40 năm vị thế và phát triển(17/12/2019)
Với vai trò là Viện nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực kiến trúc trực thuộc Bộ Xây dựng, những năm qua, Viện Kiến trúc Quốc gia (VIAr) kể từ khi được tái thành lập năm 2014 đến nay đã tích cực xây dựng, phát triển Viện và đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực hoạt động. Những ngày cuối năm 2019, trong không khí sôi động Kỷ niệm 40 năm thành lập Viện (1979 – 2019), Tạp chí Kiến trúc Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia Đỗ Thanh Tùng.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
PV: Xin ông cho biết những đánh giá về kết quả đáng ghi nhận của Viện Kiến trúc Quốc gia đã thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn vừa qua?
Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia Đỗ Thanh Tùng: Viện Kiến trúc Quốc gia (KTQG) được tái thành lập theo Quyết định số 995/QĐ-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng (trên cơ sở tổ chức lại Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn) và đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2014. Qua 5 năm, với nền tảng tri thức được kế thừa của 35 năm lịch sử và sự nỗ lực chung của lãnh đạo, tập thể Viện KTQG đã vượt qua rất nhiều thách thức, khó khăn để đạt được những kết quả quan trọng trên mọi lĩnh vực hoạt động. Cụ thể:
– Khởi động lại, Viện tiếp nhận gần 200 cán bộ từ Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn, cơ bản là từ các đơn vị nghiên cứu và sản xuất, các khối nghiệp vụ về hành chính quản trị, kế hoạch tài chính… không có. Trước bối cảnh đó, Viện đã nhanh chóng sắp xếp ổn định tổ chức, tuyển người, đào tạo và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao. Viện luôn làm tốt các quy định, chính sách của Nhà nước, được các cơ quan quản lý đánh giá cao việc tuân thủ chính sách, pháp luật và thực hành tiết kiệm.
– Từ năm 2014 đến 2018 Viện KTQG có 21 đầu mối trực thuộc. Tháng 6/2018 (thực hiện Quyết định số 586/QĐ-BXD ngày 09/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện KTQG) Viện đã kiện toàn, tổ chức lại các đơn vị trực thuộc còn 16 đầu mối. Tính đến 31/12/2018, tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn Viện là 302, trong đó có 01 Phó Giáo sư-Tiến sỹ; 06 Tiến sỹ; 54 Thạc sỹ; 211 Đại học; 07 Cao đẳng; 11 Trung cấp; 12 Lao động phổ thông.
– Cuối năm 2013, Viện KTQG tiếp nhận trụ sở chính tại số 389 Đội Cấn, Hà Nội và Trụ sở 2 tại Thành phố Huế. Do các công trình trụ sở đã sử dụng lâu năm và không được tu sửa thường xuyên, nên xuống cấp nhiều. Được sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ Xây dựng và sự quyết liệt của Lãnh đạo Viện, đến nay 02 trụ sở Viện đã có diện mạo mới: Kiến trúc, cảnh quan sạch đẹp, hợp lý cho sử dụng; đủ các không gian làm việc, hội họp, đào tạo, làm việc… để phục vụ mọi mặt hoạt động của Viện. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã tạo điều kiện để Viện được trang bị nhiều trang thiết bị phục vụ công việc và các phòng họp, hội trường, như: máy vi tính, máy in, máy chiếu, bàn ghế làm việc, tủ đựng tài liệu, giá đựng tài liệu, tủ sách phục vụ cho phòng đọc, thư viện.
– Về lĩnh vực hoạt động chuyên môn, công tác nghiên cứu khoa học được xác định là chức năng chính của Viện KTQG đã được Bộ Xây dựng giao, thực hiện các nhiệm vụ phục vụ công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch xây dựng. Từ năm 2014 – 2018, Viện đã thực hiện hơn 40 đề tài trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn, hơn 25 nhiệm vụ trong lĩnh vực nghiên cứu thiết kế điển hình hóa, hơn 20 nhiệm nghiên cứu cơ bản về chuyên ngành Kiến trúc.
– Về sản xuất kinh doanh và dịch vụ tư vấn: Thời gian qua, Viện đã mở rộng hợp tác, liên kết với các địa phương, thực hiện được nhiều hợp đồng dịch vụ khoa học, dịch vụ tư vấn với các địa phương để thực hiện các chương trình phát triển đô thị, thiết kế đô thị, chỉnh trang đô thị, thiết kế kiến trúc công trình và quy hoạch xây dựng. Giá trị hợp đồng và sản lượng các dự án tăng lên theo từng năm, nâng giá trị sản lượng toàn Viện lên gấp 2,7 lần so với năm 2014, nâng tổng giá trị sản lượng thực hiện toàn Viện tăng 6,25 lần so với năm 2014.
