Những Đề tài nghiên cứu thiết kế điển hình Trường PTDTNT các tỉnh phía Bắc(20/03/2018)

Để tiếp tục thực hiện Quyết định 1640/QĐ-TTg ngày 21/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Xây dựng giao cho Viện Kiến trúc Quốc gia nghiên cứu lập thiết kế điển hình “Trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc”. Qua đó, làm cơ sở cho việc đề xuất mô hình Trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) theo hướng đạt chuẩn quốc gia, thống nhất về cơ cấu khối chức năng và dây chuyền hoạt động, phù hợp với điều kiện xã hội – kinh tế – văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc, khu vực còn nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng vẫn gìn giữ được nét đặc trưng văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc. Viện Kiến trúc quốc gia đã có những thiết kế điển hình về Trường PTDTNT các tỉnh phía Bắc.


Một trong những thiết kế điển hình về Trường PTDTNT các tỉnh phía Bắc.

Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi có đông đồng bao dân tộc thiểu số sinh sống, nhưng là khu vực kinh tế kém phát triển, do đó chất lượng giáo dục các Trường PTDTNT còn thấp. Cơ sở vật chất, đồ dùng trang thiết bị phòng học, phòng ở hỏng, xuống cấp. Nơi ăn ở của học sinh còn thiếu thốn, chưa đảm bảo các điều kiện tối thiểu. Bên cạnh đó, việc quy hoạch bố trí quỹ đất xây dựng trường rất nan giải, khó khăn về nguồn vốn nên nhiều.

Dựa trên các căn cứ pháp lý của đề tài như Thông tư 01/2016/TT-BGDĐT ngày 15/1/2016 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Trường PTDTNT; Quyết định 1719/QĐ-BGDĐT; TCVN 8794:2011 Trường trung học – Yêu cầu thiết kế… Viện Kiến trúc quốc gia đã đưa ra mẫu thiết kế dưạ trên các nguyên tắc và giải pháp bao gồm:

Yêu cầu về quy hoạch tổng mặt bằng: Khu đất xây dựng đặt ở khu trung tâm văn hóa giáo dục của tỉnh/huyện, trong khu dân cư tập trung đông người, có mối liên hệ thuận tiện với các tuyến giao thông chính của tỉnh/huyện. Thiết kế tổng mặt bằng phù hợp với điều kiện tự nhiên. Đặc biệt khu vực miền núi phía Bắc có địa hình đồi núi cao, hiểm trở, tùy theo quỹ đất cụ thể để lựa chọn giải pháp hợp khối hoặc phân tán công trình với tiêu chí tôn trọng địa hình tự nhiên tận dụng các cốt cao độ, hạn chế san ủi đất.

Cơ cấu khối công trình Trường PTDTNT phải đảm bảo đầy đủ các khối chức năng theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia; điều lệ trường học; tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành; bao gồm: Khối học và phụ trợ, gồm các phòng học, phòng học bộ môn, các phòng phục vụ học tập và khu hành chính hiệu bộ; khối sân bãi thể thao; khối xưởng dạy nghề hướng nghiệp; sân – vườn thực hành; khu chuồng trại chăn nuôi; khối ở nội trú cho học sinh và giáo viên gồm nhà ở nội trú của học sinh và nhà công vụ cho giáo viên.

Về dây chuyền công năng thì ngoài chương trình học giống như các trường phổ thông khác, Trường PTDTNT có nhiệm vụ riêng biệt cần bố trí các không gian như sau: Giáo dục kỹ năng sống và kỹ năng hoạt động xã hội phù hợp với học sinh dân tộc vì vậy viện kiến nghị đưa hoạt động này vào chức năng của sân tổ chức lễ hội, giáo dục văn hóa dân tộc

Giáo dục lao động, hướng nghiệp và dạy nghề truyền thống phù hợp với năng lực học sinh, kiến nghị đưa hoạt động này vào chức năng của khu vực xưởng dạy nghề hướng nghiệp; sân – vườn thực hành

Tổ chức công tác nội trú cho học sinh, bảo đảm cho 100% học sinh được ăn ở nội trú vì vậy nên đưa vào chức năng của khối ở nội trú.

