Dự án: “Điều tra khảo sát đánh giá giá trị nhà ở truyền thống các dân tộc khu vực miền Trung”(08/06/2017)

1. Giới thiệu chung

Miền Trung là vùng có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, mang đậm tính chất tộc người và vùng văn hóa đặc thù khu vực. Với các yếu tố tự nhiên là núi non, biển, sông ngòi, các đầm và các tiểu đồng bằng nhỏ hẹp, bám sát vào các chân núi ven biển… ảnh hưởng vào trong các thành tố văn hoá vùng đồng thời có tác động to lớn và quan trọng tới kinh tế – văn hóa – xã hội của các dân tộc sinh sống trên địa bàn nói chung và hình thái cấu trúc làng, kiến trúc nhà ở nói riêng.

Kiến trúc truyền nhà ở truyền thống của các dân tộc khu vực miền Trung là một trong những đối tượng nghiên cứu phức tạp và quan trọng nhất trong văn hóa vật chất bởi nhà ở là “một phức hợp sinh hoạt  – văn hóa” – “không gian văn hóa” của các cư dân. Ngôi nhà gắn với các điều kiện khách quan tác động vào nó: điều kiện môi trường sống, trình độ văn hóa,  quan niệm thẩm mỹ và tâm lý, tập tục cổ truyền, tôn giáo, tín ngưỡng… của cư dân là chủ nhân ngôi nhà đó.

Dự án tập trung khảo sát, đánh giá, hệ thống kiến trúc nhà ở của đồng bào các dân tộc miền Trung, khảo sát bản làng các dân tộc, các loại bố cục làng truyền thống. Nghiên cứu nhà cửa và khuôn viên không thể tách khỏi mối quan hệ với hình thái cư trú cũng như các đối tượng kiến trúc khác cùng cấu thành nên không gian kiến trúc thôn làng, đặc biệt là nhà công cộng (nhà làng) nhằm mục đích đem lại cái nhìn tổng quan và có sự đánh giá tổng hợp về quỹ kiến trúc của khu vực miền Trung.

Công tác nghiên cứu nhà ở truyền thống của các dân tộc khu vực miền Trung góp phần nghiên cứu về văn hóa tộc người, phục vụ cho công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và phục vụ quá trình phát triển đời sống xã hội của địa phương. Trong giai đoạn hiện nay, nền kinh tế, văn hóa xã hội với các xu thế có tác động và ảnh hưởng lớn tới các dân tộc dẫn đến thực trạng nhiều ngôi nhà truyền thống đang mất dần đi. Cùng với đó là sự giao lưu về mọi mặt giữa các dân tộc cũng dẫn tới những thay đổi về phương thức và kỹ thuật làm nhà, thay đổi tập tục và yếu tố đặc trưng của nhà ở truyền thống. Đó cũng chính là vấn đề cần được điều tra, khảo sát cụ thể và đánh giá sơ bộ, thu thập nguồn dữ liệu cho quỹ kiến trúc truyền thống. Nghiên cứu nhà ở truyền thống các dân tộc trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa quan trọng và vô cùng cần thiết, góp phần trực tiếp vào công cuộc cải tạo và xây dựng nông thôn mới cũng như đóng góp cho công tác quản lý ngành và quảng bá hình ảnh của địa phương nói riêng, đất nước nói chung.

2. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu áp dụng của dự án

a. Phạm vi và địa điểm lựa chọn: Nhà ở tại 5 tỉnh, 9 dân tộc:

– Tỉnh Quảng Trị (dân tộc: Pa Cô, Bru – Vân Kiều).

– Tỉnh Thừa Thiên-Huế (dân tộc: Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Cô).

– Tỉnh Quảng Nam (dân tộc: Xơ Đăng, Cơ Tu, Giẻ Triêng).

– Tỉnh Ninh Thuận (dân tộc:  Chăm).

– Tỉnh Bình Thuận (dân tộc: Cơ Ho, Raglai, Chăm).