Bên cạnh việc thực hiện các đề tài khoc học công nghệ (KHCN), dự án sự nghiệp kinh tế (SNKT), tư vấn thiết kế và dịch vụ chuyên ngành – Viện tiếp tục chú trọng và chỉ đạo các đơn vị tích cực tham gia các cuộc thi tuyển phương án thiết kế công trình, quy hoạch… nhằm quảng bá thương hiệu của Viện. Trong các năm 2014 – 2018 Viện đã tham gia hơn 20 cuộc thi và đoạt nhiều giải thưởng cao tại một số cuộc thi, tiêu biểu như: Giải Nhất cuộc thi ý tưởng quy hoạch phân khu thị trấn Paksong, tỉnh Champasak, Lào; Giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi Phương án quy hoạch và kiến trúc Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia (Liên danh Viện KTQG và Samoo Architects&Engineers); Giải Nhất cuộc thi tuyển chọn thiết kế quy hoạch kiến trúc dự án “Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cơ sở Thành phố Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng” (Trung tâm Kiến trúc miền Nam); Giải Nhì “Đồ án Quy hoạch khu đô thị du lịch Đại Phước – Tín Nghĩa, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai” (Trung tâm Quy hoạch & Thiết kế Đô thị).
– Về hoạt động xuất bản ấn phẩm, tạp chí và truyền thông: Viện đẩy mạnh gắn kết với các nhà khoa học, lý luận phê bình kiến trúc; Duy trì, cập nhật đầy đủ, thường xuyên về mọi mặt hoạt động của Viện trên 2 trang thông tin điện tử của Viện KTQG và của Tạp chí Kiến trúc Việt Nam. Trong các năm 2014 – 2018, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam đã xuất bản thường xuyên từ 10 -12 ấn phẩm/năm; thực hiện 45 chuyên đề chuyên môn sâu, phục vụ công tác lý luận chuyên ngành và nghiên cứu khoa học. Đồng thời góp phần tích cực vào công tác quản lý Nhà nước, Ngành trong lĩnh vực Kiến trúc, quy hoạch và phát triển đô thị, nông thôn.
– Về công tác đào tạo: Viện đã kế thừa công tác đào tạo Tiến sỹ từ Viện Nghiên cứu Kiến trúc Quốc gia trước đây và tiếp tục tuyển sinh, đào tạo Tiến sỹ Kiến trúc cho đến nay. Đến tháng 12/2018 tổng số NCS là 13 người, năm 2017 Viện đã tổ chức Lễ Báo cáo Luận án cấp Viện và ban hành Quyết định công nhận Tiến sỹ Kiến trúc cho 01 NCS. Theo các chương trình hàng năm của Viện về đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên ngành địa phương, mỗi năm Viện đã tổ chức hoặc phối hợp tổ chức thành công 3-5 khóa đào tạo và mỗi khóa học thường thu hút hàng trăm cán bộ theo học. Các chương trình đào tạo của Viện luôn gắn với nhu cầu thực tế và yêu cầu của Bộ Xây dựng.
– Về công tác Hợp tác trong nước và quốc tế: Từ những ngày đầu tái thành lập, Viện KTQG luôn coi trọng vấn đề Hợp tác trong nước và quốc tế. Bởi thông qua các địa phương trong nước và các tổ chức quốc tế, cán bộ Viện có cơ hội nắm bắt kiến thức thực tế nhằm bổ sung cho công tác nghiên cứu, lý luận; Là cầu nối để Viện quảng bá thương hiệu cũng như tạo điều kiện phát triển công việc gắn với thu nhập cho cán bộ, nhân viên; Hỗ trợ cho Viện trong các hoạt động đào tạo, cung cấp chuyên gia, chuyển giao công nghệ chuyên ngành…
Kết quả, riêng trong giai đoạn 2014 – 2018 Viện KTQG đã làm việc, tiếp xúc với hơn 50 tổ chức quốc tế trên toàn thế giới của các châu lục: châu Á, châu Âu, châu Mỹ….;Viện đã cụ thể hóa bằng văn bản hợp tác với các tổ chức thuộc các quốc gia, như: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Bỉ…; Phối hợp đồng tổ chức Hội thảo với các tổ chức thuộc các quốc gia, như: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Bỉ, Ấn Độ…; Phối hợp và đồng thực hiện tư vấn chuyên ngành Kiến trúc – Quy hoạch với các tổ chức thuộc các quốc gia, như: Hàn Quốc, Pháp, Bỉ, Singapore…;
Về Hợp tác trong nước, Viện đã làm việc với hơn 40 địa phương cả nước, thỏa thuận bằng văn bản hợp tác với 06 Sở, Quận trong cả nước; Phối hợp thường xuyên với các Cục, Vụ Bộ Xây dựng; Tổ chức và phối hợp với các Sở Xây dựng, Sở QHKT, UBND tại các địa phương để triển khai các nội dung hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực…; Tham gia và phối hợp với các Hội, Hiệp Hội…theo yêu cầu của từng công việc cụ thể; Thường xuyên kết nối với các chuyên gia trong nước từ các Cục, Vụ, trường Đại học, Viện Nghiên cứu, và các chuyên gia tại Bộ Xây dựng trong các công việc chuyên môn.
