KS Nguyễn Thanh Tùng; Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, cán bộ viên chức người lao động và khách mời cùng tham dự.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, PGS.TS Mai Thị Liên Hương cho biết: Đất nước chúng ta đã trải qua những cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc và Hà Nội những năm 1964-1973 luôn sẵn sàng chiến đấu với hệ thống các công sự hầm trú ẩn hợp lực tác chiến ngày đêm, đánh tan quân địch, đối phó với mục tiêu muốn biến miền Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội trở về thời kỳ đồ đồng, đồ đá. Để dành được nền độc lập, giải phóng dân tộc, trong số các nhà lãnh đạo cách mạng của Đảng, Chính phủ đã có không ít những đồng chí không may mắn, anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Thôi thúc từ những thông tin đáng tin cậy, Ban chấp hành Đảng ủy, Ban lãnh đạo Viện Kiến trúc Quốc gia đã triệu tập cuộc họp có các lãnh đạo đơn vị trực thuộc và thành viên các tổ chức đoàn thể cùng tham gia quyết tâm khảo sát, thăm dò, tìm kiếm. 8 giờ 30 phút sáng ngày 2/5/2024 cửa hầm trú ẩn đã chính thức được phát lộ. Đơn vị được giao nhiệm vụ bảo tồn và tôn tạo đã nghiên cứu, tham vấn các cơ quan liên quan, thiết kế phương án tôn tạo kiến trúc công trình, hạ tầng kỹ thuật, chọn lựa đơn vị thi công. Đặc biệt, các tài liệu tiêu chuẩn về khả năng chống phá bom mìn giai đoạn chiến tranh miền Bắc do đế quốc Mỹ bắn phá, hủy diệt cũng được nghiên cứu kỹ càng.
TS.KTS Nguyễn Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp – Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) giới thiệu về di tích kiến trúc công sự trú ẩn cho biết: Dự án bảo tồn, tôn tạo công trình cách mạng sẽ được hoàn thành theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 Viện Kiến trúc Quốc gia sẽ hoàn thiện phần gìn giữ, bảo vệ nguyên trạng. Trong đó tạo khuôn viên kiến trúc cảnh quan, thiết kế thi công phần khung và kính chịu lực để bảo vệ căn cứ công sự và gắn biển công trình; Giai đoạn 2 tiếp tục hoàn thiện phần thiết kế, thi công phần nội thất phía trong công trình gồm các hạng mục thông gió, chiếu sáng, xử lý chống thấm và khôi phục hiện vật hệ thống điện đàm, phục vụ tác chiến điện tử,..
Đây là công trình đã được Bộ Tư lệnh Công binh xác minh với tên di tích kiến trúc là “Công sự trú ẩn”, do Trung đoàn 259 thuộc Cục Công binh thiết kế và xây dựng năm 1965 trong khuôn viên trụ sở làm việc Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng tại số 389 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội.
Thiết kế kiến trúc công trình có kết cấu toàn bộ bằng Bê tông cốt thép đổ liền khối có độ dày khoảng 30cm – 40cm. Mặt bằng chu vi hầm khoảng 33,9 m2 trong đó bao gồm 20 bậc thang dẫn xuống vào hai khoang hầm và có hệ thống thông khí và thoát nạn ở giữa với những thang vịn có thể lên xuống, chiều sâu của hầm khoảng -3,9 m so với cốt mặt đất, chiều cao sử dụng thông thủy là 1,8 m.
Phương án bảo tồn, tôn tạo thực hiện công tác bảo vệ tối đa nguyên trạng, công trình gốc, khi tìm đủ căn cứ, dữ liệu lịch sử sẽ tiến hành mô phỏng không gian hầm; phía trên bố trí sân vườn và lắp đặt 02 ô kính chịu lực nhằm bảo vệ nắng mưa và côn trùng, xung quanh bố chí cảnh quan cây xanh, dải sỏi, lát đá Cubic đan xen với các ô cỏ tạo hình các đường cong mềm mại, uốn lượn.
Đức Nguyên
bình luận