Về yêu cầu giải pháp kiến trúc: Thiết kế kiến trúc phù hợp với đặc điểm văn hóa vùng miền, có thể vận dụng các chi tiết kiến trúc truyền thống của các dân tộc chiếm đa số và đặc trưng trong khu vực. Cần bố trí không gian rộng, trang trọng vừa là điểm nhấn trong tổng thể toàn trường vừa là nơi tổ chức các hoạt động lễ hội quan trọng, đây là nét văn hóa đặc trưng trong các trường PTDTNT. Phân loại trường nội trú theo quy mô lớp và nhóm dân tộc; đó chính là cơ sở trong việc tìm tòi nghiên cứu bản sắc riêng về văn hóa cũng như về kiến trúc truyền thống.

Trước những yêu cầu và giải pháp đó Viện Quy hoạch kiến trúc đã đề ra 3 thiết kế mẫu cho Trường PTDTNT cấp tỉnh (đào tạo cấp THPT) và 3 thiết kế mẫu cho Trường PTDTNT cấp huyện (đào tạo cấp THCS): Đối với thiết kế mẫu cho Trường PTDTNT cấp tỉnh (đào tạo cấp THPT): Với thiết kế mẫu số 1 cho trường THPT quy mô 15 lớp: Với Diện tích là 17.000m2; cao 3 tầng; diện tích xây dựng khối học+phụ trợ: 3150m2; diện tích xây dựng khối ở: 2800m2; mật đô xây dựng: 35%.


Thiết kế mẫu cho Trường THPT quy mô 15 lớp.

Phương án sử dụng giải pháp tổng mặt bằng phân tán, các khối chức năng liên hệ với nhau bằng nhà cầu. Khối ở bố trí khu riêng để tránh ảnh hưởng tới khối lớp học nhưng vẫn đảm bảo được tính liên kết giữa các khu chức năng với nhau.


Khối ở bố trí khu riêng để tránh ảnh hưởng tới khối lớp học.

Hình thức kiến trúc mô phỏng nhà sàn truyền thống, sử dụng những chi tiết hoa văn trang trí đặc trưng của dân tộc Tày, Nùng… nhấn mạnh yếu tố vùng miền, bản sắc của khu vực Đông Bắc Bộ.

Thiết kế mẫu số 2 cho Trường THPT quy mô 12 lớp: Với diện tích là 12650m2; diện tích xây dựng: 4774m2; mật độ xây dựng: 48%; số tầng cao: 3 tầng.

Thiết kế mẫu cho Trường THPT quy mô 12 lớp.

Phương án sử dụng giải pháp TMB hợp khối, tận dụng tối đa các cao độ và địa hình tự nhiên. Phù hợp với khu vực có quỹ đất eo hẹp.

Hình thức kiến trúc hiện đại mặt tiền trang trí lam chắn nắng tạo nét thân thiện gần gũi tương đồng trong nếp sống của người dân tộc. Nhịp điệu có lúc thay đổi ngang dọc tạo nét sinh động cho phù hợp với tính chất hiếu động, ưa tìm tòi khám phá của học sinh. Các khoảng sân trên mái tận dụng trồng cây, làm vườn thí nghiệm, trồng rau.

Thiết kế mẫu số 3 cho trường THPT quy mô 9 lớp với diện là: 9550m2; diện tích xây dựng: 3120m2; mật độ xây dựng: 32.8%; số tầng cao: 1-5 tầng.

Thiết kế mẫu cho Trường THPT quy mô 9 lớp.

