Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác Lý luận phê bình kiến trúc Viện Kiến trúc Quốc gia”(28/10/2016)

Nhằm thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, nâng cao hiệu quả hoạt động lý luận phê bình kiến trúc, sáng 28/10, Viện Kiến trúc quốc gia đã tổ chức buổi tọa đàm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác Lý luận phê bình kiến trúc Viện Kiến trúc Quốc gia” tại trụ sở Viện (389, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội).

Tham dự buổi tọa đàm khoa học lần này có sự góp mặt của các chuyên gia đầu ngành như: GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, PGS.TS.KTS Tôn Đại, KTS Đoàn Khắc Tình, TS.KTS Lê Bích Thuận cùng các chuyên gia đang công tác tại Viện. Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia Đỗ Thanh Tùng chủ trì buổi tọa đàm, cùng sự có mặt của các Viện phó: Vũ Đình Thành, Trần Đình Thái, Đặng Tiên Phong, đại diện các phòng chuyên môn trực thuộc Viện.

Viện trưởng Đỗ Thanh Tùng phát biểu khai mạc hội thảo

Viện trưởng Đỗ Thanh Tùng phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Viện trưởng Đỗ Thanh Tùng khẳng định Viện Kiến trúc Quốc gia là Viện đầu ngành và duy nhất nghiên cứu mảng lý luận phê bình kiến trúc. Đây là buổi tọa đàm quan trọng, nằm trong chuỗi sự kiện hội thảo hướng đến việc đổi mới toàn diện công tác lý luận phê bình kiến trúc, nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò của Viện đầu ngành trong ngành Xây dựng.

Trong những năm qua, Viện đã tổ chức được nhiều buổi hội thảo khoa học, các bài lý luận phê bình kiến trúc được thể hiện tương đối bao quát, sát thực trên các chuyên đề Tạp chí Kiến trúc Việt Nam và các kênh thông tin, báo chí khác. Tuy nhiên, hoạt động này còn vấp phải một số hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan còn có các nguyên nhân chủ quan như đội ngũ nhân lực còn mỏng về chất lượng, thiếu thông tin cập nhật…

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, KTS Đoàn Khắc Tình, PGS.TS.KTS Tôn Đại, TS.KTS Lê Bích Thuận (từ phải qua trái) tham dự buổi tọa đàm

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, KTS Đoàn Khắc Tình, PGS.TS.KTS Tôn Đại, TS.KTS Lê Bích Thuận (từ trái qua phải) dự buổi tọa đàm

Đóng góp tại buổi hội thảo, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính đã chỉ ra các vấn đề cần làm rõ trong giai đoạn hiện nay. GS cho rằng đây là vấn đề nan giải, khó khăn, cần có cái nhìn tổng quan về tình hình nghiên cứu, nắm rõ vấn đề, những điểm mũi nhọn cần làm trong hoạt động lý luận phê bình, nhưng muốn nghiên cứu mảng lý luận cần sự phối hợp của các chuyên gia, sử dụng được quỹ “tri thức kiến trúc” và luôn có các hoạt động, sự kiện, tọa đàm nhằm đột phá, kích thích sự phát triển của lý luận phê bình kiến trúc.

PGS.TS.KTS Tôn Đại lại coi đội ngũ nguồn nhân lực là vấn đề cốt lõi nhất trong công tác lý luận phê bình. Đội ngũ người phê bình kiến trúc cần có kiến thức sâu rộng đa ngành không chỉ riêng lĩnh vực kiến trúc mà các ngành nghệ thuật khác như văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc… đặc biệt là văn hóa, xã hội. Vì thế, người làm công tác lý luận cần phải trau dồi, cần được đào tạo đa ngành và tham khảo, cập nhật các phương pháp lý luận phê bình, các xu thế phát hiện, phương pháp luận từ các quốc gia phát triển trên thế giới để có những ứng dụng hiệu quả trong điều kiện Việt Nam hiện nay.

Vì công tác lý luận phê bình kiến trúc có tác động, ảnh hưởng đến các vấn đề lớn, tài sản nguồn lực lớn của xã hội, KTS Đoàn Khắc Tình chia sẻ: “Lý luận phê bình không nằm ở những gạch đầu dòng”. Đội ngũ người làm công tác lý luận phê bình kiến trúc cần được đào tạo, rèn luyện bài bản. Đặc biệt, song song với vốn tri thức, cần xây dựng và tìm tòi các phương pháp thể hiện mới nhằm có được các bài lý luận phê bình kiến trúc có hiệu quả tác động tích cực đến sự phát triển chung của xã hội.

Còn theo TS.KTS Lê Bích Thuận, hoạt động lý luận phê bình cần được tăng cường tuyên truyền, phát huy những lợi thế như đã làm được trên báo chí, truyền thông trong thời gian qua. Đặc biệt, cần nhấn mạnh lý luận  với thực tiễn.

Để đóng góp hiệu quả cho sự phát triển chung của ngành, công tác phê bình lý luận kiến trúc cần đi trước một bước dựa trên các chiến lược định hướng phát triển giàu tính khoa học bài bản. Các ý kiến đóng góp của chuyên gia trong buổi tọa đàm lần này sẽ giúp Viện Kiến trúc Quốc gia có những định hướng phát triển nâng cao hiệu quả và xây dựng được kế hoạch cụ thể  cả trong ngắn hạn & dài hạn, nhằm phát triển hơn nữa trong hoạt động lý luận phê bình kiến trúc.

PV

bình luận