  1. Đối tượng nghiên cứu

Nhà ở truyền thống các dân tộc thiểu số miền Trung. Các dân tộc được lựa chọn khảo sát phải còn lưu giữ được những ngôi nhà mang nhiều đặc trưng nhất của nhà truyền thống. Qua đó, khảo sát đánh giá về tổ chức không gian kiến trúc, môi trường cảnh quan, kỹ thuật xây dựng, vật liệu xây dựng nhà ở truyền thống.

Bên cạnh đó, dự án cũng nghiên cứu và khảo sát bản làng các dân tộc, các loại bố cục làng truyền thống. Tìm hiểu thêm loại hình kiến trúc có giá trị khác là nhà làng, là thành tố quan trọng làm nên quỹ kiến trúc miền Trung.

3. Mục tiêu dự án

– Xây dựng hệ thống dữ liệu về nhà ở dân gian miền Trung phục vụ công tác quản lý kiến trúc, quy hoạch, xây dựng nông thôn mới tại các vùng trên.

– Đề xuất những giải pháp khai thác các giá trị kiến trúc, nghệ thuật, công năng; bảo tồn và khai thác phát triển du lịch nhằm quảng bá hình ảnh đặc trưng kiến trúc của địa phương.

– Đề xuất hướng nâng cao tiện nghi sống trong nhà ở của các dân tộc thiểu số phù hợp với tập tục, truyền thống và thích nghi với những tiêu chuẩn mới của chương trình nông thôn mới.

4. Phương pháp nghiên cứu

–  Sưu tầm, thu thậptư liệu kiến trúc nhà ở các dân tộc: lý lịch dài tích, tư liệu viết, tư liệu ảnh, tư liệu đạc họa, ký họa…

– Vẽ ghi, ký họa hiện trạng kiến trúc: bố cục làng (yếu tố truyền thống và chuyển biến của nó trong thời kỳ đổi mới). Bố cục mặt bằng, phân chia không gian, cấu kiện, kỹ thuật lắp dựng, vật liệu xây dựng nhà ở truyền thống.

– Điều tra phỏng vấn trực tiếp người dân, các nhà quản lý và chuyên gia.

Từ các dữ liệu thu thập được, phân tích và đối chiếu với những kết quả của các nghiên cứu đã có từ trước để rút ra đánh giá, kết luận và đề xuất.

5. Sản phẩm dự án

– Hồ sơ khảo sát kiến trúc nhà ở truyền thống một số dân tộc ở khu vực miền Trung (bản vẽ, ảnh chụp, phim, ký họa, báo cáo đánh giá).

– Các giải pháp bảo tồn, khai thác những yếu tố kiến trúc, mỹ thuật, kỹ thuật, vật liệu… phục vụ cho công tác quản lý, kiến trúc, quy hoạch, xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch tại khu vực miền Trung.

6. Một số Kết luận rút ra từ dự án:

 Về dân tộc:Đồng bào các dân tộc ít người miền Trung rất phong phú về sắc tộc. Mỗi dân tộc lại có những yếu tố văn hóa riêng biệt được quy định bởi ý niệm về thiên nhiên, phong tục tập quán, kinh nghiệm sản xuất và định cư. Các nội dung trong công tác dựng làng, dựng bản của đồng bào và cất dựng nhà cửa nhằm ổn định cuộc sống chính là sự phản ánh các đặc thù về điều kiện tự nhiên, khí hậu, văn hoá của cộng đồng các dân tộc. Qua đó thể hiện trình độ văn hóa – khoa học kỹ thuật của đồng bào còn thấp, phụ thuộc vào tự nhiên.

 Về giá trị truyền thống:Một ngôi làng, một ngôi nhà truyền thống của đồng bào không phải xuất hiện một sớm một chiều mà phải được trải nghiệm qua nhiều thời gian. Đó là  một quá trình thể nghiệm – sửa đổi –  hoàn thiện để hình thành những yếu tố riêng làm nên đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc.