TMB hợp khối, phù hợp với những khu vực có quỹ đất nhỏ. Khối học+phụ trợ được cách ly với khối ở bằng sân tập trung đồng thời cũng là nơi tổ chức các lễ hội truyền thống ngoài trời.

Kiến trúc măt đứng sử dụng chi tiết lam, nan chắn nắng với hình thức cách điệu hoa văn thổ cẩm của các dân tộc như Mường, Thái… do đó phù hợp với các địa phương khu vực Tây Bắc Bộ.

Ngoài ra, giải pháp tiết kiệm năng lượng được đề xuất cho công trình như sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời, trồng cây xanh trên mái.

Đối với Trường PTDTNT cấp huyện (đào tạo cấp THCS), Viện Kiến trúc quốc gia cũng có 3 thiết kế mẫu gồm:

Thiết kế mẫu số 1 cho trường THCS quy mô 12 lớp với diện tích khu đất: 14000m2; diện tích xây dựng: 3265m2; mật độ xây dựng: 36%;số tầng cao: 3 tầng.

TMB phân tán theo tuyến ngang. Khu hoc và khu ở bố trí tách biệt, có cổng riêng và trên hai cốt cao độ khác nhau.

Hình thức kiến trúc mô phỏng đặc trưng nhà sàn mái Thái, hoa văn trang trí mặt đứng cách điệu từ họa tiết thổ cẩm. Tổng thể công trình toát lên vẻ gần gũi, thân quen với người sử dụng, đặc biêt tại các tỉnh Tây Bắc Bộ như Sơn La, Điện Biên…

Thiết kế mẫu cho Trường THCS quy mô 12 lớp.

Thiết kế mẫu số 2 cho Trường THCS quy mô 8 lớp vơi diện tích khu đất: 6200m2; diện tích xây dựng: 1950m2; mật độ xây dựng: 30%; số tầng cao: 1-2 tầng.

Thiết kế mẫu số 2 cho trường THCS quy mô 8 lớp.

Quy hoạch TMB khu đất tận dụng địa hình cốt cao độ tự nhiên, hạn chế san ủi. Phần đất cao phía sau bố trí khối ở, phần đất thấp hơn phía trước là khối học+phụ trợ.

Hình thức kiến trúc bao gồm các khối nhà chênh cốt, mái dốc 1 hướng, kết hợp họa tiết trang trí truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng vùng Đông Bắc Bộ.

Tổng thể công trình phát triển nhịp điệu cao dần theo chiều sâu, mái nhà nhấp nhô bám sát địa hình vùng núi, tạo nét thân thiện gần gũi trong nếp sống của người dân tộc.

Thiết kế mẫu số 6 cho trường THCS quy mô 8 lớp với diện tích khu đất: 8500m2; diện tích xây dựng khối học+phụ trợ: 3910m2; mật độ xây dựng: 46%; số tầng cao: 4 tầng.

Thiết kế mẫu số 6

Phương án sử dụng giải pháp hợp khối phù hợp cho các khu vực có quỹ đất nhỏ. Khối học bố trí ở trung tâm khu đất Các khối chức năng được liên kết bàng hành lang cầu, tạo sân chung đóng vai trò lõi xanh giúp điều hòa không khí, tạo sự thông thoáng cho cả khối công trình.

Phương án sử dụng giải pháp hợp khối phù hợp cho các khu vực có quỹ đất nhỏ.

Hình thức kiến trúc hiện đại, kết hợp các hoa văn trang trí mang đặc trưng văn hóa khu vực vùng núi Tây Bắc Bộ, do đó vẫn tạo cảm giác gần gũi, thân quen cho người sử dụng.

Không gian trên mái vừa làm không gian nghỉ ngơi, giải lao khi hết tiết học, nó còn đóng vai trò là vườn thực hành, là không gian xanh cảnh quan, thoáng mát, điều hòa không khí cho trường.

Phòng Nghiên cứu điển hình hóa xây dựng – Viện KTQG

bình luận