Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kiến trúc đô thị và nông thôn Việt Nam(02/03/2018)

Bài 2: Đề xuất một số nội dung điều chỉnh, bổ sung trong hệ thống văn bản qppl về kiến trúc đô thị và nông thôn

Trên cơ sở các nội dung đánh giá về thực trạng quản lý, phát triển quy hoạch kiến trúc tại Bài 1: Đánh giá thực trạng quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị và nông thôn Việt Nam, Nhóm nghiên cứu đề xuất các nội dung cần điều chỉnh bổ sung hệ thống Văn bản QPPL về quản lý kiến trúc như sau:

Về quản lý quy hoạch

–         Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL về quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị và nông thôn. Bổ sung các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kiến trúc đô thị và nông thôn. Ví dụ: Miễn phí cấp phép xây dựng đối với các công trình kiến trúc truyền thống hoặc các công trình theo thiết kế mẫu của địa phương ban hành,…Thực hiện điều chỉnh khái niệm về đô thị tại Điều 3. Giải thích từ ngữ của Luật quy hoạch đô thị năm 2009 thành: “Đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương”.

–         Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện đầu tư xây dựng theo quy hoạch; đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ quản lý quy hoạch, kiến trúc tại các địa phương. Kiểm soát nâng cao chất lượng việc đào tạo và phân loại kiến trúc sư hành nghề thiết kế (Ví dụ: Đối với kiến trúc sư ra trường được cấp bằng Cử nhân Kiến trúc; Để được công nhận là Kiến trúc sư cần có chứng chỉ hành nghề được cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định).

–         Xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển, nhân rộng mô hình quản lý, công bố thông tin quy hoạch, kiến trúc trên các trang thông tin điện tử để người dân có thể truy cập, tìm hiểu, thực hiện.

–         Nghiên cứu ban hành các cơ chế chính sách, giải pháp quản lý công trình cao tầng trong đô thị trong đó cần lưu ý đến các vấn đề quản lý về tầng cao, hệ số sử dụng đất, mật độ…

–         Trong Luật Quy hoạch đô thị cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch. Đặc biệt quy định về điều chỉnh đối với một lô đất trong khu vực quy hoạch (Điều 53 Luật Quy hoạch đô thị)

–         Đề xuất thực hiện việc lấy ý kiến người dân về các đồ án quy hoạch thông qua mạng internet trên các trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền.

Về quản lý phát triển kiến trúc

–         Nghiên cứu điều chỉnh Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 112/2002/QĐ – TTg ngày 03/9/2002. Xây dựng Định hướng, chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam trong đó cần tập trung làm rõ vấn đề phát triển kiến trúc hiện đại giầu tính bản sắc, phát triển kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái, kiến trúc thích ứng, ứng phó với Biến đổi khí hậu. Đồng thời phải xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.

–         Đẩy mạnh công tác phê bình, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng các công trình kiến trúc trong đô thị, đồng thời định hướng cho xu hướng phát triển kiến trúc của từng địa phương.

–         Đối với các khu vực đô thị mới cần có những nghiên cứu xây dựng những mô hình phát triển kiến trúc đô thị mới nhằm thay đổi bộ mặt kiến trúc đô thị. Ví dụ: cần phân biệt khu vực ở và khu vực kinh doanh thương mại, đưa các chức năng ở vào trong khu vực lõi của ô phố và bổ sung các dải cây xanh, lam chắn, đường đi bộ trên cao,… che bớt một phần kiến trúc công trình.

–         Đề nghị bổ sung quy định cụ thể về việc quản lý những trường hợp ô đất trống của người dân chưa đầu tư xây dựng công trình, hoặc công trình xây thô (cần xây dựng tường rào hoặc che chắn đảm bảo mỹ quan đô thị. Đồng thời quy định cụ thể về việc che chắn công trình đảm bảo thẩm mỹ và vệ sinh môi trường đối với những công trình đang thi công (Tại những khu vực quan trọng yêu cầu in mặt đứng toàn bộ công trình theo tỷ lệ 1: 1)

–         Nghiên cứu ban hành hướng dẫn cụ thể về xử lý tình trạng đất không đủ điều kiện xây dựng (hay còn gọi là siêu mỏng, siêu méo). Trong đó cần lưu ý đến trách nhiệm của các địa phương về việc rà soát, quản lý cấp phép, hoặc làm sai phép tại các tuyến đường, đồng thời quy định phải lập các quy hoạch chi tiết cải tạo chỉnh trang các tuyến phố trong đó tính toán đến việc thu hồi, hợp thửa các thửa đất không đủ điều kiện xây dựng công trình.

Về thiết kế đô thị:

–         Hoàn thiện các hướng dẫn về thiết kế đô thị trong đó lưu ý về yêu cầu mức độ chi tiết đối với từng loại thiết kế đô thị để tránh trùng lặp, chồng chéo trong các đồ án quy hoạch và đồ án thiết kế đô thị.