Hàng năm Viện KTQG thường tổ chức 3-5 hội thảo lớn và phối hợp tổ chức 2-4 hội thảo lớn hoặc hội thảo quốc tế, khoảng 4-6 các cuộc tọa đàm chuyên ngành. Các hội thảo thường tập trung và đáp ứng các vấn đề “nóng” đặt ra của xã hội, bất cập trong công tác quản lý. Với vai trò là cơ quan tham mưu trong quản lý Nhà nước, Viện KTQG đã chủ trì, phối hợp với nhiều đối tác trong nước và quốc tế, các địa phương để tổ chức thành công nhiều chương trình, hội thảo. Trong đó có nhiều chương trình, hội thảo thu hút lượng đại biểu, chuyên gia lớn.
PV: Cùng với những kết quả đáng ghi nhận đã đạt được, đâu là những khó khăn mà Viện KTQG đã vượt qua trong giai đoạn 2014 – 2018 vừa qua, thưa ông?
Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia Đỗ Thanh Tùng: Sau 5 năm tái thành lập, đến nay Viện KTQG đã đi vào hoạt động ổn định, dần tạo những bước tiền đề vững chắc cho một giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên, nhìn lại thời gian 5 năm qua, Viện đã trải qua không ít khó khăn. Cùng lúc Viện phải khởi động, vận hành toàn bộ hệ thống hoạt động và đứng trước những khó khăn lớn do thiếu hụt về nhân lực có kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu KHCN và thành thạo trong các hoạt động dịch vụ tư vấn, quản lý tài chính và quản lý dự án…Thị trường tư vấn chuyên ngành còn nhiều khó khăn bởi sự siết chặt quản lý lĩnh vực tư vấn chuyên ngành và nhiều thay đổi trong cơ cấu đầu tư xây dựng không có lợi cho các hoạt động dịch vụ tư vấn chuyên ngành. Nhiều thủ tục pháp lý Viện KTQG vẫn chưa hoàn thiện trong công tác về Chứng chỉ năng lực hoạt động của tổ chức và cá nhân;
Sau 04 năm hoạt động, đến năm 2018 Viện lại thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy Viện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tổ chức từ 21 đơn vị còn 16 đơn vị trực thuộc. Công tác này đã làm ảnh hưởng và xáo trộn về tâm lý không nhỏ đối với toàn bộ cán bộ, viên chức và người lao động của Viện KTQG, khiến toàn thể lãnh đạo Viện rất lo lắng.
Tuy nhiên, tròn 5 năm đi vào hoạt động, bước tăng trưởng tăng dần từng năm. Đặc biệt, năm 2018 là năm Viện phát triển mạnh mẽ theo hướng chuyên nghiệp, có chiều sâu. Điều này đã đem đến sự ổn định, phấn khởi, thúc đẩy Viện hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ do Bộ Xây dựng giao. Lãnh đạo và tập thể Viện đã thực hiện và hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng do Bộ Xây dựng giao: Tham gia soạn thảo và lấy ý kiến các chuyên gia, các địa phương về xây dựng Luật; Tổ chức và phối hợp biên soạn các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn trong lĩnh vực ngành; Góp ý kiến cho các văn bản quản lý nhà nước: các bộ Luật, Nghị định, Thông tư, các văn bản quản lý của Bộ Xây dựng; Triển khai thực hiện và hoàn thành các đề tài, dự án khoa học, nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng… theo chương trình, kế hoạch đã đề ra; Tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lĩnh vực ngành…
– Công tác dịch vụ tư vấn nghiên cứu KHCN, thiết kế kiến trúc, quy hoạch và các dịch vụ chuyên ngành khác trong các năm có kết quả tăng trưởng rất tốt. Ngoài thực hiện các dự án, hợp đồng từ nguồn vốn do Bộ Xây dựng cấp, Viện và các đơn vị trực thuộc Viện đã khai thác và ký mới được nhiều hợp đồng có giá trị lớn, đảm bảo đủ công việc và nguồn thu để ổn định thu nhập cho cán bộ nhân viên của Viện và của các đơn vị trực thuộc.