 Về làng bản:Biểu hiện của những giá trị vật chất và tinh thần rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên làm nên cảnh quan truyền thống của làng bản đồng bào dân tộc thiểu số miền Trung, làm nên giá trị ngôi làng thể hiện trong cấu trúc quy hoạch, tổ chức không gian của cả làng đến từng ngôi nhà, khu trung tâm làng, tới các công trình. Mỗi thể loại công trình cũng có yêu cầu mức độ thể hiện tính truyền thống dân tộc. Địa hình, khí hậu làm nên cấu trúc bản làng tập trung trên một khu đất. Vì vậy cấu trúc làng đồng bào dân tộc miền Trung chặt chẽ, thường là cấu trúc khép như hình vành khăn, hình móng ngựa, hình chữ nhật, hình chữ Nhị. Qua cấu trúc làng đã thể hiện tính cộng đồng rất cao. Các ngôi nhà quây quần bên nhau, thường hướng mặt vào nhau và cùng nhìn về trung tâm là ngôi nhà cộng đồng – nơi diễn ra các sự kiện chung của làng. Xung quanh làng là các thành phần thiết yếu hoặc bổ trợ cho đời sống vật chất và tinh thần như: bến nước, rừng thiêng, ruộng rẫy, kho thóc, nghĩa địa,cổng… Qua đó cho thấy các thành phần cảnh quan của làng được làm nên từ chính các yếu tố tự nhiên như rừng núi, suối, nương rẫy… Đường đi lối lại trong làng truyền thống thường tự do, các khuôn viên mở không có rào ngăn cách giữa các hộ dân. Yếu tố hạ tầng kỹ thuật chưa được đặt ra. Các yếu tố về hạ tầng xã hội đơn giản gồm ngôi nhà cộng đồng dành cho người sống và nghĩa địa dành cho người chết.

Về kiến trúc:Nét chung của nhà ở truyền thống  là kiểu nhà sàn với không gian đa năng, vật liệu tại chỗ, kết cấu linh hoạt. Mở rộng diện tích linh hoạt bằng nối tiếp các mô đun kết cấu bằng việc thêm các hàng cột, các bộ vì cùng các thành phần bao che, sàn, mái…Sự xuất hiện thêm một gia đình nhỏ sẽ làm dài thêm một ngôi nhà lớn. Kỹ thuật dựng nhà cửa của đồng bào cũng dần thay đổi cho phù hợp, từ néo, buộc, kê, gác, đinh, chốt, mộng… làm tăng sự bền vững cho ngôi nhà.

Về giá trị kiến trúc:Trong kiến trúc đồng bào dân tộc miền Trung, giá trị văn hóa, kỹ thuật, mỹ thuật được thể hiện rõ nhất trong công trình nhà ở, nhà cộng đồng và nhà mồ. Giá trị công trình  được thể hiện trong tổ chức không gian, mối liên hệ giữa không gian bên trong với bên ngoài, không gian chuyển tiếp; trong bố cục các chức năng sử dụng  cho hợp lý, phù hợp với phong tục tập quán tín ngưỡng và yêu cầu cuộc sống. Thể hiện trong việc sử dụng vật liệu, kết theo cách làm phù hợp với điều kiện thiên nhiên khí hậu môi trường; chống được những bất lợi của khí hậu. Thể hiện trong việc lựa chọn hình khối và xử lý không gian kiến trúc, tỉ lệ kiến trúc từ tổng thể đến các bộ phận, các chi tiết…

 Về sự thay đổi:Sự đổi mới trong môi trường sống, trong đời sống vật chất và tinh thần tất yếu dẫn đến sự đổi mới trong kiến trúc. Bản làng, nhà cửa đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã có nhiều thay đổi theo sự phát triển kinh tế và đã được thực hiện bởi nhiều chủ trương chính sách ưu tiên phát triển cho đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên sự thay đổi trong bản làng và nhà cửa của đồng bào đang hướng về sự hòa đồng với dân tộc chiếm đa số là người Kinh. Xu hướng định cạnh định cư, ổn định sản xuất nâng cao đời sống vật chất, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế được đồng bào ủng hộ và phấn khởi tham gia. Mặt trái của nó chính là sự mai một, mất đi bản sắc, đặc trưng bản làng, ngôi nhà truyền thống của đồng bào. Sự mất đi nhiều nhất về số lượng là ngôi nhà ở, mất nhiều nhất về giá trị mang tính đặc trưng được xác định là ngôi nhà cộng đồng, mất đi giá trị mỹ thuật chạm khắc là ngôi nhà mồ…

