Nghiệm thu đề tài NCKH “Cấu trúc làng và sắp xếp, bố trí dân cư miền núi trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam”. Đây là đề tài nghiên cứu cấp tỉnh do Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) thực hiện.(09/03/2020)

Quang cảnh buổi nghiệm thu đề tài. Ảnh: C.N

Quang cảnh buổi nghiệm thu đề tài. Ảnh: C.N

Chiều ngày 5/3/2020, tại Sở Khoa học & Công nghệ Quảng Nam Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì buổi đánh giá, nghiệm thu kết quả nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ “Cấu trúc làng và sắp xếp, bố trí dân cư miền núi trong xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Quảng Nam”, do TS. Tạ Hoàng Vân chủ nhiệm.

Đến dự buổi nghiệm thu có đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp &PTNT, Sở KH&CN, Sở Văn hóa TT&DL, Văn phòng Điều phối NTM cùng đại diện các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam.

Mục tiêu đề tài là nhận diện đặc điểm cấu trúc và sự chuyển biến cấu trúc làng miền núi tỉnh Quảng Nam; Đánh giá thực trạng việc triển khai quy hoạch trong chương trình NTM và bước đầu thực hiện dự án sắp xếp dân cư ở các huyện miền núi của tỉnh; Đề xuất bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị truyền thống bản địa đối với các điểm dân cư truyền thống nhằm phát huy hiệu quả các mục tiêu chương trình NTM, hướng đến đề xuất mô hình quy hoạch đối với điểm sắp xếp dân cư NTM tại miền núi Quảng Nam.

Đề tài tập trung nghiên cứu cấu trúc làng của 4 dân tộc bản địa: Co, Cơ Tu, Xê Đăng, Giẻ Triêng. Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng các làng đã thực hiện chương trình NTM và sắp xếp dân cư của tỉnh, đề tài đề xuất 4 mô hình chính cho công tác quy hoạch, bố trí các điểm dân cư, làng truyền thống miền núi Quảng Nam gồm: hướng tâm, mở rộng xen ghép với làng cũ; điểm dân cư mới phát triển dựa trên làng truyền thống; điểm dân cư mới theo tuyến; điểm dân cư trung tâm theo mô hình ô bàn cờ. Nhóm nghiên cứu đã có những đánh giá ưu/nhược điểm và những khuyến nghị khắc phục khi áp dụng mô hình này.

Các mô hình này đều được thiết lập trên cơ sở nghiên cứu sâu sắc yếu tố bản địa, thói quen sinh kế của đồng bào các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Nam. Từ đó, đề xuất giải pháp quy hoạch NTM cần tính đến đặc điểm và nhu cầu cụ thể của mô hình định cư, các tiêu chí quy hoạch NTM cần có sự thay đổi linh hoạt, đặc biệt đối với các làng có nhiều giá trị di sản văn hóa; đề xuất và áp dụng các mô hình nhà ở tiết kiệm quỹ đất nhưng vẫn khai thác được nét đặc trưng truyền thống, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống…

Anh-2-NCKH

Các thành viên Hội đồng

Nhận xét, đánh giá đề tài, các thành viên hội đồng nghiệm thu cho rằng đề tài nghiên cứu rất cần thiết cho công tác bố trí, sắp xếp dân cư miền núi tỉnh Quảng Nam. Những nghiên cứu công phu và sắc đáng hữu ích cho các tỉnh lân cận hoặc địa phương có tính tương đồng. Kết quả nghiên cứu có giá trị về mặt khoa học và thực tiễn, là cơ sở giúp cho các địa phương lựa chọn cách thức sắp xếp, bố trí dân cư phù hợp trong xây dựng NTM, đảm bảo vừa nâng cao đời sống người dân, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa miền núi.

PV

bình luận