– Việc triển khai nâng cấp cơ sở vật chất của Viện KTQG là một công tác được tập thể lãnh đạo Viện KTQG chỉ đạo quyết liệt, sát sao, xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình thi công, đôn đốc, giám sát triển khai dự án hoàn thành đúng kế hoạch, đáp ứng kế hoạch, tiến độ công trình và an toàn lao động.
Những thành tích đã đạt được trong các năm qua của Viện, thể hiện sự quyết liệt của Đảng ủy, Lãnh đạo Viện và lãnh đạo các đơn vị trong chỉ đạo, điều hành, cùng sự phấn đấu không ngừng nghỉ của tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Viện KTQG.
PV: Với vị thế và tầm nhìn phát triển, xin Viện trưởng cho biết những định hướng phát triển Viện KTQG trong thời gian sắp tới?
Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia Đỗ Thanh Tùng: Khắc phục các hạn chế và tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, cùng những yêu cầu, đòi hỏi mới cho bước phát triển tiếp theo, thời gian tới Viện sẽ tập trung vào một số công việc trọng tâm như sau:
– Tiếp tục hoàn thiện bộ máy và nâng cao tính chuyên nghiệp cho các đơn vị trực thuộc; Tăng cường nhân sự có năng lực, trình độ chuyên môn cao, có trách nhiệm, có khả năng nghiên cứu khoa học và phối hợp thực hiện để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, định hướng phát triển của Viện và các đơn vị trực thuộc;
– Chuyên nghiệp hóa trong bộ máy quản lý, nâng cao hiệu quả và phối hợp công tác giữa các đơn vị thuộc Viện; Hoàn thiện các cơ chế, quy chế để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao; Từng bước đưa bộ máy của Viện thích nghi với cơ chế tự chủ trong mọi hoạt động; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị về: tổ chức cán bộ, kế hoạch tài chính, quản trị văn phòng..;
– Đẩy mạnh công tác nghiên cứu cơ bản: Viện đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực: Nghiên cứu phục vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Các nghiên cứu KHCN lĩnh vực ngành; Nghiên cứu, tiêu chuẩn, quy chuẩn trong xây dựng, thiết kế điển hình; Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc, cảnh quan truyền thống… nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển KHCN của Bộ Xây dựng, xây dựng nông thôn mới, thiết chế công đoàn phục vụ người lao động;
– Nỗ lực kiện toàn, xây dựng lực lượng cán bộ nghiên cứu khoa học và phục vụ các hoạt động dịch vụ tư vấn chuyên ngành của Viện theo hướng chuyên nghiệp, trình độ cao và tâm huyết với công việc; Bổ sung đội ngũ chuyên gia ngoài Viện trong lĩnh vực lý luận phê bình, đào tạo, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu soạn thảo hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng chuyên ngành;
– Tăng cường và mở rộng hơn nữa hợp tác với các tổ chức quốc tế và các đối tác địa phương trong nước nhằm tận dụng kinh nghiệm và trí tuệ xã hội và quốc tế; Nâng tầm ảnh hưởng của Viện trong quá trình hội nhập trên các công tác: đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ khoa học; Hợp tác thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học;
– Tiếp tục mở rộng thị trường, khai thác dịch vụ tư vấn và nghiên cứu khoa học chuyên ngành tại các địa phương. Nâng giá trị sản lượng và nguồn thu kinh phí thực hiện các đề tài, dự án, đồ án… năm sau cao hơn năm trước khoảng 15-25%.
– Chủ động hoặc phối hợp với các đối tác để xây dựng nội dung và thực hiện tổ chức giải thưởng kiến trúc mang thương hiệu Viện KTQG nhằm nâng cao uy tín của Viện và phát hiện những cá nhân, tập thể có khả năng, triển vọng sáng tạo và vinh danh kịp thời làm động lực phát triển cho sự nghiệp kiến trúc.
– Rà soát, xem xét điều chỉnh và ban hành các quy chế mới cho phù hợp với mô hình tiến tới tự chủ (quy chế khoán và quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý kinh tế kỹ thuật….) theo tinh thần thu hút, khuyến khích được cán bộ và nhân viên trong đơn vị tìm kiếm công việc, làm việc có năng suất cao, nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân trong đơn vị.
PV: Xin chân thành cảm ơn Viện trưởng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Tạp chí Kiến trúc Việt Nam!
Hoàng Phương
bình luận