  Về bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị tại các địa phương:Vấn đề phục dựng lại các công trình kiến trúc giá trị trong kiến trúc đồng bào dân tộc thiểu số miền Trung được thực hiện trong thời gian qua với nhiều dự án về văn hóa, về định canh định cư. Nhiều công trình nhà cộng đồng được phục dựng nguyên vẹn theo kiểu truyền thống hoặc sáng tạo mang tính hiện đại – dân tộc. Tính hiện đại chủ yếu trong vật liệu xây dựng, tính dân tộc được biểu hiện trong hình thức, công năng ngôi nhà. Tuy nhiên, do vai trò công năng của ngôi nhà làng là nơi cất giữ những vật thiêng truyền đời, nơi lưu giữ những giá trị tinh thần thiêng liêng nhất của cộng đồng Làng. Do đó, nhà làng là nơi hội tụ linh khí đất trời, nơi biểu hiện sức mạnh của cộng đồng, nơi giao hòa, gửi gắm niềm tin giữa con người với các vị thần linh. Nhà làng đồng thời còn là nơi các Già làng hội họp và đưa ra những quyết định liên quan đến vận mệnh của cả cộng đồng, đưa ra những phán quyết theo luật tục, nơi tổ chức các lễ hội, sinh hoạt vui chơi giải trí… nên nhiều ngôi nhà làng mới được xây dựng do chưa phù hợp với đồng bào nên đã không được sử dụng. Ngôi nhà mồ trong tương lai sẽ không còn bởi cách chôn cất mới. Vì vậy, ngôi nhà mồ chỉ được phụ dựng trong các bảo tàng lưu giữ như những dấu ấn của bản làng. Ngôi nhà ở hướng đến đời sống tiện nghi, sinh hoạt thuận tiện đã được xây dựng theo kiểu nhà người Kinh, xu hướng dựng nhà mới bên cạnh ngôi nhà truyền thống đang được khuyến khích. Đây là một khuynh hướng đúng đắn và đã có những thành công đáng kể trong thời gian qua.

Việc đề xuất giải pháp bảo tồn, khai thác phát huy giá trị nhà ở truyền thống các dân tộc miền Trung:Đây là một hành động cấp thiết hiện nay. Việc mai một các giá trị truyền thống sẽ làm mất đi bản sắc địa phương, bản sắc dân tộc, vùng miền, đồng thời làm mất đi những truyền thống và kinh nghiệm quý báu được lưu truyền từ nhiều đời nay trong việc ứng xử với môi trường tự nhiên, trong việc thích nghi với môi trường sống… Vì vậy, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị chính là giải pháp duy trì, gìn giữ và ứng dụng linh hoạt các giá trị đó trong phục dựng, trong xây dựng mới làng bản, nhà cửa. Xây dựng nếp sống văn minh trong mỗi làng quê miền Trung cần được tiến hành song song với việc bảo tồn phát huy giá trị truyền thống kết hợp chăm lo xây dựng đời sống văn hoá ở các thôn làng. Đây có thể coi là phần hồn của làng quê thời kỳ đổi mới, góp phần giáo dục nhân cách cho các thế hệ trẻ trong cộng đồng xã hội thôn làng.

 Khai thác các giá trị đặc trưng truyền thống trong làng bản và nhà cửa đồng bào dân tộc thiểu số miền Trung cần chắt lọc ra những yếu tố mang giá trị về mặt tinh thần và vật chất để tạo nên những giá trị mới.Kế thừa – phát huy bản sắc dân tộc vào trong kiến trúc hiện đại, học hỏi những kinh nghiệm của cha ông chính là sự kết nối di sản với việc xây dựng hiện đại văn minh. Đây là con đường phát triển bền vững của nền kiến trúc của một dân tộc, một cộng đồng.

 

 

 

bình luận