–         Nghiên cứu bổ sung các giải pháp quản lý đồng bộ về thiết kế, đầu tư các tuyến phố, các khu vực nằm giáp ranh của 2 đơn vị hành chính.

Về cải tạo chỉnh trang đô thị

–         Nghiên cứu ban hành quy định về quy hoạch cải tạo chỉnh trang khu đô thị cũ trong đó đặc biệt có các quy định nhằm: Tăng diện tích các công trình công cộng từ hệ thống hạ tầng cơ sở đến các công trình phục vụ, vui chơi giải trí công cộng. Đất thu hồi khi di chuyển nhà máy, kho tàng… dành toàn bộ cho các công trình công cộng. Hạn chế các công trình cao tầng, tập trung đông người  ở trung  tâm khu đô thị cũ gây khó khăn cho các công trình hạ tầng phục vụ (Đường, cấp thoát nước, cấp điện…) Cải tạo theo hướng ưu tiên mở rộng các hè lối đi cho người đi bộ và phương tiện giao thông công cộng, hạn chế phương tiện ô tô cá nhân đặc biệt đối với các thành phố, khu phố cổ. Dành kinh phí thỏa đáng cho công tác quy hoạch cải tạo chỉnh trang khu đô thị cũ; Quy định về hạn chế dân số, trong khu trung tâm liên quan đến hạn chế các nhà cao tầng (nhà văn phòng, nhà ở, siêu thị…); Ban hành quy định hướng dẫn về cải tạo chỉnh trang tuyến phố, ô phố cũ (gồm các nội dung: trình tự thủ tục, phạm vi, đối tượng cải tạo chỉnh trang, định mức đơn giá tư vấn thiết kế, nội dung cải tạo chỉnh trang, các giải pháp triển khai thực hiện,…).

Về quản lý kiến trúc cảnh quan một số công trình hạ tầng đô thị:

–         Nghiên cứu ban hành những quy định cụ thể nhằm đảm bảo kiến trúc cảnh quan đô thị đối với một số hạng mục công trình hạ tầng đô thị như: nghĩa trang, cầu vượt trong đô thị, hệ thống đường dây đường ống thông tin liên lạc,…

Bảo tồn kiến trúc đô thị và nông thôn

–         Nghiên cứu cơ sở khoa học, mô hình trong việc bảo tồn phát huy giá trị kiến trúc cảnh quan của một đô thị hay một khu vực di sản theo hướng: Đánh giá cụ thể các giá trị kiến trúc cảnh quan, văn hóa lịch sử của một khu vực cụ thể. Khoanh vùng và đầu tư xây dựng tổng thể, tái hiện những giá trị truyền thống kết hợp với hệ thống bảo tàng; quản lý khu vực này phục vụ mục đích chính về thương mại, du lịch. Những khu vực khác để phát triển theo xu hướng phát triển chung của xã hội.

Về quản lý kiến trúc nông thôn

–         Nghiên cứu xây dựng các cơ sở khoa học, các mô hình, định hướng phát triển kiến trúc, cảnh quan khu vực nông thôn Việt Nam gắn liền với việc phát triển kinh tế xã hội và đô thị hóa. Xác định phát triển nông thôn theo hướng “Hiện đại hóa nông thôn, bảo tồn các giá trị kiến trúc truyền thống”. Khuyến khích phát triển nhà ở kiên cố, tiện nghi, cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại. Bảo tồn các giá trị truyền thống như tính cộng đồng làng xóm, các công trình kiến trúc tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan truyền thống.

–         Nghiên cứu bổ sung hướng dẫn cụ thể đối với việc quy hoạch nông thôn mới tại các khu vực ven đô đã được quy hoạch thành đô thị nhằm khắc phục vấn đề chồng chéo giữa việc lập Quy hoạch đô thị và Quy hoạch nông thôn mới tại các khu vực ven đô đã được xác định sẽ phát triển thành khu vực nội thị (đô thị) trong tương lai.

–         Nghiên cứu hoàn thiện các tiêu chí về quy hoạch nông thôn mới và giải pháp nâng cao chất lượng đồ án xây dựng nông thôn mới.

–         Bổ sung các quy định về đầu tư xây dựng, quản lý kiến trúc cảnh quan đối với các các khu vực ngoại thành, ngoại thị đã có quy hoạch và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để phát triển đô thị.

Kết quả rà soát, đánh giá và những đề xuất sơ bộ nêu trên là cơ sở để các cơ quan chức năng của Bộ Xây dựng nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL về quản lý quy hoạch, kiến trúc trong những giai đoạn tiếp theo.

Viện Nhà ở và Công trình công cộng

 

bình luận